Họa sĩ Ngô Ðồng: Tôi chỉ vẽ những gì đẹp đẽ, thanh bình, ấm áp

Việt Quỳnh (thực hiện) 28/07/2019 08:00

Năm 1991, họa sĩ Ngô Đồng thực hiện hợp đồng chép 400 bức tranh do Hội Mỹ thuật TPHCM giới thiệu, từ đó ông chuyên chép tranh. Khi thị trường tranh trở nên lộn xộn giữa thật và giả, ông tập trung vào sáng tác.

Bằng những nét vẽ tỉ mỉ kỹ lưỡng, các tác phẩm của ông mang vẻ đẹp trong sáng, lành mạnh với những hình ảnh đẹp của con người, xã hội Việt Nam đương thời. Họa sĩ Ngô Đồng đặc biệt thích xu hướng tranh hiện thực, nhất là cực kỳ thực và siêu thực.

Họa sĩ Ngô Ðồng: Tôi chỉ vẽ những gì  đẹp đẽ, thanh bình, ấm áp

Tác phẩm: Sài Gòn ngã tư của HS Ngô Đồng.

Ngô Ðồng thích tái hiện hình ảnh con người xã hội hiện đại trong tác phẩm, vì vậy tranh của ông có giá trị không chỉ nghệ thuật mà về cả mặt lịch sử.

Ông là người rất ít khi muốn nói về bản thân, vì vậy sau nhiều lần thuyết phục, ông mới có buổi trò chuyện về hành trình mỹ thuật đã chọn:

- Tôi thích vẽ từ bé, khi chưa biết chữ đã bắt chước vẽ cây dừa có cô gái quấn khăn rằn đứng dưới, nhìn thấy ở rất nhiều tranh cổ động và tranh “bờ hồ” thời bấy giờ , và “bị” mặc định rất lâu là người phụ nữ miền Nam rất đẹp và dịu dàng trong bộ bà ba đen với chiếc khăn rằn...

PV: Sinh ra tại Nam Ðịnh, vì sao ông theo học mỹ thuật tại TPHCM mà không phải là Hà Nội?

Họa sĩ Ngô Ðồng: Tôi đi bộ đội giống như nghĩa vụ quân sự bây giờ, nhưng là trong thời đất nước thật sự có chiến tranh. Trước khi đi bộ đội, tôi tốt nghiệp cấp 3 và học ở trường Trung cấp Kiến trúc Nam Ðịnh một năm. Ngay khi ấy tôi chỉ ước mình được học mỹ thuật và rất mê vẽ, cho nên môn vẽ trong trường Kiến trúc tôi học rất say mê. Cho đến khi đi bộ đội, rồi vào Nam chiến đấu ở chiến trường Mỹ Tho - Khu 8... Ở chiến trường, sau khi bị thương, về đơn vị hậu cần, tôi biết vẽ nên được điều về công tác ở Ban Chính trị “cờ đèn kèn trống, đóng đinh leo thang”, rồi được đi học lớp vẽ cấp tốc do Quân khu 8 mở, thầy Ðinh Rú xuống dạy.

Năm 1975 giải phóng Sài Gòn, đơn vị cho đi học Cao đẳng Mỹ thuật ở Sài Gòn, mừng rơi nước mắt. Khi đeo ba lô bước vào cánh cửa vòm của trường Mỹ thuật Gia Ðịnh vào tháng 12 năm 1975, tôi cứ ngỡ mình đang bước qua ngưỡng cửa “thiên đàng”.

Quá trình học mỹ thuật của ông thời đó ra sao?

- Học mê lắm. Tốt nghiệp Trung cấp (lớp 3 năm) loại giỏi, thi tiếp vào Ðại học, tôi vẽ và học rất say mê nên kết quả tốt.

Ông có thể kể về bạn học của ông và những kỷ niệm thời sinh viên mỹ thuật?

- Hồi tôi vào học, sinh viên trường Gia Ðịnh cũ ở lại theo học môn vẽ trang trí rất giỏi, tôi cũng như nhiều “chú bộ đội” khác theo không kịp. Lúc lên đại học thì thời chúng tôi có rất nhiều sinh viên giỏi, có người trước đó đã học ở Yết Kiêu rồi vào bộ đội hay công tác dân chính, nay về học. Họ cùng với những thầy giỏi như thầy Hoàng Trầm, hai người thầy trẻ Ca Lê Thắng, Ðào Minh Tri và một số thầy cô khác đã giúp cho việc dạy và học ở trường Mỹ thuật Sài Gòn thời đó tốt hẳn lên. Những cái tên đáng nhớ như: Trần Anh Tuấn, Trần Hữu Tri, Nguyễn Thanh Bình, Hoài Hương, Hoàng Tướng, Nguyễn Trung Tín… là những ảnh hưởng quan trọng với tôi thời kỳ đó. Nguyễn Trung Tín học trên tôi một lớp, nhưng sau đó vì nhiều lý do mà ông quay lại học chung lớp với tôi. Khi Trung Tín vào học, tôi mới nhận ra là có những người rất giỏi, chuyên nghiệp, say mê nghề và hiểu sâu như Tín, mình còn phải cố gắng nhiều. Sau những ngỡ ngàng “hòa nhập, bám đuổi” ban đầu, chúng tôi cùng có hai bài tốt nghiệp đạt loại giỏi.

Ông đã trải qua những tìm kiếm về phong cách hội họa của mình ra sao?

- Tôi đặc biệt thích xu hướng tranh hiện thực, nhất là cực kỳ thực và siêu thực. Nhưng rất bối rối. Vì thời kỳ đó không ai chấp nhận lối vẽ đó, mà chỉ thích tranh vẽ theo lối hậu ấn tượng, phảng phất kiểu tranh của các họa sĩ Ðông Dương, lược giản hết mọi chi tiết và kết hợp với vẻ đẹp dân gian. Ðến lúc tôi thấy thực sự chỉ có thiên nhiên là đẹp, cuộc sống sinh động mỗi ngày ngoài kia mới thật sự đẹp, cô gái chạy xe máy tóc bay tung kia, ánh trăng kia, mặt nước lung linh ánh mặt trời kia mới thật phong phú biết bao.

Các tiến trình sáng tạo của ông đã diễn ra như thế nào?

- May mắn khi đất nước mở cửa, tôi được xem tranh in trong sách của các họa sĩ Trung Quốc cùng trang lứa với mình và nhiều họa sĩ hiện thực Âu, Mỹ khác. Sau những xuýt xoa choáng ngợp, tôi nhận ra về mặt suy nghĩ, cảm xúc mình cũng không xa họ lắm, chỉ là mình làm chưa được vì mất phương hướng thôi, nên tôi bình tâm xem lại mình, cái nào chưa thật đúng mình thì gạt bỏ từ từ, kỹ năng nào chưa đủ thì chăm chút làm nhiều cho tốt lên. Và cứ thế, tôi thấy rõ mình đang ở đâu, làm gì và nên làm như thế nào...

Sau khi ra trường, đúng vào thời kỳ mỹ thuật đổi mới, ông đã trải qua giai đoạn đó ra sao?

- Phải nói thật là Mỹ thuật Việt Nam đã đổi mới trước khi Nhà nước ta đổi mới, mở cửa. Các họa sĩ trẻ những năm 1980 thật sự là những nhà cách mạng trong hội họa Việt Nam, những cái tên như Nguyễn Quân, Ðặng Thị Khuê, Ðỗ Thị Ninh, Phan Bảo, Lê Huy Tiếp, Lương Xuân Ðoàn, Đỗ Sơn, Nguyễn Trung, Nguyễn Phước, Ðỗ Quang Em, Hồ Hữu Thủ… Trong cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1980, rồi triển lãm Họa sĩ Trẻ toàn quốc sau đó, thật sự là “sóng thần”, có dư chấn khích lệ mạnh mẽ đến những họa sĩ trẻ như tôi, lúc ấy mới tốt nghiệp ra trường.

Ông có thể chia sẻ về triển lãm đầu tiên mà ông tham gia?

- Triển lãm chính thức là triển lãm Trẻ toàn quốc năm 1984, tôi có vài tranh tham gia và được anh chị em đồng nghiệp cho là được. Cú hích quan trọng với tôi là huy chương Bạc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2000 cho bức tranh “Trong lòng thành phố”, với lối vẽ “thật thà”, hiện thực kết hợp nhiều không gian trong một tranh. Tôi nghĩ mình được duyệt treo, không bị loại đã là may, không ngờ còn được giải (năm ấy cả nước có 8 giải Bạc, không có giải Vàng). Giải thưởng ấy quá quan trọng với tôi, lấy lại cho tôi rất nhiều sự tự tin mà có lúc đã hoang mang muốn mất.

Ông có nhận xét gì về các tác phẩm của đồng nghiệp trong thời kỳ ấy?

- Tất cả đều loay hoay tìm đường, và đều có khát vọng lớn, ai tìm ra đường trước thì reo lên phấn khởi, mọi người vui vẻ sẻ chia. Không kể những họa sĩ những năm 1980 tôi nói ở trên và các họa sĩ lớp trước, họ đã có những con đường của họ và đã có tác phẩm để chứng minh một cách rõ ràng cụ thể.

Là người đã trải qua quá trình dài lịch sử Mỹ thuật miền Nam, ông có nhận xét gì về các họa sĩ hiện nay mà ông đang tiếp xúc?

- Sài Gòn - miền Nam luôn có cái đặc sắc riêng, ít nhất cũng là tinh thần thoải mái tự do, ít câu nệ chiếu trên chiếu dưới mà tất cả chúng tôi đang cùng thụ hưởng. Còn tài năng cá nhân thì ở đâu cũng hiếm, và sự thiếu chỉn chu ở mức độ cao thì có lẽ hội họa Việt Nam còn phải cố gắng nhiều để chỉnh sửa, nâng cao lên, chứ không chỉ ở bất cứ vùng miền nào.

Vì sao ông lựa chọn thể loại vẽ tả thực trên con đường hội họa của mình?

- Tôi đi ngoài đường gặp cô gái mặc váy hai dây màu đen da trắng mịn, do cô bạn dáng tuyệt đẹp mặc quần Jeans, áo pull ngồi phía trước chở, tôi thầm xuýt xoa trong lòng: “Hiện thực đẹp đến thế kia, không vẽ nó còn đi tìm đâu nữa”, rồi lại nghĩ: “mình không vẽ nó thì ai vẽ nó nhỉ”. Rồi từ đấy suy ra mọi thứ khác: nhà, xe, đường, cầu, máy bay, cây cối, sông nước... Phải nói tôi tìm thấy mình rõ ràng nhất trong tranh hiện thực bắt nguồn từ đời sống thật. Rất nhiều bức tranh của tôi đã hình thành sau mỗi chuyến đi thực tế và tôi luôn thấy ấm áp, yên lòng với chúng.

Họa sĩ Ngô Ðồng: Tôi chỉ vẽ những gì  đẹp đẽ, thanh bình, ấm áp - 1

Họa sĩ Ngô Đồng.

Có một nữ nhà báo người Ðức đọc báo, xem tranh tôi và hỏi: “Tôi biết ông đã trải qua chiến tranh khủng khiếp và một thời gian dài kinh tế bao cấp đói khổ, sao không thấy những điều ấy trong tranh của ông?”. Tôi trả lời: “Bởi vì tôi rất căm ghét chiến tranh, rất sợ cảnh đói nghèo lam lũ, cũng rất ngại những thứ mệt đầu, nên tôi chỉ thích vẽ những gì đẹp đẽ, thanh bình, ấm áp. Tôi cũng chọn lối vẽ hiện thực vì muốn mọi người cảm nhận được ngay một cách dễ dàng điều mình muốn nói, không cần phải nghĩ ngợi cầu kỳ rắc rối”.

Mỗi bức tranh ông vẽ trong bao lâu, quá trình diễn ra như thế nào?

- Tôi chỉ có thể nói là khá lâu, vì tôi quyết vẽ cho bằng xong, “không còn gì để vẽ nữa” mới thôi.

Một ngày của ông hiện tại diễn ra như thế nào?

- Ngoài những việc linh tinh vặt vãnh cho cá nhân và gia đình thì tôi chỉ chuyên tâm vào vẽ thôi, không làm cái gì khác cả. Tôi đã đạt được ước nguyện này từ năm 2006-2007, đến nay đã hơn 10 năm rồi.

Ông có ý định thực hiện một triển lãm riêng không?

- Thực sự thì tôi sợ lắm lắm chuyện xã giao, lễ lộc. Nhưng là họa sĩ chắc rồi cũng phải có một lúc nào đó triển lãm riêng chăng? Hiện tại tôi cũng chỉ tham gia các triển lãm chung, và nếu có động lực hứng thú thì tham gia triển lãm nhóm, vậy thôi. Cũng may, bây giờ có mạng xã hội, mọi người quan tâm có thể sẽ biết tranh mình qua đó.

Dự định mới của ông về mỹ thuật thì sao?

- Vẽ, vẽ đi và hãy cố gắng vẽ ngày càng hay càng đẹp.

Xin cảm ơn ông và chúc ông dồi dào sức khỏe với tinh thần mãi mãi thanh tân để sáng tác nhiều bức tranh đẹp!

Họa sĩ Ngô Ðồng: Sinh năm 1954 tại Nam Ðịnh, học Mỹ thuật tại TP HCM từ năm 1975 đến năm 1983 cả hai hệ trung cấp và đại học. Sống tại TP HCM từ năm 1975 tới nay.

Hội viên Hội Mỹ thuật TP HCM, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Ngô Ðồng: Tôi chỉ vẽ những gì đẹp đẽ, thanh bình, ấm áp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO