‘Hoa hậu gạo thế giới’ về tay người khác…

Thảo Nguyên 22/04/2021 09:00

Kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của các giống gạo ngon dòng ST, trong đó có ST24, ST25 chắc cũng không nghĩ rằng có một ngày “Hoa hậu gạo thế giới” do ông làm ra sẽ bị người khác chiếm mất, bằng cách đăng ký bản quyền ở Mỹ.

Gạo ST25.

Tại đấu trường quốc tế, ST24, ST25 của ông Cua đã giành được những vị trí nhất nhì, đem lại danh giá không chỉ cho cá nhân ông, hay địa phương trồng giống lúa ấy, mà còn làm nên thương hiệu cho gạo Việt Nam.

Về quá trình lai tạo, tuyển chọn giống gạo thơm ST25, ông Cua cho biết, đã có hàng ngàn dòng lúa đã được phân tích mùi thơm, hàng trăm loại cơm đã được nếm thử và hàng ngàn tấn lúa đã được xay xát thăm dò ý kiến khách hàng. Liên tục các cuộc thi nội bộ đã được tổ chức sau từng vụ thu hoạch, một cuộc thi do tỉnh Sóc Trăng tổ chức và hai cuộc thi do Hiệp Hội lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức, bốn lần dự thi quốc tế liên tục từ 2017 đến 2020 và 4 lần đều được xếp hạng cao. Nhờ đó, gạo thơm Việt Nam lọt vào top đầu gạo ngon nhất thế giới.

Từ đó, dòng gạo ST bán chạy, được giá tại nhiều thị trường, trong đó có Mỹ.

Nhưng rồi, mới đây thông tin gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ bởi 4 doanh nghiệp ngoại khiến người ta bất ngờ và lo ngại. Như vậy là sau nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột… thương hiệu gạo ST25 đã bị doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Ông Cua biết, nhưng nói rằng không thể làm được gì vì không rành các quy định về sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.

“Tôi chỉ tập trung chuyên môn về chọn tạo giống. Những vấn đề liên quan đến bảo hộ bản quyền, chống hàng giả rất phức tạp. Ngay tại Việt Nam việc chống gạo ST25 giả cũng hết sức mệt mỏi. Còn ở thị trường Mỹ, ngay cuối năm 2019, khi gạo ST25 giành giải nhất cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” đã có đơn vị rao bán gạo ST25 rồi”, ông Hồ Quang Cua thông tin.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng các doanh nghiệp phải tự bảo vệ thương hiệu không chỉ trong nước mà cả ở thị trường xuất khẩu. Ông này cho biết thêm, nếu họ đã đăng ký thành công thì doanh nghiệp Việt Nam phải thuê luật sư để đòi lại. Cơ quan nhà nước chỉ có thể cung cấp thông tin, hướng dẫn chứ không can thiệp được.

Nếu đúng như vị Cục trưởng nói thì thật khó lắm thay. Vì như cha đẻ của dòng gạo ST nói, ông (mà ở đây nên hiểu là cũng như các doanh nghiệp khác) “không rành” các quy định về sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.

Cơ quan chức năng nói rằng doanh nghiệp phải tự bảo vệ; doanh nghiệp thì lại “không rành”. Vậy sẽ còn bao nhiêu sản phẩm của người Việt Nam làm ra sẽ lại bị mất tên vào tay người khác nữa đây?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Hoa hậu gạo thế giới’ về tay người khác…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO