Học sinh dùng điện thoại trong lớp: Quản thế nào?

Hàn Minh 03/10/2020 08:25

Từ ngày 1/11, học sinh các cấp THCS, THPT có thể sử dụng điện thoại di động trong giờ học, nếu được giáo viên cho phép. Quy định này đang tạo ra làn sóng tranh cãi trong dư luận.

Học sinh TPHCM sử dụng điện thoại trong giờ kiểm tra giữa kỳ năm học 2019-2020. Ảnh minh họa.

Thông tư 32 của Bộ GDĐT ban hành ngày 15/9 (có hiệu lực vào ngày 1/11 tới đây) với điều khoản cho phép học sinh (HS) THCS và THPT được dùng điện thoại di động trong lớp dưới sự cho phép và kiểm soát của giáo viên đã nhận được sự quan tâm lớn của xã hội.

Bộ GDĐT khẳng định sắp tới Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể, đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị liên quan về công nghệ thông tin để có giải pháp cho việc này, tránh những phát sinh tiêu cực như dư luận lo ngại.

Lo ngại mặt trái của công nghệ

Trên các diễn đàn phụ huynh và HS có vô vàn ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng những ý kiến phản đối từ giáo viên và phụ huynh đều xoay quanh việc lo lắng giáo viên ngoài việc lo giảng dạy, quản lý HS, nay lại thêm nhiệm vụ quản các em dùng điện thoại thì liệu có làm tốt?

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho rằng: Dùng điện thoại không phải là điều xấu, vấn đề là có HS đang sử dụng nó với nhiều mục đích khiến người lớn phải giật mình, đặc biệt là trong thời gian gần đây, có nhiều “vấn đề” trong đời sống HS được chính chiếc điện thoại của các em “tố cáo”.

Ông Bùi Mạnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trưng Vương, tỉnh Quảng Trị liệt kê ra những nguy hại khi cho HS sử dụng điện thoại trong lớp như lo HS chụp hình lớp học đăng mạng xã hội, xem phim, lướt web… khi giáo viên không để ý. Thậm chí, nếu xảy ra xích mích, với công cụ sẵn có, các em có thể ngồi nhắn tin ra ngoài lớp và hẹn địa điểm để đánh nhau. Giáo viên sẽ không thể kiểm soát được chuyện này.

Về mặt lý thuyết đúng là có nhiều thuận lợi nhưng những nguy cơ tiềm ẩn của việc sử dụng điện thoại trên lớp học nói riêng và cả trong những không gian khác nói chung khiến nhiều ý kiến phản đối việc này. Một phụ huynh dẫn chứng về trường hợp Ngô Quý Đăng, cậu bé lớp 10 không xài điện thoại đoạt Huy chương Vàng quốc tế Toán học năm 2020 và khẳng định, Bộ GDĐT nên xem xét lại quy định này.

Khi tổ chức các hoạt động học, thầy cô phải quan sát HS. (Ảnh minh họa).

“Cấm dùng điện thoại là lạc hậu”

Đó là chia sẻ của chị Hải Đường, Sở Y tế Hải Dương khi được hỏi về vấn đề HS sử dụng điện thoại trong lớp. Là thế hệ 8X, chị nhớ lại trước đây thời sinh viên mà trong lớp ai có điện thoại nghe gọi đã là “sang” lắm rồi. Nhưng bây giờ, con gái chị học cấp 2 đã được trang bị điện thoại thông minh. Thay vì tranh cãi xem có nên cho HS THCS và THPT dùng điện thoại trong giờ học hay không thì vị phụ huynh này cho rằng, cần tìm ra cách dùng như thế nào cho đúng và hợp lý.

Chia sẻ quan điểm này, chị Lê Phương Liên có con đang học lớp 10 Trường THPT Ngọc Hồi (Hà Nội) cho rằng, không thể cứ không quản được thì cấm luôn không cho HS dùng điện thoại trên lớp.

“Tôi nhớ trong cuốn sách Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu, nhà văn Hồ Thị Hải Âu từng chia sẻ câu chuyện con gái chị giấu mẹ sử dụng Facebook dù trước đó, hai mẹ con đã cùng thống nhất con chưa nên sử dụng Facebook ở thời điểm này. Nhưng sau đó, chính chị nhận ra không thể ép con khác người khi cả lớp con đều dùng mạng xã hội và coi đó là một trong những kênh thông tin quan trọng thông báo nhiều tin tức, tâm sự, chia sẻ… Tương tự với việc sử dụng điện thoại trên lớp, thời gian học trực tuyến vừa qua là minh chứng rõ nhất cho việc cần áp dụng công nghệ số vào việc học tập, tất nhiên là cần có kiểm soát”, chị Liên dẫn chứng.

Về cơ bản, HS vẫn không được sử dụng điện thoại trong lớp. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT. Cụ thể, việc cho phép HS sử dụng điện thoại di động trong giờ học không có nghĩa là HS được tùy tiện sử dụng mọi thời điểm. Các em chỉ được sử dụng thiết bị điện thoại di động khi nào giáo viên thấy thực sự cần thiết và cho phép.

Ông Thành cho biết, dù ở lớp có đông HS, trong giờ học, giáo viên vẫn phải có trách nhiệm hướng dẫn HS học tập. Chúng ta đã có yêu cầu không để HS nào bị bỏ quên, nên khi tổ chức các hoạt động học, thầy cô phải quan sát HS.

Nhiều ý kiến đề xuất nếu như ngành giáo dục ở những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sớm tiến hành khảo sát trong giáo viên, phụ huynh về việc sử dụng điện thoại di động đối với HS như thế nào là hợp lý; nếu vi phạm thì sẽ áp dụng mức kỷ luật ra sao... Hoặc triển khai thí nghiệm ở một số trường sau đó rút ra bài học kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà trên cả nước thì sẽ thuận lợi hơn.

Cô giáo Nguyễn Hồng Thúy.

Cô giáo Nguyễn Hồng Thúy, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội: Không nên sử dụng điện thoại trong lớp học

Là một phụ huynh đang có con học tiểu học, tôi có trang bị cho con cả đồng hồ thông minh và điện thoại thông minh nhưng chỉ giới hạn con sử dụng điện thoại ở nhà, không mang đến lớp. Tôi quan niệm không thể cứ ngồi cạnh con mãi để kiểm soát mà cần sử dụng đến công nghệ. Hiện tôi đang quản lý con sử dụng điện thoại qua phần mềm công nghệ và cảm thấy khá ổn.

Trẻ con ngày nay rất thông minh và thành thạo sử dụng công nghệ, thậm chí hơn cả người lớn nên nếu không tìm đến những công nghệ để quản lý thì rất khó khăn.

Về phương diện giáo dục, tôi không đồng tình với việc cho HS cấp 2 sử dụng điện thoại trong giờ học. Có thể giao bài tập để các em chuẩn bị tư liệu ở nhà từ trước, còn trong giờ học ngắn ngủi 45’, nếu không phải là những giờ ngoại khóa hay tiết học mở thì không nên sử dụng…

Cô giáo Nguyễn Thị Diệu Trang.

Cô Nguyễn Thị Diệu Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương, TP Huế: Học trò là trung tâm

HS sử dụng điện thoại trong lớp mà không được sự đồng ý, cho phép của giáo viên - đó là làm việc riêng trong giờ học. Các thầy cô xưa nay vẫn xử lý thường xuyên việc này, không phải là chuyện gì quá mới.

Tôi thường nhắc HS của mình: Thời gian các em ngồi trên ghế nhà trường là thời gian rất quý, sau này khi rời ghế nhà trường rồi, muốn trở lại cũng không được. Nên mỗi thời gian ở trường là mỗi giây phút đáng quý. Mỗi giây phút trong tiết học cũng vậy. Các em nếu tập trung học thì tối về sẽ đỡ mất thời gian học bài cũ, nhớ lâu hơn và có thời gian luyện tập phát triển các kỹ năng khác, đào sâu vấn đề thay vì đọc lại bài cũ…

Đối với quy định sử dụng điện thoại mới theo Thông tư 32, tôi cho rằng đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao ý thức cho HS khi sử dụng điện thoại.

Đối với biện pháp thu điện thoại của HS nếu các em vi phạm quy định này, tôi cho rằng tùy từng trường hợp có hình thức xử lý khác nhau, không nhất thiết phải mời phụ huynh mà có thể chỉ cần có sự thống nhất giữa cô và trò là sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Bởi học trò là trung tâm, làm sao ngay từ đầu để các em hiểu là nên làm gì và không nên làm cái gì thì tự các em sẽ nâng cao tinh thần tự quản, quản lý việc sử dụng điện thoại của mình. Sau đó là tự học, sử dụng điện thoại để mở rộng, tìm kiếm những thông tin cần thiết với sự cho phép của giáo viên.

TS. Trần Thành Nam.

TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội): Công nghệ không thiếu, cần tập huấn cho giáo viên

Hiện nay, không thiếu công nghệ để kiểm soát việc học tập, sử dụng thiết bị di động của HS. Vấn đề là giáo viên phải được tập huấn tất cả những gì về phương pháp quản lý HS trên không gian internet. Ví dụ, HS có thể cài vào điện thoại của mình một phần mềm và giáo viên sẽ biết và kiểm soát được bao nhiêu học sinh đang truy cập. Hoặc giáo viên đưa ra một câu hỏi, sau đó cài đặt trong một khoảng thời gian yêu cầu HS trong lớp đã kết nối điện thoại phải đưa ra câu trả lời. Nếu không có câu trả lời hoặc khi hết thời gian, phần mềm sẽ tự động đóng và coi như HS không hoàn thành nhiệm vụ học tập đó. Nhiều phần mềm có những tính năng còn ưu việt hơn, hoàn toàn có thể giúp giáo viên quản lý được HS để các em không làm những việc riêng khác.

Thứ hai, khi đã cho phép HS mang điện thoại di động vào lớp thì phải trang bị cho các em các năng lực của công dân số từ trước, kỹ năng sử dụng mạng an toàn. Ví dụ đưa vào từ cấp THCS thì phải chuẩn bị cho các em từ cấp tiểu học về các kỹ năng về an toàn mạng, người dùng có trách nhiệm, biết sử dụng các ứng dụng,...

Thứ ba, về phía phụ huynh, cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục và trang bị những kỹ năng sử dụng công nghệ cần thiết cho con em mình.

Học sinh Vũ Quốc Huy.

Vũ Quốc Huy (học sinh Trường THPT Phủ Lý A, Hà Nam): Một cách tham khảo hiệu quả

Em cho rằng nếu HS chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa thôi thì chưa đủ. Sử dụng điện thoại hay máy tính, các thiết bị công nghệ để tra cứu thông tin là cách làm phù hợp và tiết kiệm tiền bạc, thời gian hơn là đi mua sách tham khảo…

Nhiều người lo lắng về việc HS sử dụng facebook nhưng trên thực tế cũng có những thuận lợi khi chúng em sử dụng mạng xã hội để trao đổi thông tin, học tập lẫn nhau với bạn bè trên mọi miền đất nước. Đó là điều không thể phủ nhận.

Tất nhiên, nhiều ý kiến phản đối về việc này cũng không phải vô lý. Nhưng em cho rằng thầy cô sẽ là người quy định cụ thể khi nào được dùng, khi nào không. Thứ hai, việc trang bị những kỹ năng cần thiết như tự kiềm chế, điều chỉnh bản thân, tự sắp xếp thời gian biểu hợp lý, kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh, kỹ năng sử dụng và ứng xử trên mạng xã hội, ... để phục vụ việc học tập là cần thiết nên em hi vọng phần này sẽ được nhà trường và thầy cô trang bị kỹ hơn để chúng em không sử dụng điện thoại sai mục đích.

Hàn Minh, L. Nhi, T. Hương, Lâm An (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh dùng điện thoại trong lớp: Quản thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO