Hội Nhà văn Hà Nội: Chủ động tìm đến người viết trẻ

Hoàng Minh (thực hiện) 10/08/2017 07:50

Sau 2 ngày sôi nổi và có phần “nảy lửa”, sáng ngày 9/8, tại Hà Nội, Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội lần thứ XII (2015-2020) bế mạc với việc ra mắt Ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Với số 100% số phiếu đồng ý, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.

Tại hội trường Đại hội, báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với tân Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.

PV: Thưa nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, trước thềm Đại hội đã có rất nhiều tranh cãi về nhân sự BCH nhiệm kỳ 2015-2020. Xin bà cho cho biết nguyên nhân do đâu?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Trước Đại hội toàn thể đã có 2 đại hội cơ sở được tổ chức và đã bầu ra hơn 30 ứng cử viên tham gia Ban Chấp hành (BCH) nhiệm kỳ mới.

Tuy nhiên, sau đó Ban chuẩn bị đại hội do nhiều lý do lại có thêm một bản danh sách của BCH. Dẫn tới việc Đại hội có một danh sách, BCH có một danh sách.

Nhưng sau đó Đại hội tiến hành gộp hai bản danh sách và con số cuối cùng là 22 người ứng cử vào BCH nhiệm kỳ 2015-2020. Trước đó, BCH nhiệm kỳ cũ do quá ít người.

Chỉ có 6 thành viên trong đó có 1 người đã mất. Chưa kể, cách đây mấy tháng thì anh Phạm Xuân Nguyên rút khỏi vị trí Chủ tịch Hội.

Thú thật, là đàn ông lo việc lớn không thể lo hết tất cả các việc nhỏ. Nhưng BCH cũ đã lo để tổ chức Đại hội lần thứ 12 được như thế này đã là rất thành công.

Tất cả các cuộc “bầu bán” bao giờ cũng có ý kiến này, ý kiến khác. Còn danh sách để 33 người khi bầu sẽ “loạn”. Nếu chỉ chọn 17 người khiến cho các hội viên không thoải mái.

Nếu để như vậy sẽ không tránh khỏi những phản ứng, cộng với việc bầu người đi vắng không… Có lẽ thời gian 7 năm chưa Đại hội cộng với nhiều “lình xình” đã khiến cho nhiều người khi đến Đại hội mang tâm trạng không thể vui phơi phới mà suy nghĩ.

Tôi dự nhiều Đại hội của Hội Nhà văn, Điện ảnh… thì có thể coi đây là một Đại hội thành công và không có quá nhiều tranh luận gay gắt.

Được bầu với 100% số phiếu đồng ý, cảm xúc của bà lúc này như thế nào?

- Cảm xúc của tôi là phải có trách nhiệm. Ngoài viết văn, tôi còn là dân làm phim. Trong khi môi trường làm phim rất sinh động là vừa ăn vừa đi, vừa làm… không có giờ giấc, thâu đêm suốt sáng.

Trong khi viết văn thì lại cần sự tĩnh lặng. Khi tôi được các Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội bầu, tôi rất cảm ơn mọi người đã tin tưởng mình.

Nhưng càng nhiều người đặt niềm tin thì bản thân tôi thấy trách nhiệm của mình càng lớn. Chính vì vậy, ngay trong lúc này bản thân tôi sẽ phải bắt đầu nghĩ tới các đầu việc để cùng BCH triển khai.

BCH có 8 người nữ có, nam có, nhưng rất tiếc thiếu lý luận phê bình. Nếu sau được bổ sung sẽ bổ sung lý luận phê bình.

Từ đó, BCH sẽ phát huy phát huy dân chủ cao nhất đặc biệt phải tôn trọng sự khác biệt. Bởi với nhà văn nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung thì sự khác biệt là làm nên tác phẩm lớn.

Một trong những hạn chế của Hội Nhà văn Hà Nội trong nhiều năm qua đó chính là thiếu vắng sự tham gia của các cây bút trẻ. BCH mới sẽ có những kế hoạch cụ thể gì để khắc phục hạn chế này?

- Điều đầu tiên, BCH khóa mới phải có trách nhiệm tìm đến các nhà văn trẻ và mời họ tham gia vào Hội. Bởi chính các nhà văn trẻ đang có lợi thế khi họ có được các sáng tác mới mẻ, có cách nhìn nhận, đi tiếp những hướng đi mới.

Họ không đơn thuần chỉ sáng tác theo cách truyền thống mà hiện nay nhiều khi là ảnh, là facebook hoặc tản văn… của họ đang đến gần với xã hội và công chúng.

Chúng ta phải có trách nhiệm mời họ đến chứ không thể đợi họ xin vào Hội. Thậm chí, không thể yêu cầu nhà văn viết đơn xin giới thiệu để xin vào Hội. Muốn trẻ hóa, chính BCH phải chủ động mời họ vào.

Thời gian tới, BCH sẽ có cách làm gì để “guồng quay” đỡ lạc hậu?

- Công việc còn nhiều, ai cũng có suy nghĩ, mong muốn và dự án để tiếp tục làm việc. Cá nhân tôi cho rằng, thứ nhất, để có thêm nhiều người trẻ thì thì cần có những hội đồng.

Các hội đồng phải có trách nhiệm, biết mảng nhà thơ, nhà văn, lý luận phê bình là ai đang nổi mà chưa vào hội thì đến mời người ta vào.

Thứ hai, đối các nhà văn lớn tuổi vẫn sáng tác tôi sẽ mời họ gửi các tác phẩm có đề cương đi các trại viết để hoàn thiện. Hoặc các nhà văn viết đã có tác phẩm đã hoàn thiện nhưng họ hay viết tay thì chúng tôi sẽ tổ chức đánh máy lại tác phẩm cho các bác.

Bản thân tôi đang là Giám đốc Trung tâm Bản quyền của Hội Nhà văn Việt Nam thì sau khi đánh máy sẽ đăng ký bản quyền tại Cục Bản quyền và Hội Nhà văn.

Sau đó sẽ làm việc với các nhà xuất bản xuất bản sách cho họ. Thực tế, sách văn học đang không thu hút các nhà xuất bản vì lợi nhuận doanh thu ít.

Nhưng nếu không có sự kết nối giữa các nhà xuất bản với tác giả không bao giờ ra được sách. Nhà văn hay nhà thơ cầm cuốn sách in trên tay rất sướng

Thứ ba, về giải thưởng của Hội sẽ tiếp tục duy trì với mục tiêu đoàn kết và tôn trọng sự khác biệt. Có thể sự khác biệt sẽ vừa ý người này những sẽ không vừa ý người khác nhưng theo tôi đã là sự khác biệt thì phải tôn trọng. Bởi đây là tôn trọng sự khác biệt chứ còn tác phẩm đó đỉnh cao hay không còn phụ thuộc vào tác giả.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội Nhà văn Hà Nội: Chủ động tìm đến người viết trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO