Học sinh làng biển trước ngày tựu trường

Xuân Thi 30/08/2016 11:10

Chỉ còn ít ngày nữa là khai giảng năm học mới. Khác với không khí háo hức của ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, bước vào năm học mới này, phụ huynh và học sinh ở các làng biển Quảng Bình đang gặp khó khăn, nhiều em có nguy cơ bỏ học sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.

Học sinh làng biển trước ngày tựu trường

Nỗi lo của phu huynh làng biển trước việc học hành của các con.

Những ngày cuối tháng 8, cái nắng vẫn chói chang ở những làng biển bãi ngang Quảng Bình. Sau sự cố môi trường biển, cuộc sống ngư dân khó khăn chồng chất khi không có nguồn thu từ biển. Đặc biệt, nỗi lo cơm áo gạo tiền cho các con đến trường đang đè nặng lên đôi vai của họ. Năm học mới đã đến, nhưng bà Trịnh Thị Hiền (54 tuổi, ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) vẫn chưa có tiền để mua sách vở, quần áo cho các con. Bà Hiền cho biết: “Trước đây khi biển nhiều tôm cá, tôi chạy chợ mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Bây giờ biển như vậy, gần 5 tháng nay, tôi ở nhà nên không có thu nhập. Giờ chuẩn bị sách vở cho 2 con vào năm học mới, vợ chồng không biết lấy gì nuôi các con ăn học đây”.

Nỗi lo tiền sách vở, áo quần và các khoản đóng góp đầu năm học cho các con đang là nỗi lo của các bậc phu huynh ở làng biển Quảng Bình. Nhà chị Nguyễn Thị Tuyên (ở thôn Tân Hải, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) có 3 đứa con đến lớp. Nếu như trước đây, khi biển chưa bị ô nhiễm thì cứ chiều chiều chồng chị anh Mai Văn Thể lại kéo chiếc thuyền nan ra biển đánh bắt ở gần bờ. Sau một đêm buông lưới thả câu, sáng sớm thuyền của anh Thể cập bờ mang theo hải sản bán cũng được hơn 1 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm được sau mỗi chuyến ra khơi, anh chị mua áo quần, sách vở và đóng tiền học phí cho các cháu... Thế nhưng, sau sự cố môi trường biển, hơn 4 tháng nay, anh Thể không ra khơi bởi hải sản đánh bắt được không ai mua nên cả gia đình sống nhờ vào gạo hỗ trợ của nhà nước. Bước vào năm học mới nhà chị Tuyên có 3 cháu học trung học cơ sở và 1 cháu học tiểu học. Nỗi lo tiền sách vở, áo quần, học phí cho các con đang là gánh nặng của gia đình chị Tuyên.

Ông Phạm Văn Liệu- Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết: Theo thống kê sơ bộ, năm học 2016-2017, xã Hải Ninh có khoảng 2.000 học sinh đến trường nhưng với tình hình hiện nay con số sẽ không như dự kiến bởi có nhiều gia đình quá khó khăn không thể cho con đến trường. Hiện tại, để tránh tình trạng học sinh bỏ học, UBND xã đã làm tờ trình gửi lên các cấp, kiến nghị miễn giảm các khoản đóng góp cho học sinh.

Trở lại làng biển Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy), chuyện con cái đến trường học cũng đang là nỗi lo canh cánh trong từng gia đình. Bởi cuộc sống của người dân ngày ngày phụ thuộc vào biển nên khi không có nguồn thu nhập, cuộc sống rất khó khăn. Bà Lê Thị Thanh (xã Ngư Thủy Bắc) chia sẻ: “Nhà tôi có 3 đứa con đi học, trong đó có một cháu học đại học năm thứ 4. Hiện tại, gia đình đã vay tiền Ngân hàng chính sách cho cháu nộp học phí. Còn tiền ăn ở, thuê nhà trọ, sách vở thì vợ chồng tui tiết kiệm được từ những chuyến đi lộng. Nay, biển đang gặp sự cố, hải sản đánh bắt được rất ít, giá lại quá thấp nên vợ chồng không biết xoay sở thế nào để có tiền hàng tháng gửi cho cháu. Tôi mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để các cháu yên tâm học hành, không bỏ học giữa chừng”.

Ông Đinh Quý Nhân- Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết: Quan điểm chung của ngành là không để bất cứ học sinh các xã ven biển nào bỏ học do đời sống khó khăn. Hiện tại, đơn vị đã có công văn chỉ đạo Phòng GD&ĐT các địa phương ven biển khảo sát nắm tình hình, trên cơ sở đó ngành sẽ có các biện pháp giúp đỡ như tặng sách vở, đồ dùng học tập; phát động đợt cao điểm quyên góp, hỗ trợ học sinh vùng biển trong toàn ngành; báo cáo cấp có thẩm quyền miễn, giảm học phí cho học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh làng biển trước ngày tựu trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO