Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội: Hướng tới phát triển bền vững

Linh Thủy 11/08/2016 07:14

Vai trò của các tổ chức xã hội, đặc biệt là trong tư vấn, phản biện chính sách, đang ngày càng được thừa nhận. Tuy nhiên làm thế nào để nâng cao năng lực hoạt động bền vững của các tổ chức xã hội hiện nay? Đó là những vấn đề đặt ra tại cuộc Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội “Vì sự phát triển bền vững” do Liên hiệp các Hội Khoa học &Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức, ngày 10/8, tại Hà Nội.

Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội: Hướng tới phát triển bền vững

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Đề cao trách nhiệm tư vấn, phản biện

Theo TS Phan Tùng Mậu- Phó chủ tịch VUSTA, trong bối cảnh xã hội đang ngày càng đòi hỏi cao tính minh bạch, tính giải trình của các cơ quan nhà nước thì sự tham gia, đóng góp của các tổ chức xã hội vào quá trình xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật, cũng như thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ngày càng được mở rộng, góp phần tạo ra những chính sách đáp ứng tốt hơn và bám sát hơn nhu cầu của xã hội.

Hoạt động tư vấn, phản biện đã được các tổ chức thuộc VUSTA tích cực tham gia đóng góp ý kiến ở nhiều lĩnh vực khác nhau như văn hóa, giáo dục, tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu…

Hoạt động này là kênh quan trọng, đáng tin cậy giúp các cơ quan nhà nước có được những thông tin phản ánh trung thực khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức và dư luận xã hội. Điều này vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của trí thức vừa là cầu nối giữa các cơ quan nhà nước với cộng đồng.

Theo bà Đỗ Thị Vân- Giám đốc Trung tâm Thông tin Tổ chức phi Chính phủ, đội ngũ các nhà khoa học đông đảo và có uy tín đã liên kết hình thành một mạng lưới, đóng góp khách quan vào các chính sách quan trọng, các dự án Luật của Quốc hội, cũng như các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ.

Cụ thể, những đóng góp của VUSTA thể hiện ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội như: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống HIV/AIDS; xóa đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng; bình đẳng giới, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu… góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cơ hội và thách thức để phát triển bền vững

Các tổ chức xã hội thuộc VUSTA có đội ngũ nhà khoa học và chuyên gia đông đảo, mô hình tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt, sáng tạo nên hoạt động hiệu quả.

Vai trò của các tổ chức xã hội ngày càng được ghi nhận và đề cao. Hiện nay đã có nhiều dịch vụ công mà các cơ quan nhà nước kiêm nhiệm đã được chuyển giao cho các tổ chức xã hội. Thêm vào đó, nhận thức của một bộ phận người dân, các nhóm cộng đồng về vai trò, sự hiện diện của các tổ chức xã hội cũng thay đổi....

Tuy nhiên, các tổ chức xã hội hiện vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Bà Đỗ Thị Vân thẳng thắn chỉ ra: Đó là năng lực chuyên môn còn hạn chế, thường chỉ có những người đứng đầu tổ chức là có uy tín, còn bộ máy giúp việc do tính hoạt động tự nguyện của các tổ chức xã hội mà không có được nhân lực chất lượng cao.

Cùng với đó là sự kết nối chia sẻ thông tin giữa các tổ chức xã hội với nhau chưa hiệu quả. Khả năng huy động nguồn lực trong nước còn yếu, tính chủ động chưa cao. Chưa kể vấn đề khó nhất là về kinh phí hoạt động.

Những điều này đã được các đại biểu tập trung phân tích tại hội thảo để tìm ra các giải pháp, kiến nghị chính sách, nhằm huy động sự tham gia, đóng góp của cộng đồng cho sự phát triển bền vững của các tổ chức xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội: Hướng tới phát triển bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO