Hội thảo hợp tác kinh tế xuyên biên giới giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia

Tuấn Anh - V.B 27/07/2015 19:18

Ngày 27-7, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia và Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào đã tổ chức đã Hội thảo quốc tế “Hợp tác xuyên biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia” lần thứ IV năm 2015 với hơn 100 đại biểu của ba nước tham dự.

Hội thảo hợp tác kinh tế xuyên biên giới giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, đại biểu 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia đã khẳng định mối quan hệ kinh tế xuyên biên giới giữa 3 nước là mối quan hệ đặc biệt trên các khía cạnh lịch sử truyền thống và văn hóa. Với đặc thù kết nối địa lý tự nhiên và bề dày truyền thống đoàn kết, ba nước Việt Nam –Lào- Campuchia đang đứng trước những điều kiện thuận lợi mới để triển khai các sáng kiến hợp tác kinh tế xuyên biên giới, thực hiện các mục tiêu hợp tác liên Chính phủ Việt Nam –Lào- Campuchia . Cụ thể, thời gian qua, đầu tư Việt Nam tại Campuchia và Lào đã có sự phát triển về tổng số dự án, vốn đăng ký cũng như các lĩnh vực đầu tư. Cùng với xu hướng chung đó, đầu tư của Việt Nam tại khu vực tam giác phát triển của Campuchia và Lào đã có sự phát triển mạnh mẽ. Đến nay, Việt Nam đã đầu tư tại Lào 259 dự án, với tổng số vốn đăng ký 3,9 tỷ USD; tại Campuchia 171 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 3,2 tỷ USD. Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều Việt Nam - Campuchia đạt hơn 3,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 2,66 tỷ USD, phấn đấu năm 2015, hai nước đạt 5 tỷ USD xuất nhập khẩu hai chiều; kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Lào đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 14% so năm 2013, hai nước quyết tâm đưa con số này lên 2 tỷ USD trong năm nay và phấn đấu đạt 4 tỷ USD vào năm 2020.

Hội thảo hợp tác kinh tế xuyên biên giới giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia - 1

Các đại biểu về tham dự Hội thảo

Với những kết quả đã đạt được, Hội thảo lần này sẽ tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng và các vấn đề đặt ra của hợp tác kinh tế xuyên biên giới ba nước , sự ảnh hưởng của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến hợp tác kinh tế xuyên biên giới của ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia, và triển vọng hợp tác của 3 nước trong thúc đẩy quan hệ kinh tế xuyên biên giới. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ một số hạn chế trong quá trình hợp tác kinh tế trong tam giác phát triển, đồng thời đưa ra một số giải pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư xuyên biên giới như: Thời gian tới chính phủ mỗi nước cần đầu tư nhiều hơn vào phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông từ các thành phố lớn đến các huyện biên giới, tạo thuận lợi cho thương mại biên giới; khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào vùng biên giới thông qua các biện pháp, sáng kiến xúc tiến thương mại; tổ chức hội chợ thương mại quốc tế ở các tỉnh biên giới nhằm thúc đẩy sản xuất sản phẩm “xuyên biên giới” nhằm mục đích xuất khẩu. 3 nước cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào hệ thống giáo dục, đào tạo nghề; tiếp tục cải thiện kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện dịch vụ hậu cần; đơn giản hóa thủ tục hải quan; cải thiện các dịch vụ cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào hoạt động hợp tác kinh tế xuyên biên giới.

Hội thảo “Hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam- Lào-Campuchia” là cơ hội cho các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, những người xây dựng chính sách, các chuyên gia và học giả 3 nước cùng đánh giá thực trạng hợp tác xuyên biên giới giữa 3 nước trong thời gian qua; chia sẽ dự báo tác động của AEC đến hợp tác kinh tế xuyên biên giới giữa 3 nước trong thời gian tới và đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa 3 nước trong bối cảnh mới, góp phần duy trì ổn định, phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước trong Tam giác phát triển nói riêng và trong ASEAN nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội thảo hợp tác kinh tế xuyên biên giới giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO