Họa sĩ Xu Man: Con thiêng của rừng

Trung Trung Đỉnh 06/09/2018 13:15

Thị xã Pleiku những ngày sau 1975 luôn có không khí tất bật và hồ hởi. Tôi nhớ một trong những buổi sáng sương mù, chiếc hon-đa của tôi vừa lao lên hết dốc thì bị chết máy. Tôi đang loay hoay sửa chợt thấy một chiếc xe bò kềnh càng chở bức tranh lớn. Người cầm càng xe đã có tuổi, nhưng khỏe mạnh, mồ hôi nhễ nhại. Ông ta hất đầu bảo tôi cho hon-đa tránh vào lề đường. Phía sau xe một vài anh em trẻ đẩy. Đi bên cạnh là một ông già để râu dài, có cái dáng của người chỉ huy cuộc hành trình không được

Họa sĩ Xu Man: Con thiêng của rừng

Bức tranh lớn được khiêng vào phòng. Họa sĩ Xu Man giới thiệu họa sĩ Huỳnh Văn Thuận với tôi. Rồi mỗi người lại vào với công việc của mình. Tôi thấy họa sĩ Huỳnh Văn Thuận hướng dẫn cho anh em trang trí phòng tranh rất tỉ mỉ. Ông tự tay lồng mẫu khung kính đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhất là cách bày tranh, treo tranh.

Tôi ngồi xuống cạnh hai ông. Không ngờ sự có mặt của tôi lại tạo nên không khí vui vẻ khác thường. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận cảm thấy yên tâm hơn khi có sự chứng giám cuộc lục lọi đống tài liệu của bạn mình. Còn Xu Man hình như có cớ để kể hết kỷ niệm này tới kỷ niệm khác, lấn át cái mặc cảm không cần thiết mà bạn mình đang có. Tình bạn của hai ông được tạo nên ngoài những sự tính toán hơn thiệt mà cái chính là, dường như hai người luôn tìm được ở nhau cái mà mình đang thiếu. Tôi thấy họa sĩ Huỳnh Văn Thuận xăm xoi mãi những bức ký họa đã ố màu và thậm chí nhàu nát, còn Xu Man thì nhấp nha nhấp nhổm, lúc nói tiếng BahNar với tôi, rồi chợt như nhận ra sự bất nhã của mình, ông lại nói tiếng Kinh, như là để thanh minh với bạn.

Cuộc thỏa thuận liên danh sáng tác giữa hai ông hôm đó ngẫu nhiên tôi là người được chứng kiến. Tôi nghĩ rằng trong nghệ thuật, cũng có thể có trường hợp hai tâm hồn bù đắp cho nhau, ở những phần khiếm khuyết mà chính từng người không thể tự khắc phục được. Tôi cũng đã nhiều lần tò mò “xem trộm” hai ông làm việc. Những ống màu của Xu Man nặn ra bảng màu và rất nhanh biến mất. Còn họa sĩ Huỳnh Văn Thuận thì ngược lại. Ông pha màu ngay trên đầu từng ống típ được nặn ra một cách tằn tiện. Một người vẽ rất nhanh, còn một người thì nắn nót kỹ lưỡng. Hai người có phong cách làm việc khác nhau ấy, nhưng lại rất “chịu” nhau.

Thế rồi “Hai chị em”, “Hạnh phúc” và “Anh em”. Ba bức sơn khắc được hoàn thành trong một năm. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đã “xử lý” mớ tài liệu mà Xu Man thu thập trong nhiều năm bằng chất liệu mà ông tâm đắc nhất. Kết quả của ba bức tranh ấy hai ông chưa thật thỏa mãn. Tuy nhiên đó cũng là một thành công rất đáng trân trọng. Và cái chính là hai ông càng trở nên gắn bó. Suốt mấy năm liền, năm nào người ta cũng thấy họa sĩ Huỳnh Văn Thuận lặn lội vào Tây Nguyên, vừa để sáng tác, vừa để được cùng bạn đàm đạo chuyện đời. Không phải ngẫu nhiên khi mà tuổi đã cao, sức đã yếu, hai ông cứ hướng về nhau, tìm nhau, khao khát làm được cái gì đó quy mô hơn, với ý nghĩa sâu sắc hơn, biểu hiện được tình cảm chân thật, trong sáng của mình.

*

Tôi chưa bao giờ thấy ông thanh thản, kể cả lúc dạo chơi. Tuy nhiên mọi sinh hoạt trong đời sống ông rất giản đơn. Mới gặp lần đầu, không ai nghĩ ông là họa sĩ. Bởi vì, ngay từ đôi tay vụng về của ông đưa ra bắt, cũng đã toát lên cái vẻ nhọc nhằn của người quen lao động nặng. Cả vóc dáng ông, cái cách đi lại lúc nào cũng như đang chuẩn bị làm gì đó. Bàn tay ông ráp rúa và chai sạn. Đôi vai ông hình như có hai khối u. Và nhất là đôi bàn chân to bè, ngay cả những lúc đi chân trần, tôi vẫn có cảm giác ông đang kéo lê một đôi dép to bè, bết đầy đất đỏ. Chỉ có đôi mắt ông là toát lên cái vẻ đặc biệt khiến ta giật mình: một đôi mắt tinh ranh và hóm hỉnh, luôn luôn ánh lên giữa hai gò má nhô cao.

Ông ngồi trước giá vẽ đặt xuống bất cứ chỗ nào, và ngay lập tức, mọi tác động quanh ông hoàn toàn vô nghĩa. Mới đầu người ta phân cho ông một căn phòng nhỏ, ngay cạnh một nhà trẻ. Ông kê chiếc giường một sát giường, khu vực còn lại ngổn ngang tôn, gỗ, khung vải, khay, đĩa và những hộp sơn, những bó bút. Ông đặt giá vẽ trước cửa nhà, lúi húi làm việc. Căn phòng đã chật ấy rất nhanh bị chất đống lên những bức tranh, những phác thảo, những vật liệu mà ông thu lượm được. Rồi người ta lại chuyển những bức tranh mới vẽ của ông vào trong kho. Đôi lúc gặp ông, vừa ái ngại cho điều kiện làm việc của ông, vừa khó chịu vì cái tính im lặng đến nhẫn nhục ấy, tôi đã nhắc ông nên “đòi” một phòng làm việc to hơn.

Họa sĩ Xu Man: Con thiêng của rừng - 1

Ông cười:

- Đòi làm gì? Được phòng to hơn lỡ người ta lại đề bạt lên làm giám đốc thì sao!

Sau mấy năm về hưu, Xu Man lặn lội lên núi đẵn gỗ, tích cóp tiền, làm được căn nhà sàn lợp ngói. Ngày ăn mừng nhà mới theo phong tục là một ngày hội của không chỉ gia đình chủ nhà. Đó là ngày vui của cả buôn làng. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đang công tác ở Sở Văn hóa được tin ấy, liền lấy cái xe đạp cũ của Xu Man (cái xe ông để sẵn ở cơ quan, khi nào lên thị xã có việc cần thì dùng), đạp về quê Xu Man mừng cho bạn.

Ông đạp xe ngược gió từ sáng tới chiều, khi đến đoạn rẽ vào quê Xu Man, đường rừng, đất đỏ, mùa khô xe tải chạy nhiều, đất tơi ra như bột, lút mắt cá chân, bụi cuốn lên gặp gió tạo thành những mảng mây đỏ vật vờ. Ông cặm cụi dắt xe. Khi tới nhà Xu Man, mặt trời còn trên chóp núi. Buôn làng đã lác đác có người đi làm về. Biết Xu Man đang mải mê với con mương nước dài mấy cây số, chắc phải tối mới nghỉ, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận bỏ đồ đạc vào căn nhà mới của bạn, rồi ra nơi ông phỏng đoán. Trên triền đồi sắn có bóng hai người, một đang lúi húi đào đất, còn người kia đang nhổ sắn. Vợ chồng Xu Man đấy. Xu Man đang quyết đưa con nước từ trên núi xuống một thung lũng để cải tạo đất làm ruộng. Công việc gần như đã sắp hoành thành. Mở đầu buôn làng không ai nghĩ ra chuyện làm mương cho nước xuống núi như thế. Nhưng khi Xu Man nghĩ ra, đặt vấn đề làm, thì người ta lại sợ Giàng phạt, và cái chính là không biết rồi có làm nổi lúa nước mà ăn không. Xu Man hì hụi một mình cả tháng trời. Còn bà vợ của ông lo nội trợ... Bà vợ Xu Man nhận ra họa sĩ Huỳnh Văn Thuận ngay. Nhưng họa sĩ vì đi đường mệt, lại vì giờ đây bà vợ hiền của bạn mình như cô bé lọ lem, gầy guộc nên không nhận ra ngay.

- Ơ Xu Man! Có bạn! Ơ Xu Man! – Bà gọi to.

Xu Man đang bẩy một hòn đá nghe tiếng vợ liền ngửng lên. Hai người ôm chầm lấy nhau. Nước mắt Xu Man tràn trên má khiến bà vợ hiền lúng túng.

- Mình về lần này là vì tình bạn, mừng nhà cho ông đấy – Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận nói.

Người ta khuân đến trước cửa ngôi nhà mới của Xu man những ghè rượu lớn. Ba cái ghè chính chụm nhau dưới gốc một cây nêu. Dân làng đã tới đông đủ. Già làng nắm tay Xu Man và họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, người khách quý.

Vốn là người rất tôn trọng nghi lễ và sống chừng mực, nhưng hôm nay, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận rỉ vào tai Xu Man:

- Lần này mình sẽ say với ông...

Cuộc vui hôm đó thâu đêm suốt sáng. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận lảo đảo bước ra khỏi buôn, ngất ngưởng đi trong ánh trăng cao nguyên, tận hưởng không khí trong lành tinh khiết của núi rừng. Và Xu Man, trong trạng thái ngà ngà say, nắm tay bạn kéo về nhà.

*

Trong toàn bộ các tác phẩm của mình, ông không vẽ cái gì khác ngoài biểu hiện tình cảm và khát vọng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Hội hè, một trong những nguồn cảm hứng lớn và thường trực trong con người nghệ sĩ. Tranh của ông biểu hiện những nét tươi khỏe trong sáng của người Tây Nguyên. Có thể nói, các “nhân vật chính” trong tranh Xu Man là cả một cộng đồng người. Và đặc biệt, cái cộng đồng người ấy đã quần tụ lại chung quanh một niềm tin, cũng trong sáng, tươi nguyên và chân chất. Ông bước ra khỏi bóng tối của cuộc đời nô lệ bằng sự “nổi loạn” bên trong với những khao khát thiết thực của một tâm hồn phóng túng nhưng đầy nguyên tắc. Cái nguyên tắc ấy là sự trung thành với cộng đồng. Một cộng đồng đầy đau thương được giải phóng. Không một bức tranh nào của ông không biểu hiện tình cảm của bà con các dân tộc Tây Nguyên đối với cách mạng.

Nói tới ngành hội họa hiện đại của Tây Nguyên – nếu có thể tách ra như vậy, người đầu tiên được nhắc tới, đó là Xu Man.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Xu Man: Con thiêng của rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO