Hoạt động giao dịch điện tử: Cần đánh giá tác động khi mở rộng phạm vi áp dụng

H.Vũ 20/09/2022 07:29

Ngày 19/9, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Nhiều ý kiến tán thành với việc luật mở rộng phạm vi điều chỉnh, song cần cân nhắc thêm nhiều yếu tố.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Nguồn: quochoi.vn

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, dự án luật (Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 17 năm thi hành của Luật Giao dịch điện tử 2005. Bởi về phạm vi điều chỉnh, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng, tài chính. Việc loại trừ này có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đang bị loại trừ.

Bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH cho rằng, dự thảo luật lần này dự kiến mở rộng phạm vi điều chỉnh các hoạt động giao dịch điện tử liên quan đến các hoạt động của đời sống xã hội, bao gồm cả việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các bất động sản khác; văn bản thừa kế; giấy đăng ký kết hôn; quyết định ly hôn; giấy khai sinh; giấy khai tử và các giấy tờ có giá trị khác.

Theo bà Thanh, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật là cần thiết trong điều kiện thế giới công nghệ phát triển rất nhanh hiện nay, và công nghệ số và chữ ký số ở Việt Nam đã được áp dụng ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh giao dịch điện tử trên nhiều lĩnh vực và không loại trừ các lĩnh vực trong luật. Tuy nhiên bà Thanh cho rằng, đây là lần đầu tiên chúng ta mở rộng rất nhiều nội dung liên quan rất cụ thể đến đời sống xã hội. Do đó để đảm bảo tính khả thi của luật và bảo đảm an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử thì Chính phủ cần đánh giá tác động kỹ hơn, nhất là những vấn đề khó khăn, vướng mắc nếu triển khai thực hiện các quy định này để sau khi luật có hiệu lực thì các hoạt động giao dịch điện tử trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức, người dân có điều kiện thi hành được ngay cả về phương diện công cụ kỹ thuật, cả về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, luật này không làm thay đổi về trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành trong các lĩnh vực, vậy trách nhiệm quản lý của các bộ như thế nào khi chuyển đổi số, chuyển đổi sang môi trường điện tử. “Khi chuyển đổi những giao dịch bằng văn bản giấy sang môi trường số thì vẫn phải chú ý đảm bảo đầy đủ tính toàn vẹn của các giao dịch đó được quy định ở trong các luật hiện hành” - ông Tùng cho hay.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tạo thuận lợi cho người dân thì đừng “đẻ” thêm các thủ tục, “đẻ” thêm quy trình, “đẻ” thêm điều kiện bắt buộc. “Ví dụ như đã chuyển đổi số rồi, khi giao dịch tự nhiên lại yêu cầu xuất trình bản giấy để đối chiếu xem xét lại. Kinh nghiệm quốc tế đã có rồi, bây giờ ta đi sau thì ta học những gì. Đi tắt, đón đầu thì xu hướng về vấn đề giao dịch điện tử thế nào, cần phải làm rõ hơn” - Chủ tịch Quốc hội phân tích đồng thời lưu ý xem xét thêm tính khả thi, cân nhắc mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh và lộ trình.

Chủ tịch Quốc hội gợi mở: “Đảm bảo thuận lợi cho người dân nhưng mặt khác cũng đảm bảo an toàn, an ninh. Hiến pháp quy định có những vấn đề liên quan đến quyền thông tin riêng tư và bất khả xâm phạm. Những lĩnh vực đó chúng ta có cách nào khi thực hiện về giao dịch điện tử? Do đó cũng cần phải tính thêm. Mở rộng là xu hướng đúng nhưng cũng nói thêm về kinh nghiệm thế giới, về lộ trình, cân nhắc phạm vi”.

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chính phủ đề nghị bổ sung vấn đề sách giáo khoa (SGK) do đây là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá. Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thống nhất yêu cầu bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao do Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá cụ thể.

Thẩm tra vấn đề trên, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, SGK là mặt hàng thiết yếu. Giá SGK có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa, không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm về quyền lợi của người dân. Đồng thời cần kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng đồng tình với việc đưa SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bởi SGK là mặt hàng thiết yếu, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân.

Sáng 19/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022. Phiên họp kéo dài trong 5,5 ngày sẽ xem xét 17 nội dung, gồm 7 dự án Luật, 5 dự thảo Nghị quyết, 4 chuyên đề giám sát và 1 nội dung về vấn đề quan trọng để trình Quốc hội. Về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là lần cho ý kiến đầu tiên, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 tới, và sẽ được xem xét, thông qua sau 3 kỳ họp. Dự án Luật này sẽ thể chế hóa Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm về lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoạt động giao dịch điện tử: Cần đánh giá tác động khi mở rộng phạm vi áp dụng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO