Học sinh trường miền Nam tri ân ‘nơi cũ’

Xuân Quảng 07/12/2019 10:52

Với chủ đề “Thăm lại trường xưa”, hôm nay, 7/12, trên 600 cựu học sinh miền Nam đã học tập tại Trường học sinh miền Nam số 1 Đông Triều thời kì những năm 1965 đến năm 1975 đã về thăm thị xã Đông Triều (Quảng Ninh).

Học sinh trường miền Nam tri ân ‘nơi cũ’

Một lớp học ở Trường học sinh miền Nam tại Đông Triều, Quảng Ninh. (Ảnh tư liệu).

Đây là hoạt động trong chương trình hoạt động tại lễ kỷ niệm 65 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 2019) và 50 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện di chúc của Bác Hồ (1969 - 2019).

Cựu học sinh miền Nam cùng tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều; tặng quà cho Hội khuyến học thị xã và các phường Tràng An, xã Tân Việt và xã An Sinh; giao lưu văn nghệ tại cổng đền An Sinh - nơi trường xưa mà họ đã từng được sinh sống và học tập trên đất Bắc với rất nhiều những kỷ niệm sâu sắc của một thời niên thiếu, xa quê hương, xa gia đình…

Năm 1954, thực hiện Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chủ trương lựa chọn một số con em cán bộ, chiến sỹ, gia đình cách mạng ở miền Nam đưa ra miền Bắc nuôi dạy để bảo vệ, gìn giữ, đào tạo, bồi dưỡng những “hạt giống đỏ” cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Chủ trương đó là tầm nhìn xa, trông rộng của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước, tầm nhìn chiến lược về chính trị, về công tác cán bộ và đào tạo nhân tài cho ngày thống nhất Bắc - Nam sum họp một nhà, xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, mô hình giáo dục đặc biệt tuy chỉ tồn tại 21 năm (1954 - 1975) nhưng khi kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình, các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã mang lại những kết quả to lớn trong việc đào tạo nên những “hạt giống đỏ” cho đất nước và để lại trong lòng người dân Việt Nam những tình cảm vô cùng thiêng liêng tốt đẹp về các thế hệ học sinh miền Nam...

Hiện tại, nhiều học sinh miền Nam vẫn đang đảm nhận những trọng trách rất quan trọng như: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình…

Trường học sinh miền Nam số 1 tại Đông Triều là một trong số những ngôi trường đó, trường xưa đặt tại xã An Sinh và Tân Việt, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh).

Học sinh trường miền Nam tri ân ‘nơi cũ’ - 1

Đền An Sinh, nơi thờ 8 vua nhà Trần có đặt lăng, mộ tại quê gốc Đông Triều (Quảng Ninh).

Năm 1958, nhà trường mới khai giảng khoá đầu tiên, dành riêng cho thanh, thiếu nhi miền Nam là con em cán bộ, bộ đội, các gia đình chính sách được các địa phương ở miền Nam, chủ yếu ở Quảng Nam và Đà Nẵng chọn gửi ra để học tập chuẩn bị cho sự nghiệp cách mạng miền Nam và xây dựng đất nước sau này.

Trong tâm khảm của những học sinh Trường miền Nam tại Đông Triều thì trong những năm chiến tranh khốc liệt, khó khăn thiếu thốn mọi bề, họ nhận được sự chăm lo nuôi dạy chí tình của các thầy, cô giáo, cán bộ công nhân nhà trường và sự đùm bọc của nhân dân Đông Triều. Đó chính là động lực để các thế hệ học sinh miền Nam phấn đấu vượt qua gian nan thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ rèn luyện, tu dưỡng và học tập.

Cách đây 15 năm, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập các Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, Ban liên lạc học sinh miền Nam đã đề nghị được đặt bia ghi dấu trường học sinh miền Nam tại Đông Triều trên nền khu hiệu bộ của trường xưa, trong khuôn viên đền An Sinh, nơi thờ 8 vua nhà Trần có đặt lăng, mộ tại quê gốc nhà Trần.

Sáng ngày 24/10/2004, tại đền An Sinh, đại diện cán bộ, giáo viên cùng các thế hệ học sinh miền Nam đã cùng dâng hương tưởng nhớ các vua Trần và dựng bia ghi dấu trường học sinh miền Nam tại Đông Triều. Tấm bia được chế tác bằng đá granite nguyên khối màu hồng, có trọng lượng trên 7 tấn của vùng đất Tây Sơn (tỉnh Bình Định), khắc ghi dòng chữ bằng đồng: “Nơi đây, học sinh miền Nam đã được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ & đồng bào miền Bắc nuôi dưỡng, đào tạo và trưởng thành” và vận chuyển bằng xe ô tô chạy cả tuần để đưa ra tới Đông Triều, lắp dựng bia hoàn thành ngày 15-10-2004…”.

Học sinh trường miền Nam tri ân ‘nơi cũ’ - 2

Tấm bia ghi dấu Trường học sinh miền Nam tại Đông Triều (Quảng Ninh).

Dự lễ khánh thành bia lưu niệm trong buổi sáng hôm ấy, tôi còn nhớ Trưởng Ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đã khẳng định: Cho tới tận bây giờ và mãi mãi, trong tâm khảm chúng tôi - những học sinh miền Nam ngày ấy luôn coi Đông Triều là quê hương thân thiết thứ hai. Nhà trường là mái ấm gia đình, là vườn ươm những “hạt giống đỏ” miền Nam. Qua năm tháng đã nảy mầm, đơm hoa kết trái ngọt ngào. Nhiều học sinh miền Nam ngày ấy nay đã trưởng thành, là những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, là lãnh đạo các tỉnh, thành phố, tướng lĩnh các lực lượng vũ trang, là các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp tên tuổi…

Tấm bia thấm đậm nghĩa tình đặt trên nền trường xưa, vùng đất đầy trầm tích lịch sử thể hiện tình cảm sâu sắc của các thế hệ học sinh miền Nam với các thầy, cô giáo, cán bộ công nhân viên nhà trường và nhân dân địa phương đã hết lòng cưu mang, đùm bọc, nuôi dạy đào tạo các thế hệ học sinh miền Nam trưởng thành.

Đây còn là ý nguyện, là lời hứa sắc son của các thế hệ học sinh miền Nam tiếp tục phấn đấu và tiến bộ không ngừng trên cương vị công tác của mình, ghi nhận nghĩa tình lớn lao của đồng bào miền Bắc dành cho đồng bào miền Nam ruột thịt.

Hoạt động các đoàn học sinh miền Nam về thăm, giao lưu tại 12 tỉnh, thành phố nơi trường đặt địa điểm trước đây, gặp gỡ, tri ân các thầy cô giáo đã chăm sóc, dạy dỗ học sinh miền Nam còn là sự tri ân công lao to lớn của đồng bào miền Bắc đối với việc đùm bọc, chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc. Nhờ đó, các học sinh miền Nam đã trưởng thành và có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh trường miền Nam tri ân ‘nơi cũ’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO