Hồi ức lịch sử cùng tranh cổ động

Minh Quân 24/06/2020 06:26

Ngày 23/6, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khai trương không gian trưng bày mới “Sưu tập tranh cổ động” và ra mắt sách “Khát vọng hòa bình”.

Tác phẩm “Vì muôn đời con cháu mai sau” của họa sĩ Vũ Thị Huyền.

Phòng trưng bày tranh cổ động giới thiệu 30 tác phẩm sáng tác từ năm 1958 đến 1986. Trong số đó, nhiều tác phẩm không chỉ góp phần ghi lại những mốc son lịch sử của cách mạng dân tộc, những hoạt động tuyên truyền trên mọi mặt của đời sống, mà còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng và tính nghệ thuật của loại hình đồ họa đặc biệt này, qua đó cung cấp cho công chúng cái nhìn toàn diện hơn về nền mỹ thuật Việt Nam.

Nhìn nhận về vai trò của tranh cổ động trong hành trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến bày tỏ: Tranh cổ động có một vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển nghệ thuật tạo hình Việt Nam, được ra đời trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngay từ cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Từ những năm 20 của thế kỷ 20, tranh tuyên truyền cổ động cho phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa do nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc vẽ đăng trên báo Le Paria (xuất bản tại Pháp) đã gây chấn động lớn trong các nước thuộc địa. Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, thành lập Mặt trận Việt Minh với cơ quan ngôn luận là báo Việt Nam Độc lập. Trên tờ báo này, Người vẽ kết hợp các chữ Việt Nam Độc lập thành một người dân Việt Nam đội nón, thổi kèn loa, kèm theo bốn câu thơ rất dễ hiểu, kêu gọi mọi người đoàn kết cứu nước.

Cũng từ đó, tranh cổ động cùng với các thể loại nghệ thuật khác đã đứng vững trong mọi thời kỳ phát triển của xã hội, góp phần không nhỏ trong tuyên truyền. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), các họa sĩ vẽ tranh cổ động đã phát huy tác dụng to lớn chức tuyên truyền, thuyết phục quần chúng, động viên nhân dân chiến đấu giữ làng, giữ nước, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao ý chí vừa chống giặc ngoại xâm, vừa chống giặc đói, giặc dốt.

Từ năm 1954 đến năm 1975 là những năm tháng đấu tranh quyết liệt của nhân dân hai miền Bắc Nam. Ở miền Bắc, hậu phương vững mạnh cho cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và xây dựng CNXH, hơn lúc nào hết, các họa sĩ ý thức được vai trò của mình trong trách nhiệm công dân. Họ có mặt ở nhiều nơi vẽ tranh tuyên truyền, cổ động chính trị, xã hội. Đông đảo tầng lớp nhân dân khắp mọi nơi đã tin cậy và ủng hộ những đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng được thể hiện trên những cụm tranh cổ động lớn trong những ngày lễ trọng đại.

Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cũng cho biết thêm: Chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh, miền Nam hoàn toàn giải phóng là một dấu ấn mở ra trang sức mới cho dân tộc. Từ đây, công việc của các họa sĩ vẽ tranh cổ động lại thêm một trách nhiệm lớn lao là thể hiện sự nghiệp sự nghiệp cả nước cùng vào công cuộc xây dựng CNXH. Sứ mệnh lịch sử đã cuốn hút họ trong từng thời kỳ.

Đầu tiên là đợt tranh cổ động chào mừng thắng lợi lớn nhất của bước chuyển hóa quan trọng; Quốc hội khóa VI kỳ họp thứ nhất quyết định đặt tên nước ta là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1976). Sự kiện quan trọng thứ hai là năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối Đổi mới trước hết là đồi mới tư duy... Những tiêu chí trên là ý tưởng tốt đẹp, gợi mở để các họa sĩ thể hiện trên tranh cổ động của mình nhiều tác phẩm thuyết phục, có ý nghĩa tuyên truyền rộng rãi trong cả nước. Có thể kể đến như “Chung một ngọn cờ” của Huỳnh Phương Đông, “Mùa xuân vĩnh viễn” của Lê Đức Lai, “Việt Nam hòa bình thống nhất” của Thục Phi... “Tất cả là diện mạo của Tổ quốc Việt Nam “Thanh xuân - Cường thịnh - Độc lập -Tự do” tranh cổ động đã nói lên tất cả”- bà Yến nhấn mạnh...

Có thể nói, 30 bức tranh cổ động vừa được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật đã thể hiện được một phần của lịch sử phát triển của cách mạng Việt Nam từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập dân tộc, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đến quá trình xây dựng đất nước. Ở đó, có sự góp mặt của những họa sĩ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đến khóa Mỹ thuật Kháng chiến và các thế hệ sau phần nhiều đều có tham gia sáng tác tranh cổ động.

Các nghệ sĩ sử dụng những thủ pháp đặc trưng mang tính cô đọng, súc tích, gần gũi, dễ hiểu, liên tục sáng tạo trong ngôn ngữ đồ họa. Tranh cổ động đã kịp thời đưa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan để trở thành một thể loại nghệ thuật đồ họa độc đáo riêng của nền Mỹ thuật Cách mạng Việt Nam.

Cũng dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với NXB Mỹ thuật giới thiệu ấn phẩm đặc biệt về tranh cổ động mang tên “Khát vọng hòa bình”. Với 81 tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn 1958-1986 về đề tài kháng chiến, cuốn sách thể hiện ước muốn và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được thành lập từ năm 1966. Đến nay, trải qua hơn 50 năm mở cửa đón khách tham quan, các thế hệ cán bộ bảo tàng đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức trưng bày, giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật các di sản văn hóa, tác phẩm mỹ thuật trong kho tàng mỹ thuật nước nhà từ thời tiền sử đến nay. Trong đó, bộ sưu tập tranh cổ động xuyên suốt từ những năm 1950 đến nay với số lượng lên đến hàng trăm hiện vật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi ức lịch sử cùng tranh cổ động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO