Học sinh lớp 1-6 tại Hà Nội vẫn chưa được đến trường: Tại sao?

Hương Thu 21/03/2022 09:30

Do các ca F0 giảm mạnh, một số trường trên địa bàn TP Hà Nội sẽ cho học sinh khối 7-12 đi học trực tiếp từ thứ 2 (21/3). Tuy nhiên, học sinh khối 1-6 vẫn chưa có thông tin chính thức về thời gian đi học lại.

Học sinh trường Tiểu học Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) đi học trực tiếp hồi tháng 2/2022.

Linh hoạt dạy học trực tiếp

Hà Nội đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục về việc triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh khi tổ chức dạy học trực tiếp cho các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12. Trong đó, Hà Nội đề nghị các trường học, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, kiểm soát và xử lí kịp thời các ca nhiễm, giữ mức độ an toàn nhất cho học sinh, giáo viên. Sở GDĐT Hà Nội giao phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã là đầu mối tổng hợp, tham mưu UBND các đơn vị xem xét, phê duyệt phương án dạy học trực tiếp của các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn an toàn, hiệu quả, linh hoạt.

Như vậy, với hướng dẫn mới, Sở GDĐT giao trách nhiệm mở hay đóng cửa trường học về cho từng quận, huyện và không áp mức độ dịch nữa. Điều này được các chuyên gia đánh giá là phù hợp trong bối cảnh các ca F0 ở các quận, huyện giảm mạnh và đối tượng học sinh khối 7-12 đã được tiêm phòng vaccine phòng chống Covid-19 với tỷ lệ bao phủ cao nên khi mở cửa trường học cho đối tượng này khá yên tâm. Thầy và trò sẽ tận dụng thời gian này để củng cố kiến thức, chuẩn bị cho kiểm tra, đánh giá giữa kỳ cũng như học sinh cuối cấp đỡ căng thẳng.

Trưởng phòng GDĐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu nói, căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế, từ đầu tuần tới, tất cả các trường THCS- THPT cho học sinh lớp 7-12 trên địa bàn đi học trực tiếp. Phòng đã tổ chức họp hiệu trưởng các trường THCS để quán triệt tinh thần, mở cửa trường học vẫn đảm bảo tất cả các phương thức dạy học nếu học sinh, giáo viên mắc Covid-19. "Các trường cũng rà soát số lượng học sinh, giáo viên đã, đang nhiễm bệnh thấy tỉ lệ F0 đang giảm nhanh chóng. Mặt khác có rất nhiều học sinh, giáo viên đã khỏi bệnh, do đó phương án đi học trở lại đảm bảo ổn định”, ông Hữu nói.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GDĐT quận Hà Đông cho hay đơn vị đã họp và thống nhất với các cơ sở giáo dục về phương án duy trì việc dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến bắt đầu từ thứ 2 tuần tới. Những học sinh không thể tới trường vì mắc bệnh thì vẫn học online. Giáo viên F0 nhưng sức khỏe ổn định, có thể ở nhà dạy trực tuyến.

Chưa an tâm để con đến trường

Chị Nguyễn Thanh Mai (Thanh Xuân Trung, Hà Nội) có con đang học lớp 2 và lớp 6 chia sẻ khi theo dõi thông tin học sinh khối 7-12 trên địa bàn quận Thanh Xuân sẽ trở lại học trực tiếp từ 21/3, chị rất mong mỏi đến ngày các con của mình cũng được trở lại trường học. Tuy nhiên, nếu như các con được tiêm ngừa đầy đủ trước khi đến trường thì sẽ yên tâm hơn. “Con tôi sinh cuối năm 2010, chưa đủ 12 tuổi nên chưa được tiêm phòng vaccine Covid-19. Lớp con đa số các bạn cũng chưa tiêm vaccine nên hội phụ huynh trong lớp cũng tổ chức lấy ý kiến đi học trực tiếp từ tháng trước và phần đông phụ huynh không đồng ý”.

Còn với con nhỏ đang học lớp 2, chị Mai cho rằng thời gian con đi học trực tiếp ít hơn thời gian học trực tuyến trong khi năm học cũng đã gần kết thúc, cũng không vội trở lại trường học mà nhà trường có thể linh hoạt cuối thời gian nghỉ hè để trở lại trường học sớm hơn một vài tuần để củng cố kiến thức. Lúc đó, chắc chắn dịch bệnh đã đỡ căng thẳng hơn rất nhiều.

Như vậy là tròn 1 năm học sinh lớp 2 đến 6 ở 12 quận nội thành của Hà Nội chưa đến trường học trực tiếp. Một số huyện ngoại thành đã đi học trực tiếp hồi đầu tháng 2 và trở lại học trực tuyến khi dịch bệnh căng thẳng. Mặc dù số ca F0 của Hà Nội giảm mạnh song vẫn nhiều gia đình lo lắng về tỷ lệ mắc bệnh mới và tái nhiễm bệnh dù đã từng mắc bệnh Covid-19 thời gian qua nên nhiều phụ huynh chưa mong muốn học sinh trở lại trường vào thời điểm này. Tuy nhiên, theo khảo sát trước đó của Hà Nội, phần lớn phụ huynh của 12 quận nội thành chưa yên tâm để con đi học trực tiếp nên Hà Nội đã phải tạm dừng kế hoạch cho học sinh các khối lớp này trở lại trường học trực tiếp như phương án trước đó.

Ở góc nhìn khác, nhiều phụ huynh cũng chỉ ra trẻ ở nhà cũng không tránh được nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19 khi bố mẹ, anh chị… đã đi làm, đi học bình thường. Thực tế là thời gian qua, số trẻ trong tuổi từ 5-11, thậm chí bé hơn lây nhiễm bệnh từ người thân khá nhiều nhưng nhìn chung, tỷ lệ trẻ bị nặng không nhiều và phục hồi nhanh. Trong khi đó, nguy cơ các bệnh về tâm sinh lý phát sinh từ việc trẻ ở nhà quá lâu còn nguy hiểm hơn nhiều.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, việc đến trường của trẻ bây giờ không có thời điểm nào là an toàn tuyệt đối mà chỉ có "thời điểm an toàn nhất". Đây không phải sự buông xuôi mà một sự lựa chọn linh hoạt, hợp lý, khoa học. Tất cả các cấp học nên đến trường học trực tiếp vì hậu quả của học trực tuyến rất lớn, nhiều hệ luỵ kéo theo ảnh hưởng mắt, tự kỷ, tâm thần, tâm lý,… của trẻ nhỏ.

Nhiều chuyên gia y tế cũng bày tỏ đồng tình với khái niệm trường học an toàn không phải là “zero Covid” mà phải xây dựng được kịch bản ứng phó, tổ chức được truy vết nhanh, khoanh vùng nhanh khi phát hiện F0 trong nhà trường để đảm bảo chống dịch an toàn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này Sở GDĐT vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về việc trở lại trường của khối lớp 1-6 và khối mầm non.

Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Trần Lưu Hoa, hiện tình hình dạy học trực tiếp tại các trường học trên địa bàn vẫn đảm bảo và duy trì thích ứng linh hoạt theo các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo của TP, ngành giáo dục. Phó Giám đốc đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, cập nhật thông tin đầy đủ liên quan đến công tác phòng, chống dịch; tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục kịp thời báo cáo, xây dựng các phương án phù hợp với tình hình thực tế để cho học sinh trở lại trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh lớp 1-6 tại Hà Nội vẫn chưa được đến trường: Tại sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO