Hội nhập, không thể 'lơ mơ'

Thúy Hằng 05/09/2015 09:10

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, kinh tế Việt Nam đang phát triển, nhưng có sự thật là năng lực cạnh tranh đang kém hơn các nước. “Hội nhập là cạnh tranh, nếu không cạnh tranh được thì chúng ta thất bại”- ông Vinh nói.

Hội nhập, không thể 'lơ mơ'

Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế để hội nhập.

Sau khi Diễn đàn Kinh tế mùa thu với chủ đề “Kinh tế Việt Nam: hội nhập và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức khép lại, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mở hội thảo khoa học “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2020” .

Chưa bao giờ câu chuyện hội nhập lại được đặt ra nhiều và gấp như lúc này. Hội nhập, cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Cánh cửa hội nhập mở ra với Việt Nam mở ra từ những năm 1995.

Thống kê của Bộ Công thương, cột mốc đầu tiên của Việt Nam trong hội nhập từ sau đổi mới là gia nhập ASEAN tháng 7/1995. Tiếp đó, ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) năm 2000, gia nhập WTO tháng 1/2007 và từ đó tới nay Việt Nam đã tham gia 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương.

Gần đây nhất, cuối tháng 5/2015, Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm Nga, Belaruts, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan) và Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc. Hai hiệp định này được đánh giá là rất quan trọng cho sự hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, không ít ý kiến của giới chuyên gia cảnh báo nếu chủ quan thì việc hội nhập sẽ bị bất lợi. Nói như ông Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, “chúng ta lo đàm phán nhưng không lo chuẩn bị. Đàm phán cứ đàm phán nhưng những người ở nhà thì không chuẩn bị, không có ý thức chuẩn bị”.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh kể câu chuyện, khi ông hỏi Chủ tịch một DN tư nhân lớn là đã chuẩn bị gì trong giai đoạn hội nhập sắp tới, các hiệp định FTA, TPP…được ký kết? Vị lãnh đạo DN này cho hay “chưa nắm rõ và cũng chưa chuẩn bị gì”. Điều này khiến Bộ trưởng hết sức ngạc nhiên.

Nhưng tại sao các thời cơ của hội nhập lại chưa được tận dụng? Một phần, có lẽ theo như lời của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, số lượng DN ở Việt Nam quan tâm đến các cam kết trong ASEAN thấp hơn Lào và Campuchia. Nhiều DN lơ mơ với hội nhập.

Đồng thời ông Tuyển cho rằng, quá trình cải cách trong nước diễn ra không tương thích tiến độ hội nhập, không khai thác hết cơ hội do hội nhập mang lại.

Đơn cử, trong ASEAN có cơ chế về sử dụng ưu đãi xuất xứ, nhưng các năm qua tỉ lệ DN Việt Nam sử dụng cơ chế này rất thấp (năm 2014 là khoảng 25%). Cùng đó, giới chuyên gia cho rằng, có thể thấy tốc độ cải cách đang chậm hơn tốc độ hội nhập, được ví như “tấm áo cũ được mặc cho người đang lớn”.

Tương tự, TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng thay đổi bên trong như thế nào mới là quan trọng. Cần phải có tư duy đồng hành, hỗ trợ DN, chứ không chỉ là kiểm soát.

Trở lại với nội dung được đưa ra bàn thảo tại Hội thảo “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2020”, TS Nguyễn Đình Cung tái khẳng định không thể chần chừ cải cách để phát triển.

Còn PGS.TS Bùi Tất Thắng- Viện Chiến lược phát triển đề cập, đổi mới tư duy phát triển là sự thay đổi cách thức suy nghĩ, quan niệm, cách tiếp cận về mô hình phát triển. Cần khuyến khích các DN thuộc mọi hình thức sở hữu tham gia cung cấp dịch vụ công dưới nhiều hình thức.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng khá nhưng quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 1990 - 2014 đạt 6,9%. Dù có những con số ấn tượng, nhưng khi so sánh với một số nước trong khu vực, mức GDP hơn 186 tỷ USD đạt được năm 2014 vẫn còn nhỏ. Theo đó, GDP của Indonesia gấp 4,8 lần GDP của Việt Nam, Thái Lan gấp 2 lần, Malaysia gấp 1,8 lần, Singapore gấp 1,7 lần và Philippines gấp 1,5 lần.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, kinh tế Việt Nam đang phát triển, nhưng có sự thật là năng lực cạnh tranh đang kém hơn các nước. “Hội nhập là cạnh tranh, nếu không cạnh tranh được thì chúng ta thất bại”- ông Vinh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội nhập, không thể 'lơ mơ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO