Hỗ trợ phát triển cây mắc ca

Đ.Kiên 12/06/2017 14:00

Trước thực trạng nhiều sản phẩm chủ lực nông nghiệp nước ta mất giá, khó tiêu thụ, mới đây Bộ NN-PTNT đã làm việc với Hiệp hội Macca Việt Nam (VMA), nắm bắt tình hình thực tế và triển vọng loại cây này.

Mắc ca là loại cây có giá trị kinh tế cao.

Macca là loài cây ăn quả thân gỗ, nhân dùng trực tiếp làm thực phẩm hoặc chế biến các loại bánh, kẹo, mỹ phẩm, dầu ăn..., là loài cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cây ưa khí hậu mát mẻ, á nhiệt đới, có thể trồng trên đất tơi xốp, nhất là vùng đất đỏ ba-zan. Qua thực tế phát triển macca hơn 10 năm qua, vùng Tây nguyên và Tây Bắc của Việt Nam rất phù hợp với cây macca.

Ngành công nghiệp macca trên thế giới có nhiều tiềm năng phát triển khi so sánh doanh thu với các loại hạt khác. Hiện tổng sản lượng tiêu thụ macca toàn cầu mới đạt khoảng 44.000 tấn, chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng tiêu thụ các loại hạt nói chung. Nhiều chuyên gia đầu ngành đã đánh giá ngành công nghiệp macca trong tương lai có triển vọng tăng trưởng ổn định, trong trung và dài hạn kỳ vọng đạt mức 5%. Giá trị hạt macca đang có xu hướng tăng trên thế giới. Sự tăng trưởng này đến chủ yếu từ các thị trường mới.

Theo ông Jolyon Burnett, Tổng Giám đốc Hiệp hội Macca Australia, Chủ tịch Hội đồng Hạt khô Australia, có tới 98% tổng doanh số hạt nguyên vỏ được bán ra tại thị trường là Trung Quốc, trong khi 80% tổng doanh số nhân được bán ra tại 5 thị trường (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Đức và Brazil). Lượng tiêu thụ macca không ngừng tăng với lượng tiêu thụ hạt lớn như Ấn Độ, Trung Đông, Nga, Indonesia.

Về giá trị kinh tế, theo Giáo sư Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng , cây macca trồng sau 3 năm cho thu hoạch (bình quân 1kg hạt/cây), sản lượng tăng dần theo tuổi cây; năm thứ 7 bình quân 10 kg hạt/cây; đến năm thứ 10 bình quân 20kg hạt/cây và đến năm thứ 13 bình quân 30kg hạt/cây.

Với giá bán hạt macca hiện nay ở Việt Nam khoảng 100.000 đồng/kg hạt, nếu trồng xen macca vào cà phê mật độ 100 cây/ha/năm, ngoài doanh thu từ cà phê, hàng năm doanh thu macca từ năm thứ 3 đạt khoảng 10 triệu đồng/ha. Doanh thu sẽ tăng dần theo tuổi cây, đến năm thứ 7 khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, năm thứ 10 khoảng 200 triệu đồng/ha/năm và đến năm thứ 13 khoảng 300 triệu đồng/ha. Chi phí chăm sóc, thu hoạch của cây macca chỉ khoảng 10% doanh thu.

Theo ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, thời gian qua, hiệp hội đã có nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ người trồng mắc ca trên cả nước. Trong đó, đã mở các lớp tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, thu hoạch mắc ca cho hàng ngàn lượt nông dân. Hiệp hội cũng đã tổ chức khảo sát, hỗ trợ giống và xây dựng mô hình điểm tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Còn theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam, tại khu vực Tây Nguyên, đến nay đã tổ chức tư vấn cho vay và đào tạo canh tác cây mắc ca với trên 4.000 lượt nông dân tham dự. Đồng thời, lập báo cáo trình Thủ tướng về tình hình phát triển cây mắc ca ở Việt Nam, đề xuất những chính sách cho sự phát triển ngành mắc ca ở Việt Nam.

Theo kế hoạch, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống kê đầy đủ và chi tiết thực trạng của mắc ca Việt Nam hiện nay như diện tích trồng, các loại giống đã trồng, phương thức trồng cũng như soạn thảo các quy trình, quy chuẩn về giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản mắc ca...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ phát triển cây mắc ca

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO