Họa sĩ Trần Thị Thu: Nghệ sĩ với dự án nghệ thuật cộng đồng

Việt Quỳnh (thực hiện) 01/07/2019 17:48

Trở lại Tam Thanh sau 2 năm, tôi có nhiều cảm xúc tốt đẹp hơn rất nhiều, bởi đây là lần thứ 5 tôi đến làm việc cho dự án nghệ thuật cộng đồng.

Họa sĩ Trần Thị Thu: Nghệ sĩ với dự án nghệ thuật cộng đồng

Nhận lời mời của UBND TP Tam Kỳ - tỉnh Quảng Nam, tôi không khỏi băn khoăn vì lý do tôi vừa hoàn thành một triển lãm cá nhân tại Hội An. Đồng chí Nguyễn Minh Nam trực tiếp liên lạc với tôi về tình hình công việc cho Festival biển Tam Thanh 2019 diễn ra vào giữa tháng Sáu. Tôi hiểu rằng thời gian không còn nhiều và cùng hội ý nhanh với nhóm năm 2017 là thầy Phan Cẩm Thượng và họa sĩ Vũ Đức Hiếu. Sau khi hội ý, nhóm đã đưa ra quyết định mấy thầy trò cùng tham gia, mời thêm các họa sĩ Nguyễn Nghĩa Cương - Hà Nội; Đức Phạm, Lê Đắc Tú - Hội An. Thời gian của dự án cho là 20/5 đến 6/6/2019. Nhóm chúng tôi bắt đầu từ ngày 27/5 đến 6/6/2019. Khi vào tới nơi, đồng chí Nguyễn Minh Nam có vẻ vô cùng lo lắng với gần 90 chiếc thuyền thúng, thuyền dài, gần 100 mái chèo.

Sau 6 ngày dường như cạn hết số thuyền hiện có, toàn bộ công trường trở nên rực rỡ và tràn ngập màu sắc, đầy nhiệt huyết như cái nắng nóng sôi sục của miền Trung.

Tiếp theo đó nhà nghiên cứu phê bình, họa sĩ Phan Cẩm Thượng, họa sĩ Trương Tiến Trà cùng vào giúp, mọi người cùng nhau dồn sức để thực hiện hoàn thành các công việc còn lại.

Kế theo nữa là sự xuất hiện của họa sĩ Vũ Đức Hiếu, nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên cùng nhau lên kế hoạch tìm vị trí sắp đặt cho toàn bộ số thuyền, mái chèo và chum đã được vẽ vào không gian, cảnh quan thực để phục vụ cho Festival biển khai mạc vào trung tuần tháng Sáu.

Sau hai năm khi thực hiện Dự án “Nghệ thuật cộng đồng” tại Tam Thanh đã có những cải biến tốt hơn. Về màu chúng tôi đã được tư vấn của họa sĩ Lê Kinh Tài dùng sơn ngoại thất, sau đó phủ bóng lớp bảo vệ. Ban lãnh đạo thành phố cũng cho biết, sau mùa du lịch, tháng Tám sẽ cất những tác phẩm thuyền thúng, thuyền dài… đã được vẽ để tránh mùa mưa bão.

Sau hai năm trở lại đây, tôi thấy cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi về nhận thức cũng như công ăn việc làm, có nhiều gia đình đã thoát nghèo, một niềm vui dấy lên trong tôi và mọi người. Bà con nơi đây rất yêu nghệ thuât và họ đón nhận cả những hình thức nghệ thuật đương đại, họ tương tác cùng với chúng tôi. Người dân nơi đây có chất của biển cả, của nắng nóng miền Trung, một vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, nên họ rất chăm chỉ làm ăn, chăm chỉ thay đổi nhưng hầu như chỉ có nắng, cát, biển xanh là đặc sản ở đây. Một vùng đất có địa lý đặc biệt là một bên sông một bên biển kéo dài rất thích hợp cho việc phát triển du lịch.

Bà con nơi đây vui mừng chào đón chúng tôi, trong một tuần làm việc đều nắng nóng cực điểm và hứng khởi cũng không kém. Các nghệ sĩ mải miết sáng tác cùng các nghệ sĩ địa phương.

Sau hai năm, Tam Thanh đã thay đổi nhiều, bà con nơi đây ai cũng biết yêu nghệ thuật.

Sau hai năm, cuộc sống của bà con cũng có những tác động nhiều của miền đất biển trở thành nơi du lịch.

Sau hai năm ở đây bà con đã có nhiều thu nhập hơn, đã xây dựng được thương hiệu nước mắm, tôm cua cá....

Sau hai năm đời sống khấm khá hơn, và nhiều Homestay hơn, cũng nhiều bà con bán đất hơn, bởi nơi đây một bên biển, một bên sông, địa thế rất thích hợp cho vùng du lịch.

Sau hai năm trở lại, nơi đây đã thành vùng đất thân quen, đã như quê hương của mình, ai cũng nhớ, ai thấy mình đi bộ cũng bảo lên xe chở mình đi.

Sau hai năm, gia đình anh thợ may bị khuyết tật giờ đã có cuộc sống khấm khá hơn, anh vẽ lên vải và đã có người mua buôn cho anh ấy đều đều. Anh Võ Đức (có tên là Tài) rất chăm chỉ làm việc nuôi vợ và hai con.

Sau hai năm chúng tôi trở lại, ai cũng mời cơm, mời liên hoan và chia tay thì bùi ngùi trong lòng.

Việc phát triển nghệ thuật cộng đồng tại nơi đây như một cái duyên cho làng và cho chúng tôi, khi trở lại bà con thân mật, tình cảm đầm ấm, tiếp sức cho chúng tôi sáng tác một câu chuyện mới, đặc biệt tôi có làm việc với anh Võ Đức từ tháng 7/2017 về việc vẽ trên vải làm đồ lưu niệm. Gia đình anh là gia đình khuyết tật, anh bị câm và điếc, chị vợ nói được lại bị khoèo. Anh có hai cháu nhỏ, làm thợ may, nên khi gặp tôi hướng dẫn vẽ trên vải anh đã tự may túi, tự vẽ những hình ảnh của Tam Thanh và bán rất chạy. Tôi vẫn thường xuyên quan sát và giúp anh để vẽ được tốt hơn. Đầu năm nay anh báo anh có khách đặt thường xuyên, bán buôn. Vui hơn nữa tôi được đồng chí Nguyễn Hà Bình Chủ tịch xã Tam Thanh thông báo: “Chị Thu ơi, nhờ chị mà gia đình anh Đức đã thoát nghèo, gần đây nhất trong cuộc đấu giá bức vẽ trên vải của anh được 50 triệu đồng”. Ôi đó là niềm vui là tình yêu với cộng đồng đã có kết quả! Kể câu chuyện Tam Thanh còn nhiều lắm, đó là quê mới của chúng tôi, chúng tôi đến và đi như đây chính là ngôi nhà của mình, chia tay bịn rịn mà lòng chẳng muốn rời, đó cũng là một chữ duyên của những người nghệ sĩ như chúng tôi khi đến với cộng đồng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Trần Thị Thu: Nghệ sĩ với dự án nghệ thuật cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO