Hòa giải từ cơ sở, ngăn ngừa phát sinh điểm nóng

Nam Việt 01/01/2019 08:00

Cuộc sống phát sinh những vấn đề phức tạp. Nếu không sớm giải quyết, những phức tạp sẽ tích tụ, bùng phát. Vì thế, việc tăng cường đối thoại, hòa giải từ cơ sở nhằm ngăn ngừa phát sinh điểm nóng là rất cần thiết. Ở đây, vai trò của người làm công tác Mặt trận là rất quan trọng. Vì hơn ai hết, họ là người rất gần dân.

Hòa giải từ cơ sở, ngăn ngừa phát sinh điểm nóng

Các thành viên Ban công tác Mặt trận khu dân cư và tổ hòa giải thôn Mãn Hóa (xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cập nhật kiến thức công tác hòa giải.

1. Ngày 19/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị với các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và 27 địa phương, bàn về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là tình trạng khiếu nại phức tạp đông người kéo dài. 27 địa phương có mặt tại Hội nghị là những nơi còn xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người phức tạp kéo dài.
Để khắc giải quyết, Thủ tướng cho rằng, cần phải tiếp cận toàn diện vấn đề, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người dân mà phải nhìn nhận lại trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong đối thoại, lắng nghe, giải quyết các vụ việc khiếu nại kéo dài. Thủ tướng nhấn mạnh, các vụ việc dù là nhỏ nhất cũng cần được giải quyết với tinh thần không ngại va chạm và phân định rõ việc của từng cấp để có biện pháp giải quyết.

“Chúng ta không được coi thường đốm lửa nhỏ, những đốm lửa nhỏ nếu gặp nắng và gió lớn sẽ dễ bốc cháy cả cánh đồng, cả cánh rừng nên không được chủ quan”- Thủ tướng nói.

Thông điệp của Thủ tướng là rất rõ ràng. Phải chủ động đến với dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của người dân. Cán bộ cơ sở không ngại khó ngại khổ, phải tiếp cận những vụ khiếu nại, khiếu kiện ngay từ đầu để hòa giải, tìm cách giải quyết. Phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền hướng giải quyết có tình có lý, không để những mâu thuẫn tích tụ. Nếu chủ động đến với người dân, tìm hiểu những mâu thuẫn và đề xuất cách giải quyết sớm thì sẽ “yên dân”, không phát sinh khiếu kiện lớn, khiếu kiện kéo dài.
Với vấn đề này, vai trò của cán bộ cấp cơ sở (xã/phường), của cán bộ Mặt trận cơ sở là rất quan trọng.

2. Từ lâu, xác định vai trò quan trọng của MTTQ trong công tác hòa giải cơ sở, nên công tác này được đẩy mạnh ở từng khu dân cư, tuy rằng mức độ đạt được có khác nhau.

Hoà giải ở cơ sở chính là góp phần củng cố khối Đại đoàn kết từ mỗi khu dân cư. Công tác hoà giải ở cơ sở là một loạt hoạt động mang tính chất xã hội tự quản, cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngày 20/6/2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở, luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Đây là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao quy định đầy đủ, đồng bộ các vấn đề về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhất là những quy định nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Luật Hòa giải ở cơ sở ghi nhận vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hoà giải ở cơ sở.

“Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham gia quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; vận động tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở. Các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật”- theo quy định trong Luật Hòa giải ở cơ sở.

Ngày 18/11/2014, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ký ban hành Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP- UBTƯMTTQVN, hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở và tham gia quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của MTTQ Việt Nam. Nghị quyết liên tịch xác định nguyên tắc phối hợp phải được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức; phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; tăng cường tính chủ động, tích cực của mỗi cơ quan, tổ chức trong công tác hòa giải ở cơ sở; và việc phối hợp phải thường xuyên, kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đúng quy định của pháp luật.

3. Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở được MTTQ các cấp triển khai cả chiều rộng lẫn chiều sâu và thu được nhiều kết quả.

Tại Quảng Ninh, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, khu dân cư xây dựng, củng cố các tổ hòa giải ở cơ sở; góp phần giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Một ví dụ cụ thể tại phường Bạch Đằng (TP Hạ Long). Phường hiện có hơn 3.000 hộ dân với gần 10.000 nhân khẩu. Cả 7 khu phố của phường đều có tổ hòa giải, hoạt động tích cực, hiệu quả, thành phần tham gia là cán bộ khu phố, Trưởng ban Công tác Mặt trận, đại diện các chi hội phụ nữ, CCB, người cao tuổi… Cùng với đó, MTTQ chủ động phối hợp với chính quyền xây dựng tổ an ninh nhân dân tự quản, tổ hòa giải nhân dân; giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của Mặt trận tham gia công tác hòa giải, gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Có thể nói, công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần giữ gìn sự đoàn kết cộng đồng, phòng ngừa vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan nhà nước và công dân.

Còn tại Tuyên Quang, chính quyền và MTTQ xác định hòa giải ở cơ sở là hoạt động quan trọng gìn giữ tình làng, nghĩa xóm, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, ổn định trật tự, an toàn xã hội. Ủy ban MTTQ luôn thống nhất hành động với các tổ chức thành viên, phối hợp chặt chẽ với ngành tư pháp, các cơ quan chức năng hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở gắn với việc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động và chủ trì. Cách làm hay của Tuyên Quang trong công tác này là Ban Công tác Mặt trận xây dựng các mô hình điểm, các nhóm nòng cốt, phối hợp với tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố tham gia hòa giải các vụ việc, những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân ngay tại địa bàn dân cư. Từ đó, những mâu thuẫn, xích mích hằng ngày được giải tỏa, xây dựng được tình đoàn kết, không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

Với tỉnh Bình Phước, là tỉnh nhiều tôn giáo và có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống là khó tránh khỏi. Để giải quyết tình hình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh thống nhất cao việc tăng cường tổ chức đối thoại để từng bước giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Đối thoại giữa lãnh đạo với dân được tăng cường. Không chỉ đối thoại ở cấp tỉnh, vấn đề đối thoại, hòa giải, tìm ra sự đồng thuận còn được chú trọng ở cấp thôn, xã. Có thể nêu ví dụ cuộc đối thoại tại xã Đức Liễu (huyện Bù Đăng): Tổ chức đối thoại với đại diện 283 hộ dân thôn 6 về các vấn đề trong xây dựng nông thôn mới.

Đối thoại và hòa giải đang dân thành một xu thế trong việc giải quyết khúc mắc, mẫu thuẫn ngay từ đầu, từ đó xây dựng khối đoàn kết tại khu dân cư. Một lần nữa có thể khẳng định rằng, thành công từ đối thoại, hòa giải ở cơ sở có vai trò rất lớn của MTTQ các cấp suốt thời gian qua.

Hòa giải từ cơ sở, ngăn ngừa phát sinh điểm nóng - 1

Cán bộ MTTQ phường Cẩm Bình (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) và các tổ chức thành viên trao đổi tình hình công tác hòa giải trên địa bàn.

Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức đúng về công tác hòa giải, có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao thì ở đó công tác phối hợp giữa chính quyền và ngành tư pháp với MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận được thực hiện thường xuyên, liên tục và công tác hòa giải được đẩy mạnh thì tình hình xã hội được ổn định và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hòa giải từ cơ sở, ngăn ngừa phát sinh điểm nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO