Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám sát, phản biện

Tuệ Phương 17/10/2019 07:30

Vừa qua chúng ta đã xử lý rất nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Để làm tốt hơn nữa những việc này, GS Trần Ngọc Đường- Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, công tác Đảng cần thể hiện tốt vai trò của mình và Mặt trận cũng cần phải vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nhất là vai trò giám sát, phản biện.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám sát, phản biện

GS Trần Ngọc Đường.

Giáo sư Trần Ngọc Đường cho rằng, giám sát và phản biện xã hội là một nhiệm vụ rất mới được Hiến pháp năm 2013 giao cho MTTQ Việt Nam. Vai trò giám sát và phản biện xã hội rất lớn, là một phương thức để nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước thông qua tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp của mình được tập hợp trong MTTQ.

Phản biện được hiểu là sự xem xét, đánh giá những dự án Luật hoặc những dự án đang soạn thảo về những chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà do các cấp, chính quyền soạn thảo. Những năm qua chúng ta đã làm được rất tốt. Nếu nói về số lượng các cuộc giám sát lên đến hàng vạn, điển hình như Hội Phụ nữ các cấp đã tổ chức được 4 vạn hội nghị góp ý phản biện xã hội còn Mặt trận cũng tổ chức hàng chục nghìn cuộc giám sát và phản biện các cấp. Thông qua hoạt động giám sát và phản biện góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở tốt hơn cũng như góp phần vào đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, vi phạm pháp luật ở cơ sở.

Tuy nhiên, GS Trần Ngọc Đường cũng cho rằng, so với đòi hỏi của Đảng, Nhà nước; so với mong muốn của nhân dân thì những hoạt động đó chưa đạt được như mong muốn.

Để khắc phục tính hình thức cũng như làm tốt hơn chức năng giám sát, phản biện mà Đảng, nhân dân mong chờ, theo GS Trần Ngọc Đường, Mặt trận cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chức năng giám sát, phản biện xã hội; phải nhận thức sâu sắc hơn và xem đó là một phương thức giám sát quyền lực, nhất là trong điều kiện một Đảng cầm quyền như nước ta. Để khắc phục tiêu cực, quan liêu, khắc phục xa rời dân thì phải tăng cường giám sát của nhân dân thông qua tổ chức của mình đó là MTTQ hoặc thông qua hoạt động phản biện những văn bản mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trước khi có hiệu lực thi hành. Do đó, khi tổ chức các hoạt động giám sát và phản biện xã hội thì Mặt trận phải tập hợp được những chuyên gia giỏi; đồng thời phối hợp với các thành viên khác để tổ chức các hoạt động giám sát, phản biện cho thật tốt.

GS Trần Ngọc Đường cũng cho rằng, nếu có thể chúng ta cần xây dựng được Luật giám sát, phản biện và MTTQ Việt Nam cần cụ thể hóa kiến nghị này để đưa lên cơ quan có thẩm quyền đó là Quốc hội. Hơn nữa khi tổ chức các hoạt động giám sát, phản biện xã hội thông qua Mặt trận và các thành viên của Mặt trận thì trong Luật Mặt trận chưa thể hiện đầy đủ. Do đó cần phải thể chế hóa thành Luật để Mặt trận có thể thực hiện tốt chức năng này.

“Tôi tin rằng, trong nhiệm kỳ 9, Mặt trận sẽ phát huy thành quả của nhiệm kỳ trước để nhiệm kỳ mới sẽ làm tốt hơn, nâng cao hơn chất lượng và hiệu quả của giám sát và phản biện. Nhận thức ngày càng sâu sắc vị trí, vai trò của Mặt trận thì chức năng giám sát, phản biện xã hội sẽ thực hiện tốt, có hiệu lực và hiệu quả hơn so với trước đây”- GS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám sát, phản biện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO