Học sinh trầm cảm, dẫn tới tự tử: Đừng vội đổ oan cho nhà trường

Nguyễn Hoài 10/04/2022 14:39

Nếu cho rằng những áp lực của trẻ đến từ sự quá kỳ vọng của cha mẹ hay quá tải của việc học hành thì có lẽ chưa thực sự đầy đủ. Nhưng cứ nhìn vào những cuộc chạy đua khốc liệt để con có được một “tấm vé” vào các lớp đầu cấp hay các trường chuyên khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Kỳ vọng hay bệnh thành tích?

Liên tiếp những tin buồn về việc học sinh không thể vượt qua áp lực cuộc sống khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng, xót xa. Áp lực học tập và kỳ vọng quá lớn của các bậc làm cha, làm mẹ đang đè nặng lên vai nhiều đứa trẻ, khiến các em rơi vào trầm cảm, dẫn đến tự giải thoát bằng biện pháp tiêu cực.

Trong bối cảnh hiện nay, học sinh phổ thông đang sống giữa môi trường chịu nhiều áp lực khác nhau. Áp lực đó đến từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu cho rằng những áp lực của trẻ đến từ sự quá kỳ vọng của cha mẹ hay quá tải của việc học hành thì có lẽ chưa thực sự đầy đủ.

Nhưng cứ nhìn vào những cuộc chạy đua khốc liệt để con có được một “tấm vé” vào các lớp đầu cấp hay các trường chuyên khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Cách đây ít ngày, tại chung cư The Vesta (Phú Lãm, Hà Đông) cũng lại xảy ra vụ việc thương tâm khi một học sinh cấp 2 rơi từ căn hộ cao tầng xuống tử vong.

Như thường lệ, vào thời điểm này là bắt đầu mùa tuyển sinh đầu cấp. Cũng như mọi năm, câu chuyện áp lực tuyển sinh đầu cấp lại được xới xáo.

Mới đây, hình ảnh phụ huynh xếp hàng từ đêm khuya để mua hồ sơ vào lớp 1 của một trường ngoài công lập của Hà Nội thu hút sự quan tâm không nhỏ của dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao tình trạng này vẫn lặp đi, lặp lại từ năm này qua năm khác.

Hình ảnh này nhắc nhớ lại những năm học trước, đã có tình trạng hàng trăm phụ huynh đạp đổ cổng sắt ùa vào trong sân Trường PTCS Thực Nghiệm (Hà Nội) để tranh mua hồ sơ thi vào lớp 1 cho con. Trường Thực nghiệm là nơi nhiều nhà khoa học tên tuổi từng học, trong đó có GS Ngô Bảo Châu.

Đấy là học sinh lớp 1 còn với phụ huynh có con vào lớp 6, để con học được ở các lớp chọn, trường chuyên, ngay từ khi con học lớp 3, lớp 4, cha mẹ đã bắt đầu cho con vào đường đua. Nhiều con trong tình trạng học thêm quá tải trong tuần.

Lâu nay, trường chuyên luôn là chủ đề nóng gây nhiều tranh cãi bởi hệ thống này đang bộc lộ nhiều bất cập. Cuộc chạy đua khốc kiệt để có một “tấm vé” vào trường chuyên có phải do kỳ vọng của phụ huynh hay đây là căn bệnh thành tích đang tồn tại trong giáo dục?

Dưới góc độ một chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, ông Nguyễn Đình Sơn chuyên gia tâm lý vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội chia sẻ những con số giật mình. Đó là trong số 80% ca can thiệp liên quan tới áp lực học hành thì có tới 70% là học sinh trường chuyên, trường chất lượng cao.

Cụ thể, ở lớp chuyên Sử của một trường chuyên của Hà Nội, có tới 7 ca tìm tới ông để can thiệp tâm lý. Chuyên gia này cũng tư vấn thành công, cứu hàng chục học sinh của một trường chuyên có tiếng của Hà Nội khi các em có ý định tự tử hay cả trăm học sinh của một trường chất lượng cao bị rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý do áp lực học hành.

Cần nhìn nhận khách quan

Trước nhiều vụ việc học sinh tự tử thời gian gần đây, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột của những em học sinh này có thể do nhiều phía, nếu chỉ đổ lỗi cho riêng giáo dục thì không phải.

“Những ngày này, cứ có một học sinh tự tử là dư luận lại đổ oan cho nhà trường. Tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan, ở nhiều khía cạnh”, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận rằng một trong số những nguyên nhân đến từ áp lực học hành, sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ.

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Xét về góc độ giáo dục, GS.TS Phạm Tất Dong nhìn nhận, hiện nay có nhiều trường học dạy học sinh theo hướng khuôn mẫu, nhồi nhét kiến thức. Đáng lẽ, cách dạy này phải được điều chỉnh từ nhiều năm nhưng lâu nay, ngành giáo dục vẫn chưa có tư tưởng mới nên chương trình vẫn nặng về lý thuyết, xa rời thực tế, thi cử nặng nề tạo ra áp lực học tập cho học sinh.

Chương trình GDPT mới được xây dựng theo hướng chuyển từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực người học. Tuy nhiên sau 2 năm chương trình mới được triển khai áp dụng, chương trình còn tạo thêm nhiều áp lực mới cho học sinh với nhiều điều đáng bàn.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, hiện nay, quá trình đổi mới của giáo dục còn chậm. Ở phương diện này, giáo dục cần phải đổi mới ngay, đơn cử như thi cử.

Thực tế, năm nào cứ đến mùa hè, học sinh lại gồng mình lo thi cử. Thi cử chỉ là phương tiện đánh giá thực trạng học của học sinh đến đâu chứ không thể quyết định chất lượng học. Thi cử không phải là giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học mà chỉ làm tâm lý học sinh thêm nặng nề, dẫn tới những tiêu cực trong xã hội.

Về phía gia đình, cha mẹ không nên ép con học, tạo nên tâm lý quá tải cho đứa trẻ. Nhưng nói như vậy không phải là cha mẹ buông xuôi, không kèm cặp con, để con muốn học thế nào thì học.

GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh tới phương pháp dạy con. Học là quá trình từ không tự giác đến tự giác học. Cha mẹ nên dạy con có ý thức học như một hình thức nghĩa vụ lao động. Khi con hình thành tính tự giác học thì sự quản lý của bố mẹ sẽ giảm bớt đi. Lúc đấy, con trưởng thành lấy tự học là chính.

“Quá trình trẻ đến trường, cha mẹ, thầy cô cần quan tâm hơn tới trẻ, giúp cho các em biết cách học và tự học. Đây là yếu tố cần trong cuộc sống hiện đại hiện nay. Khi đó, trẻ sẽ học một cách thoải mái dưới sự hỗ trợ của các công nghệ học tập mới. Áp lực học tập sẽ giảm đi khi người lớn thực sự quan tâm hợp lý tới những đứa trẻ”, GS.TS Phạm Tất Dong cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh trầm cảm, dẫn tới tự tử: Đừng vội đổ oan cho nhà trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO