Hội thơ Đường luật Việt Nam: Một sân chơi văn học lý thú

VŨ PHONG 29/06/2020 07:41

Ở nước ta, tổng số bài thơ Đường luật đã công bố nhiều hơn 4 lần toàn bộ Thơ triều đại nhà Đường của Trung Quốc. Riêng 30 năm qua chiếm 2/3 trong tổng số đó. Đây được coi là một thành tựu, di sản quý báu của văn học nước nhà…

Một số tác phẩm của Hội thơ Đường luật Việt Nam.

Ngày 30/6/2020, Hội Thơ Đường luật Việt Nam kỉ niệm 15 năm ra đời (2005-2020) và tiến hành Đại hội lần thứ III (nhiệm kì 2020-2025) tại Thủ đô Hà Nội.

Từ cuối những năm 90 thế kỉ trước đến năm 2004, ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng và phía Bắc miền Trung, một số trí thức, nhà giáo đã khởi xướng, hình thành một số “Chiếu Thơ Đường” và “Câu lạc bộ Thơ Đường”, tập hợp những người yêu thích thể thơ trí tuệ, trang nghiêm, cố kính mang tính truyền thống tồn tại hơn một nghìn năm ở nước ta.

Đầu năm 2005, cố nhà giáo Nguyễn Văn Vang (tức nhà thơ Hoài Yên) đứng ra tập hợp một số CLB có xu hướng sáng tác thiên về thể thơ luật Đường, tạo một sân chơi trí tuệ, tao nhã, dựa vào Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam thành lập Câu lạc bộ UNESCO Thơ Đường Việt Nam và họp Đại hội lần thứ nhất do ông làm Chủ nhiệm.

Ba năm sau, CLB bầu ông Nguyễn Huy Đài thay nhà thơ Hoài Yên. Các thi hữu lão thành hồi ấy có sáng kiến hàng năm tổ chức luân phiên Ngày hội Thơ Đường toàn quốc tại địa phương: Hà Nội (2 lần), rồi ở Huế, Khánh Hòa, Đồng Tháp…; xuất bản nhiều tập Thơ theo thể luật Đường mang tên “Thắp sáng Đường thi”.

Năm 2010, CLB đổi tên thành Hội UNESCO Thơ Đường Việt Nam. Ngày 13/3/2011, Đại hội đại biểu lần thứ II tổ chức tại Hà Nội, có 245 hội viên tham dự, bầu BCH với 19 ủy viên do nhà báo Kim Quốc Hoa, Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi làm Chủ tịch. Đại hội thông qua Điều lệ, xây dựng chương trình hành động có những sáng tạo mới.

Cuối năm 2012, Hội chuyển về trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc (nay là Viện Ngiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc) thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam.

Với hơn 2.500 hội viên thuộc gần 80 Hội cơ sở trong cả nước, Hội vừa xây dựng, củng cố, phát triển vừa đẩy mạnh hoạt động sáng tác, quảng bá, bảo tồn và nghiên cứu khoa học về Thơ Đường luật, góp phần vào trào lưu văn học đại chúng ở nước ta.

Bám sát tôn chỉ mục đích và phát huy truyền thống, hàng năm cứ sau dịp Ngày Thơ Việt Nam (Nguyên Tiêu), Hội tổ chức Ngày hội Thơ Đường luật toàn quốc như ở Bắc Giang (2011), Hạ Long (2012), Thanh Hóa (2013), Phú Thọ (2014), Bắc Ninh (2015), Đà Nẵng (2016), Nghệ An (2017), Hải Phòng (2018) và Bà Rịa - Vũng Tàu (2019). Năm 2020 kế hoạch tổ chức Ngày hội lần thứ XV tại Hà Tĩnh được chuẩn bị công phu nhưng không thực hiện được do đại dịch Covid-19.

Cùng với những Ngày hội đó, hàng năm Hội xuất bản các Tập “Thơ Đường luật Việt Nam”, mỗi tập dày từ 1.200 trang đến 1.480 trang, in thơ mới sáng tác của hàng nghìn hội viên; Hầu hết các Hội cơ sở cũng xuất bản khoảng 850 đầu sách chuyên về thơ Đường luật.

Từ năm 2012 Hội thiết lập và vận hành Trang điện tử “Hội Thơ Đường luật Việt Nam”; từ năm 2015 xuất bản định kì chuyên san Thơ Đường luật (hàng quý), phát hành rộng rãi trong hội viên, vừa phổ cập sáng tác vừa quảng bá, trao đổi học thuật về thơ luật Đường rất thiết thực, bổ ích.

Năm nào, Hội cũng tích cực tham gia vào Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) và các tỉnh. Hội còn tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo khoa học với sự hưởng ứng của nhiều chính khách, nhà nghiên cứu văn học, nhà thơ, nhà văn hóa…

Đó là các hội thảo mang chủ đề: “Thơ Đường luật của Tú Xương”; “Thơ Đường luật đầu thể kỉ XX”; “Chủ tịch Hồ chí Minh với Thơ Đường luật” và “Thơ Đường luật đời Lý” được tổ chức tại Nam Định, Hà Nội và Bắc Ninh những năm gần đây. Hàng chục Hội cơ sở cũng thiết lập Trang điện tử, xuất bản chuyên san nội bộ, mở cuộc thi thơ…

Theo nhận định của một số học giả, nếu tổng hợp Di sản Thơ Đường luật từ các triều đại Lý, Trần, Lê, Trịnh, Mạc, Nguyễn đến gian đoạn đầu thế kỉ XX và trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đặc biệt là từ sau đổi mới, Đảng ta chủ trương “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì phong trào phục hưng thơ Đường luật khởi sắc, mang tính đột biến, với số lượng thơ Đường luật được công bố trên văn đàn có tổng số ước tính hơn 200.000 bài (gấp hơn 4 lần tổng số bài của đời nhà Đường (Trung Quốc). Riêng khoảng 30 năm qua chiếm 2/3 số lượng bài trong tổng số đó.

Đây là một thành tựu nổi bật của thơ Đường luật với sự nòng cốt của Hội Thơ Đường luật Việt Nam đóng góp vào văn hóa nói chung, văn học nói riêng của nước nhà, cả cho sự phát triển của ngành xuất bản và in, góp phần làm sâu sắc, phong phú, đa dạng thêm đời sống văn hóa, tinh thần trong cộng đồng, xã hội.

Đối với văn học Việt Nam, lĩnh vực thơ ca có nhiều thể loại. Tuy nhiên, thể thơ lục bát và thơ Đường luật phải tuân thủ nghiêm ngặt niêm luật, gieo vần. Người sáng tác hai thể loại này nếu viết không tuân thủ quy luật, nghệ thuật, bút pháp thì thơ không có hồn, bạn đọc khó chấp nhận.

Thậm chí thơ Đường luật đòi hỏi viết công phu và khó hơn thơ lục bát bởi sự giàng buộc vào số câu (ngũ ngôn, tứ tuyệt, thất ngôn bát cú) và phải đối, gieo vần, cặp luận, cặp thực… Do đó, số người tham gia vào Hội Thơ Đường luật thường ít hơn so với các CLB khác.

Hội Thơ Đường luật Việt Nam là một tổ chức văn hóa - xã hội tự nguyện, hoạt động phi lợi nhuận, coi Thơ Đường luật là một di sản văn hóa vi vật thể của dân tộc nguyện tiếp tục đẩy mạnh sang tác, quảng bá, bảo tồn và nghiên cứu nhằm tôn vinh, giữ gìn “báu vật” giàu bản sắc này đã tồn tại hơn một nghìn năm trong dòng chảy lịch sử văn học nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội thơ Đường luật Việt Nam: Một sân chơi văn học lý thú

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO