Họa sĩ Phạm Bình Chương: Sài Gòn năng động, hiện đại và hào phóng

Việt Quỳnh (thực hiện) 11/01/2019 18:55

Công chúng biết đến họa sĩ Phạm Bình Chương, qua những tác phẩm của anh tả thực về phố. Những không gian sống hiện tại mà thuộc những năm tháng xa xưa còn được lưu lại. Mỗi khi nhìn ngắm tranh phố của họa sĩ Phạm Bình Chương, người xem được trở về ký ức thanh xuân thơ trẻ của mình, nơi mãi mãi là những kỷ niệm ngọt ngào khó phai.

Họa sĩ Phạm Bình Chương đã rời Hà Nội đến với Sài Gòn. Có một thời gian sáng tác tại đây. Rồi để trở về..

Họa sĩ Phạm Bình Chương: Sài Gòn năng động, hiện đại và hào phóng

PV: Anh đến với Sài Gòn như thế nào?

Họa sĩ Phạm Bình Chương: Tôi có việc gia đình nên ở Sài Gòn khoảng gần hai năm, từ 2016 đến 2017.

Thói quen của anh khi sống ở Sài Gòn ra sao?

- Thời gian ở Sài Gòn là một trải nghiêm vô cùng thú vị. Phải biết tận dụng hai năm để tìm hiểu thành phố. Nó không phải là dài nhưng cũng không phải ở ngắn, mà như là một chuyến “du lịch dài hạn”. Nó đủ cho ta thong thả ngắm vẻ đẹp nhưng cũng không đến mức tạo sức ỳ để quên khám phá Sài Gòn. Sài Gòn rất rộng có nhiều thứ hay, đặc biệt là quán cà phê. Quán trong này đa dạng và phong cách rõ ràng. Tôi thường khám phá các quán cà phê mỗi sáng tại nhiều nơi khác nhau. Một thói quen thích nghi là uống nước đá, và phải tập ăn hủ tíu thay vì phở.

Từ cái nhìn của người nghệ sĩ thả hồn rất sâu vào tranh phố, vẻ đẹp của Sài Gòn được biểu hiện ra sao? Và qua các công trình kiến trúc như thế nào?

- Sài Gòn là một thành phố năng động, hiện đại và hào phóng. Kiến trúc được giao thoa từ thời Pháp đến thời Mỹ. Hoa và Việt Nam. Nếu nói đến Sài Gòn thì phải nói tới sự đa dạng văn hóa, và kiến trúc chính là nhân chứng lịch sử. Tôi rất thích sự pha trộn lịch sử, cái mới cái cũ đan xem nhau không chút do dự. Sự mạch lạc của phong cách đã khiến Sài Gòn rất dữ dội mà đáng yêu. Các cái cũ giữ nguyên, cái mới thì rất mới. Khác với Hà Nội, đôi khi công trình mới lại mang nét cổ điển, làm ra một thứ gọi là “trá hình kiến trúc”, làm mất đi sự tính thời đại, và hệ lụy là nó làm cho thế hệ sau rất khó nắm bắt lịch sử. Ở Sài Gòn, nhiều công trình lớn được quy hoạch để người ta có thể đi một vòng quanh nó, để nó thể hiện được hết vẻ đẹp của mình với nhiều góc nhìn khác nhau. Ví dụ như Nhà thờ Đức Bà chẳng hạn. Sự hào phóng nó nằm ở đó.

Với anh, nếu vẽ về Sài Gòn, anh sẽ vẽ gì?

- Có nhiều chủ đề khác nhau vì Sài Gòn rất đa dạng. Tuy nhiều công trình đẹp vậy nhưng cũng khó, vì không cẩn thận nó sẽ trùng với nhiếp ảnh. Tôi thích các khu vực Chợ Lớn vì nó là cái gì còn sót lại của khu phố cổ. Ngoài ra là các khu chung cư cũ cũng rất thú vị, vì nó mang đậm chất Sài gòn những năm trước giải phóng. Khu vực dọc sông cũng rất đẹp và thơ mộng. Thật thú vị khi một thành phố ồn ào náo nhiệt nhất Việt Nam vẫn có chỗ ngắm sông nước mây trời. Một chi tiết thú vị là mây ở phía Nam rất đẹp.

Đặc điểm cụ thể của nét đẹp phố Sài Gòn khác với Hà Nội ra sao?

- Phố cũ Sài Gòn được quy hoạch từ thời Pháp, đặc biệt với khu phố chợ sầm uất, phần mặt tiền được xây dựng đồng bộ, kiểu như phố cổ ở Singapore. Cho dù mỗi nhà được sơn màu khác nhau hay biển hiệu phong phú thì nhìn chung tổng thể vẫn có gì đó ngăn nắp. Về bố cục nó sẽ tạo nên các khối đơn giản, khỏe. Hà Nội thì nhà phố nhấp nhô, là sự gắn kết của các đơn nguyên rời rạc với kiến trúc khác nhau. Tính đồng bộ lại được thể hiện ở màu sơn tường, đó là màu vàng điển hình. Vào các đợt tu bổ sửa chữa, Hà Nội nhuốm một màu vàng duy nhất. Về thời tiết, do Hà Nội ẩm nên tạo ra cái rêu phong cổ kính, ví dụ “mái ngói thâm nâu” hay nhưng bức tường loang lổ là do mưa nắng và độ ẩm tạo nên. Sài Gòn thì “mới” hơn. Thời tiết khô và nắng quanh năm nên nhà cửa lúc nào cũng sáng choang. Ánh sáng Hà Nội là gián tiếp, le lói qua các tòa nhà hay qua các tán cây, nên nhà phố ẩn hiện thấp thoáng. Sài Gòn là ánh sáng trực tiếp chiếu thẳng lên cả dãy phố đều tắp với cường độ cao, do đó mọi thứ đều tự phô bày một cách mạnh mẽ. Hà Nội là tĩnh, Sài Gòn là động.

Các công trình kiến trúc nào là biểu tượng cho vẻ đẹp của Sài Gòn?

- Ủy ban Nhân dân, nhà thờ Đức Bà, nhà hát Thành phố, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật…

Các công trình này có ý nghĩa tới đời sống văn hoá tinh thần của người dân thành phố ra sao?

- Các công trình đó chính là hồn cốt để định vị lịch sử Sài Gòn. Tôi đặc biệt thích Bưu điện thành phố vì nó còn giữ được nguyên trạng, từ kiến trúc, nội thất tới tranh ảnh trang trí. Bưu điện còn là nơi mọi người có thể ra vào thoải mái, và mọi hoạt động dường như nó vẫn thế. Người ta vào đó để gửi thư tay, bưu thiếp như ngày xưa. Ở đó có một ông cụ đã ngoài 80 tuổi làm công việc dịch thuật tại đây từ hồi trẻ. Điều đó đang chứng tỏ những công trình cũ đã giữ được văn hóa tinh thần và thói quen của dân thành phố. Nếu các công trình kiến trúc cổ có những hoạt động cho người dân thì nó càng làm nên sự thức tỉnh và bồi dưỡng văn hóa cho họ. Khi thế hệ trẻ biết được giá trị đó thì tương lai chúng sẽ tự biết gìn giữ, nếu không chúng sẽ không biết đâu là chuẩn mực vì cuộc sống hiện đại đã thâm nhập vào chúng từ nhỏ.

Rất nhiều công trình kiến trúc cũ bị phá đi, và thay vào đó là những toà nhà cao tầng, phải chăng, nét đẹp tiêu biểu của Sài Gòn đang dần không còn nữa?

- Sài Gòn là một thành phố hiện đại, trọng tâm của phát triển kinh tế cả nước nên việc xây các tòa nhà cao tầng thay thế nhà cũ là không tránh khỏi, đó là điều đáng tiếc mà chúng ta phải trả giá. Tuy nhiên những công trình tiêu biểu thì vẫn còn và nếu chúng ta chung sức giữ thì không lo Sài Gòn sẽ bị mất đi, vì chúng đủ lớn và đủ kiêu hãnh để tạo nên nét đẹp Sài Gòn.

Suy nghĩ của anh về việc giữ gìn bảo tồn các công trình này như thế nào?

- Việc bảo tồn là giữ nguyên trạng chứ không phải làm mới. Ví dụ màu sơn, phải tìm hiểu màu sơn nguyên bản của nó để sơn lại. Ngoài ra phải giảm thiểu tối đa các chi tiết của công năng hiện tại như biển hiệu, biển quảng cáo, nếu không tiết chế chúng sẽ ảnh hưởng tới vẻ đẹp của công trình. Phải đảm bảo duy trì hoạt động đúng mục đích của từng tòa nhà,

Theo anh, làm thế nào để thành phố vẫn giữ được nhịp phát triển, nhưng vẫn giữ gìn được các nét đẹp đặc trưng của Sài Gòn?

- Sài Gòn được quy hoạch đẹp, các công trình lớn thuộc dạng điểm nhấn thường được nằm gọn trọng một block nên bản thân nó có thể tồn tại độc lập. Vậy nên nhiệm vụ những công trình mới phải đặt ở vị trí xa nó và mang đặc thù của thời đại, với hình dáng và chất liệu mới và nó sẽ tạo ra sự tương phản với kiến trúc cũ, tôn vinh vẻ đẹp của cả hai. Với những khu phố sầm uất náo nhiệt thì hãy để nó tự phát triển theo cách của nó, ví dụ khu Chợ lớn, khu phố Tây, phố Nhật… Nó xô bồ chắp vá thì nó mới đúng nhịp sống Sài Gòn. Sài gòn đẹp ở sự giao thoa, đa dạng nên điều cốt yếu là phải giữ đúng phong cách của từng thể loại. Nếu đúng tinh thần đó Sài Gòn sẽ tạo ra diện mạo của một thành phố luôn đẹp hiện đại và phát triển trong một môi trường có văn hóa nền tảng.

Xin cảm ơn anh rất nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Phạm Bình Chương: Sài Gòn năng động, hiện đại và hào phóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO