Hoạt động công đoàn cần chú trọng lợi ích người lao động

Anh Vũ Ảnh: Quốc Anh 20/09/2016 14:09

Sáng 20/9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân có buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam về tình hình tổ chức và hoạt động công đoàn 9 tháng đầu năm 2016, những vấn đề đặt ra đối với tổ chức công đoàn trong thời gian tới.

Hoạt động công đoàn cần chú trọng lợi ích người lao động

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.

Đây là buổi làm việc thứ 2 sau khi Bộ Chính trị quyết định phân công Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp phụ trách, chỉ đạo 5 tổ chức chính trị - xã hội.

Dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường.

Hoạt động công đoàn cần chú trọng lợi ích người lao động - 1

Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, cả nước có trên 9,2 triệu đoàn viên công đoàn, trong đó khu vực nhà nước có trên 4 triệu đoàn viên; khu vực ngoài nhà nước có trên 5 triệu đoàn viên.

Trong thời gian qua, công đoàn các cấp đã tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Các cấp công đoàn phối hợp với ngành chức năng tổ chức hơn 11.300 cuộc kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động; tư vấn pháp luật cho hơn 141 ngàn lượt người lao động; hỗ trợ bảo vệ tại Tòa án cho 61 người lao động...

Hoạt động công đoàn cần chú trọng lợi ích người lao động - 2

Lãnh đạo một số đơn vị thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia buổi làm việc.

Nghị quyết của Ban chấp hành TLĐ về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động” đã được xây dựng, đối thoại và bổ sung vào thỏa ước lao động tập thể.

Vẫn theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường thực hiện chức năng giám sát, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã sơ kết công tác phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ LĐ-TB và XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thanh tra Chính phủ.

Các bên quyết định trong năm 2016 sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội (BHXH) trong các loại hình doanh nghiệp tại 4 tỉnh thành Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, đồng thời chỉ đạo các tỉnh thành khác chủ động triển khai thực hiện.

Tổng LĐLĐ cũng đã ký kết chương trình phối hợp với TAND tối cao tổ chức tập huấn cho các cấp công đoàn về công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể, tích cực chuẩn bị các điều kiện để thí điểm tiến hành khởi kiện một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH, an toàn vệ sinh lao động tại một số địa phương.

Đứng trước sức ép của các hiệp định thương mại tự do mới, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), TLĐ xác định cần phải nâng cao vai trò, chất lượng để TLĐ, thực sự đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân và đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” sẽ được thực hiện trong 10 năm từ 2016- 2025.

Ông Bùi Văn Cường khẳng định, nhằm đáp ứng nhu cầu bức xúc, cấp thiết của công nhân, lao động nhất là công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), Tổng Liên đoàn đang nghiên cứu xây dựng đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX.

“Hiện đoàn viên, NLĐ đang làm việc tại các KCN, KCX rất khó khăn về nhà ở. Không có nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần, nơi gửi trẻ. Đề án này nhằm hoàn thiện các thiết chế của công đoàn phục vụ đoàn viên, công nhân lao động tại các khu này, chăm lo tốt hơn quyền lợi thiết thực của NLĐ, tạo sự khác biệt giữa đoàn viên công đoàn và NLĐ chưa phải đoàn viên công đoàn”, ông Cường cho biết.

Đề án đặt mục tiêu từ 2016 đến năm 2017 sẽ hoàn thành 10 thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX; từ năm 2017 - 2020 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX.

Đến năm 2030, phấn đấu tất cả các KCN, KCX trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và công nhân lao động bằng những việc làm cụ thể và thiết thực (nhà ở, nhà trẻ, trường học, siêu thị công đoàn..).

Hoạt động công đoàn cần chú trọng lợi ích người lao động - 3

Quang cảnh buổi làm việc.

Ông Cường cho biết, toàn hệ thống công đoàn quyết tâm làm đề án này, bảo đảm mỗi năm tiết kiệm được 1.000 tỷ đồng để làm. Tổng Liên đoàn đã nghiên cứu những mô hình tốt nhất, các địa phương, doanh nghiệp cùng tham gia, cơ chế xã hội hóa… Mục tiêu là bảo đảm công nhân được mua, thuê nhà giá rẻ; được sử dụng các dịch vụ tiện lợi, qua đó tập hợp được công nhân lao động, chủ động trong tuyên truyền chính sách, vận động công nhân.

Đặc biệt, hiện Tổng Liên đoàn đang triển khai kế hoạch đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác với một số đối tác để xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi cho đoàn viên công đoàn Việt Nam.

“Đoàn viên công đoàn sẽ có quyền lợi khác với NLĐ không tham gia công đoàn. Cụ thể, NLĐ là đoàn viên công đoàn sẽ có thẻ công đoàn và được hưởng các ưu đãi khi sử dụng các dịch vụ như mua sắm ở siêu thị, du lịch... Hiện có rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến chương trình này, bởi 9,2 triệu đoàn viên công đoàn là lượng khách, người tiêu dùng rất lớn”, ông Cường cho biết.

Hoạt động công đoàn cần chú trọng lợi ích người lao động - 4

Chủ tịch Tổng LĐLĐ cho biết, vấn đề hiện nay cũng đang phải quan tâm là chăm lo, bảo vệ NLĐ Việt Nam ở nước ngoài. Cùng với đó, sự dịch chuyển lao động mạnh mẽ hiện nay cũng đòi hỏi phải có cơ chế để tập hợp, bảo vệ quyền lợi NLĐ nước ngoài tại Việt Nam nhằm bảo đảm ổn định tình hình.

Tổng Liên đoàn đề nghị mặt trận tiếp tục chủ trì, tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, trong đó đẩy mạnh việc giám sát về BHXH, bảo hiểm y tế, đóng kinh phí công đoàn…

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” phải bảo vệ đoàn viên và sự hài hòa của người sử dụng lao động là cần thiết bởi hiện nay người lao động chưa hài lòng về việc bảo vệ quyền lợi cho họ ở công đoàn cơ sở.

Hoạt động công đoàn cần chú trọng lợi ích người lao động - 5

Cái khó hiện nay của công đoàn là đổi mới sự lãnh đạo của đảng trên hai khía cạnh là hoạt động và cán bộ. Công đoàn phải song hành, vừa bảo vệ quyền lợi của người lao động, vừa hài hòa quyền lợi của các bên. Công đoàn không phải là đối lập với người sử dụng lao động, việc bảo vệ quyền lợi phải là trung tâm.

“Hiện nay, đối với công đoàn Việt Nam, đoàn viên mong muốn mang lại nhiều lợi ích cho họ để từng bước hình thành các thiết chế để thực hiện mục tiêu này. Tổng Liên đoàn xem đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhắm đến lợi ích trước mắt và lâu dài. Từ nay đến cuối năm, Tổng Liên đoàn sẽ tập trung thực hiện một số việc khởi kiện liên quan đến bảo hiểm, luật công đoàn, an toàn lao động và thực thi nghĩa vụ tài chính của công đoàn theo pháp luật. Nhiệm vụ tham gia tố tụng để bảo vệ người lao động sẽ được thực thi”, ông Trần Thanh Hải thông tin.

Hoạt động công đoàn cần chú trọng lợi ích người lao động - 6

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Mai Đức Chính đề xuất UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động, nhất là trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trong thời gian tới.

"Việc Sửa Bộ Luật lao động có rất nhiều vấn đề liên quan. Chẳng hạn thời gian tăng ca, luật thì 200 giờ, nhưng giới chủ đề nghị tăng lên 600 giờ, hay như vấn đề đình công… Tổng liên đoàn sẽ phối hợp với Mặt trận để có tiếng nói chung", ông Chính đề nghị.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những đóng góp của Tổng Liên đoàn Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước, đặc biệt là 5 năm gần đây của quá trình đổi mới.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thời gian tới, hoạt động công đoàn cần tiếp tục chú trọng lợi ích công đoàn viên, tham gia, giám sát phản biện; đẩy mạnh thi đua sản xuất, nâng cao năng suất lao động; đặc biệt là phối hợp tổ chức phong trào của quần chúng nói chung và trong khối công đoàn gắn với hội nhập quốc tế.

Đứng trước sức ép của các hiệp định thương mại tự do mới, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần nâng cao vai trò, chất lượng để thực sự đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân, xem xét, lường trước những khó khăn khi hội nhập đối với tổ chức công đoàn để thích ứng và khắc phục.

Liên quan đến vấn đề phát triển tổ chức công đoàn, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tiếp tục phát triển tổ chức, mở rộng đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển đội ngũ cán bộ công đoàn đủ năng lực, là những người tiên phong trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa; tăng cường việc tôn vinh, khen thưởng người lao động và các doanh nghiệp tiêu biểu, điển hình như: người lao động sáng tạo, doanh nghiệp chăm lo tốt cho người lao động, doanh nghiệp hạnh phúc...

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có các giải pháp đẩy mạnh các phong trào thi đua trong giới trí thức; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tôn vinh đội ngũ trí thức sáng tạo trong thời kỳ hội nhập.

Đối với việc đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, trong đó có vấn đề thỏa thuận tăng lương tối thiểu, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể kiến nghị với Hội đồng tiền lương Quốc gia kiện toàn tổ chức, mời thêm các chuyên gia kinh tế, chuyên gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tăng tính phản biện.

Lộ trình tăng lương tối thiểu có thể xây dựng từ 3-5 năm để đến thời điểm nào đó sẽ đạt lộ trình tăng lương theo Đề án, không nhất thiết năm nào nào Hội đồng tiền lương quốc gia cũng phải ngồi lại thương lượng việc tăng lương cho người lao động.

Liên quan đến việc thực hiện khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, trốn đóng BHXH, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện có sự trao đổi với chính quyền địa phương. Trước mắt TLĐ có thể mời Liên đoàn Luật sư cùng tham gia phối hợp thực hiện.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng Liên đoàn Việt Nam giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp; tham gia góp ý kiến vào quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động bởi đây là Bộ luật có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội và trong hệ thống pháp luật của quốc gia...

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Hoạt động công đoàn cần chú trọng lợi ích người lao động - 7

Hoạt động công đoàn cần chú trọng lợi ích người lao động - 8

Hoạt động công đoàn cần chú trọng lợi ích người lao động - 9

Hoạt động công đoàn cần chú trọng lợi ích người lao động - 10

Hoạt động công đoàn cần chú trọng lợi ích người lao động - 11

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoạt động công đoàn cần chú trọng lợi ích người lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO