Hòa đàm Syria diễn ra trong ảm đạm

Khánh Duy 30/01/2016 00:18

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng thì các vòng đàm phán về Syria cũng được tổ chức ở Geneva, Thụy Sỹ hôm 29/1 trong lần nỗ lực thứ ba nhằm chấm dứt chiến tranh và cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Thế nhưng viễn cảnh cho một bước đột phá dường như quá ảm đạm.

Hòa đàm Syria diễn ra trong ảm đạm

Một con phố bị tàn phá bởi chiến sự ở thủ đô Damascus, Syria. (Nguồn: Reuters).

Đặc phái viên LHQ phụ trách các vòng đàm phán, ông Staffan de Mistura, thậm chí còn không chắc chắn ai sẽ tham dự các vòng đàm phán lần này – và thời điểm mà họ tham dự. Phe nổi dậy Syria trước đó, hôm 28/1, từng tuyên bố rằng họ sẽ không tham dự cho đến khi Chính phủ nước này ngừng các cuộc không kích và chiến dịch quân sự. Trong khi đại diện của Tổng thống Bashar al-Assad cũng có khả năng sẽ không thèm gặp gỡ phe nổi dậy.

Ông de Mistura cũng cho biết khả năng đạt thỏa thuận là khá thấp và các vòng đàm phán có thể sẽ bị kéo dài. Vị quan chức còn lên sẵn kế hoạch tổ chức các vòng đàm phán tách biệt trong vòng 6 tháng tới nhằm đạt các thỏa thuận riêng rẽ với từng phe phái ở Syria, bởi không có bên nào chịu ngừng các chiến dịch quân sự trước.

Mục tiêu hàng đầu của vòng đàm phán đầu tiên là tìm cách đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực, thúc đẩy nỗ lực chống lại tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và cải thiện các hoạt động nhân đạo ở các vùng có chiến sự. Và đặc biệt là không có cuộc thảo luận nào về tương lai của chính quyền Assad, hay thành lập một chính phủ chuyển tiếp.

Các ý tưởng đàm phán này đã không thay đổi mấy kể từ các vòng đàm phán cũng ở Geneva hồi tháng 6/2012, và giờ vẫn tiếp tục đóng vai trò nền tảng của các nỗ lực thúc đẩy hòa bình. Thực tế cho thấy các vòng đàm phán không hiệu quả này đã khiến cộng đồng quốc tế thất vọng và mất kiên nhẫn về viễn cảnh các phe phái ở Syria sẽ cùng ngồi lại với nhau để chấm dứt một cuộc chiến đã cướp đi gần 300.000 sinh mạng, khiến hàng triệu người mất nhà cửa và gây bất ổn toàn khu vực Trung Đông.

Thêm vào đó, các vòng đàm phán lần này lần đầu tiên có sự góp mặt của Iran và Arab Saudi - một nước ủng hộ chính quyền Assad và một nước phản đối - cả hai đều ngồi chung bàn đàm phán dù cho ngay cả mối quan hệ giữa hai nước này cũng đang trong trạng thái tồi tệ.

Hôm thứ Bảy tuần trước, khi Ngoại trưởng Mỹ Kerry có cuộc gặp gỡ với Ủy ban Đàm phán của phe nổi dậy Syria tại Riyadh, Arab Saui, ông được cho là đã thúc giục phe nổi dậy chấp nhận các đề xuất của Moscow và Tehran, trong đó bao gồm cả quyền được tái bầu cử của ông Assad, hoặc sẽ mất đi sự ủng hộ của Washington.

Sự ngờ vực giữa các bên trong vòng đàm phán này dường như không thể cao hơn được nữa do các thành phần tham dự cũng là vấn đề khiến các bên nghi kỵ lẫn nhau. Ông de Mistura từng phớt lờ yêu cầu của Nga rằng lực lượng người Kurd ở Syria phải được mời tham gia các vòng đàm phán – chủ yếu do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi các thủ lĩnh của phe đối lập được phương Tây hậu thuẫn cũng chần chừ do lo ngại rằng sẽ bị chỉ trích đến tơi tả.

Trong khi đó, tình hình chiến sự thực tế ở Syria cũng làm vấn đề thêm trầm trọng. Người ta đã chứng kiến trong tuần này sự sụp đổ của Sheikh Miskeen, một thị trấn chiến lược mà phe nổi dậy từng kiểm soát gần biên giới Jordan. Thị trấn Salma, thuộc Latakia cũng tuột khỏi tay lực lượng nổi dậy.

Hiện nay, LHQ chỉ có thể hy vọng vào việc tổ chức thêm một cuộc đàm phán khác dựa trên mô hình của cuộc đàm phán Oslo giữa Israel và Tổ chức Tự do Palestine trước kia: Đàm phán riêng rẽ với từng bên để đạt được các thỏa thuận nội bộ, trong khi bỏ ngỏ các vấn đề gai góc nhất cho đến khi tiến trình hòa bình kết thúc.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng kế hoạch đó đồng nghĩa với việc tương lai của Syria vẫn trong trạng thái bất ổn, và nó không thể giúp gì trong việc phục hồi sự ổn đỉnh cần thiết ở quốc gia này để hàng triệu người dân di cư khắp châu Âu có thể trở về quê hương của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hòa đàm Syria diễn ra trong ảm đạm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO