Hội nhập, Việt Nam có cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu cân bằng hơn

Minh Phương 05/12/2015 18:20

Hội nhập kinh tế quốc tế với các Hiệp định thương mại tự do có thuế suất giảm về 0% đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ sẽ giúp DN Việt Nam có cơ hội tăng mạnh xuất khẩu, giúp Việt Nam có cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu cân bằng hơn” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Hội nhập, Việt Nam có cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu cân bằng hơn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Sáng 5/12, Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam - VDPF 2015 với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững” khai mạc tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 và chuẩn bị bước sang một nhiệm kỳ Chính phủ mới và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động và Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, toàn diện hơn với khu vực và quốc tế.

Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho rằng, Việt Nam đã đạt được thành công 5 năm đầu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2020 và đang chuẩn bị cho các quyết định mang tính chiến lược và chính trị quan trọng, trong đó đề ra những định hướng ưu tiên cho nửa sau của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2020 với các nhiệm vụ được thực hiện vào đầu năm 2016.

Những sự chuyển tiếp này có thể bổ trợ cho nhau và mang lại kết quả phát triển tốt đẹp cho Việt Nam trong 5 năm tới.

Bà Victoria Kwakwa đã nêu lên đề xuất một số vấn đề ưu tiên để các đại biểu tập trung thảo luận về những thách thức liên quan đến năng suất lao động, vấn đề môi trường và tăng trưởng, giảm nghèo và phúc lợi xã hội, năng lực và trách nhiệm giải trình của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Đại sứ quán Úc nhận định: Sau 30 năm chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, Việt Nam đã đạt được những kết quả lớn về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Việt Nam đã chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp sang một nền kinh tế đa dạng hơn nhiều và hội nhập toàn cầu.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn hoạt động dưới tiềm năng với tăng trưởng năng suất thấp và ngày càng giảm. Năng lực cạnh tranh quốc gia chậm được cải thiện trong khi nguồn lực phân bổ lại không hiệu quả, đặc biệt là trong khu vực công.

“Ngoài ra khu vực tư nhân còn bị đè nặng bởi gánh nặng quy định, sự khó tiên liệu và không nhất quán trong hệ thống pháp luật”- đại sứ quán Úc nêu quan điểm.

Đại diện Đại sứ quán Úc nhấn mạnh vào 5 yếu tố có thẩy thúc đẩy năng lực cạnh tanh của Việt Nam.

Đó là: Cải thiện tự do kinh tế và nuôi dưỡng khu vực tư nhân; Xây dựng và thực hiện chiến lược cải cách triệt để DNNN. Ba là tăng cường chính sách cạnh tranh và thực thi pháp luật. Cải thiện chất lượng quản trị và thế chế và cuối cùng là: Đảm bảo tăng trưởng công bằng và bao dung bằng cách nâng cao vai trò của tổ chức cộng đồng và xã hội dân sự.

Tại diễn dàn, đại diện của nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới đưa ra những nhận định, thắc mắc và kiến nghị đối với nền kinh tế Việt Nam, chủ yếu ở những nội dung như: Cải cách thể chế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động, chống tham nhũng, chú trọng phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội, luật pháp…

Phát biểu tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận, đánh giá cao và chân thành cảm ơn những ý kiến góp ý đầy thiện chí, với tinh thần xây dựng cao của đại diện Ngân hàng thế giới và các tổ chức, cơ quan hợp tác quốc tế, các chuyên gia.

Trao đổi tóm tắt về kết quả chủ yếu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2015, 5 năm 2011-2015 và định hướng phát triển trong giai đoạn tới của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, bước vào giai đoạn mới, Việt Nam nhận thức rõ, con đường phát triển sắp tới bên cạnh những thời cơ, thuận lợi còn phải vượt qua những thách thức không nhỏ mà điều kiện khách quan là sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới và những diễn biến phức tạp, khó lường ngay trong khu vực và thế giới.

Đề cập đến mục tiêu phát triển giai đoạn 2016 – 2020 của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, yêu cầu đặt ra cho giai đoạn này là phát triển nhanh hơn, bền vững hơn 5 năm trước với các trụ cột; trong đó, mục tiêu cao nhất là tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững hơn phấn đấu đạt mức từ 6,5 đến 7%.

Cùng với tăng trưởng kinh tế là phải phát triển văn hóa, đảm bảo tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống người dân, lấy con người là trung tâm của sự phát triển. Là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng nêu rõ.

Về giải pháp, định hướng phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2016-2020 với những định hướng chủ yếu sau: Hội nhập giúp Việt Nam có thêm cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch. Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến của dòng chảy đầu tư quốc tế, giúp tăng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, cùng với nâng cao trình độ quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động. DN Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất và phân phối khu vực toàn cầu.

“Đặc biệt hội nhập kinh tế quốc tế với các Hiệp định thương mại tự do có thuế suất giảm về 0% đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ sẽ giúp DN Việt Nam có cơ hội tăng mạnh xuất khẩu, giúp Việt Nam có cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu cân bằng hơn” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội nhập, Việt Nam có cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu cân bằng hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO