'Hòn ngọc sa mạc' của Iraq được giải phóng

Linh Chi 15/11/2016 08:30

Trong suốt nhiều thế kỷ qua, thành phố cổ của đế chế Assyrian nằm ở miền Bắc Iraq dường như đã bị lãng quên, và phải đến mãi những năm gần đây, nó mới lên trang chủ nhiều tờ báo phương Tây sau khi bị phiến quân IS chiếm đóng và giờ một lần nữa thu hút sự quan tâm sau khi được giải phóng khỏi tổ chức này.

'Hòn ngọc sa mạc' của Iraq được giải phóng

Một thành viên IS dùng búa tạ đập nát bức bích họa có độ tuổi vài thế kỷ ở Nimrud. (Nguồn: Dailymail).

Giới khảo cổ bắt đầu khai quật thành phố Nimrud - được xây dựng cách đây 3.000 năm - vào những năm 1840. Trong nhiều thập kỷ sau đó, họ tiếp tục phát hiện nhiều báu vật vô giá từ thành phố cổ đại này, trong đó gồm nhiều cung điện với các bức bích họa, những bức tượng lớn… cho thấy một thời kỳ hưng vượng của Iraq.

Đến năm ngoái, tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tiến vào thành phố cổ này và bắt đầu phá hoại nó không tiếc tay.

Nhóm khủng bố này còn đăng tải nhiều đoạn video chiếu cảnh chúng phá hoại những di tích cổ đại ở Nimrud. Những tay phiến quân với khoan điện và búa tạ đã đập nát nhiều bức tượng và khoan nhiều lỗ trên tường các cung điện. Chúng còn huy động xe ủi tới cán nát các kiến trúc cổ. Đoạn video cuối cùng mà chúng đăng tải cho thấy một vụ nổ lớn ở thành phố này và cột khói bụi khổng lồ bốc lên.

UNESCO (tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ), đã mô tả sự hủy diệt mà IS gây ra đối với Nimrud là một “tội ác chiến tranh”.

Nhưng đến cuối tuần qua, lực lượng vũ trang Iraq đã giải phóng được Nimrud và khu vực xung quanh di tích cổ đại trong một phần chiến dịch tái chiếm Mosul - thành phố lớn thứ hai và được coi là thành trì của IS ở Iraq.

Nimrud bao gồm một thị trấn và một ngôi làng có vị trí gần với di tích cổ. Dù ngôi làng này hiện đang thuộc tầm kiểm soát của quân đội Iraq, nhưng các cuộc đụng độ vẫn diễn ra hàng ngày nhằm tái chiếm thị trấn trên. Được biết, thành phố Nimrud cách Mosul khoảng 30 km về phía Đông Nam.

Nimrud và thành phố Nineveh lân cận là các địa điểm từng có cung điện của 2 vị vua của đế chế Assyarian-Vua Sennacheriv (704-681 trước CN) và Ashurnasirpal II (883-859 trước CN); theo Quỹ bảo tồn di tích thế giới (WMF).

“Cung điện của Sennacherib ở Nineveh và Ashurnasirpal II ở Nimrud là vết tích căn hóa, chính trị và nghệ thuật đỉnh cao của đế chế Assyarian” - WMF nói trên website chính thức của họ. Được biết quỹ này đã giúp bảo tồn các di vật quý giá ở Nimrud sau cuộc chiến ở Iraq hồi năm 2003.

Nimrud đạt đến đỉnh cao phát triển trong khoảng từ năm 900 đến 612 trước CN. Các kiến trúc ở thành phố này sở hữu rất nhiều các tấm ngà voi được chạm khắc tinh xảo, và hiện là một trong số các bộ sưu tập ngà voi lớn nhất trên thế giới.

Đây không phải lần đầu tiên phiến quân IS phá hoại các địa điểm di sản văn hóa cổ đại ở Iraq và Syria. Tổ chức khủng bố này từng chiếm đóng thành phố cổ đại Hatra hồi năm 2014, biến nó thành nơi để dự trữ vũ khí và đạn dược. Tổ chức này còn phá hủy hàng loạt thư viện, cung điện và nhà thờ, và cho nổ tung nhiều đền thờ thiêng liêng khác như mộ của Jonah - một địa điểm linh thiêng được cho là nơi an nghỉ của Nhà tiên tri Jonah, một nhân vật quan trọng trong đạo Cơ đốc, cũng như đạo Hồi.

Năm ngoái, phiến quân IS đã sử dụng búa tạ để đập nát các bức điêu khắc bằng đá cùng nhiều cổ vật có tuổi đời lên tới hàng thế kỷ trong Viện bảo tàng Mosul.

“IS tiếp tục đi ngược lại ý chí của toàn thế giới và cảm xúc của toàn nhân loại” - Bộ Du lịch Iraq nói trong một tuyên bố đưa ra hồi năm ngoái, lên án các hành động phá hủy Viện bảo tàng Mosul của IS - “Để cho những kẻ tội phạm này ra đi mà không bị trừng phạt sẽ chỉ khuyến khích thêm cho chúng trong việc phá hủy các nền văn hóa của nhân loại, nền văn minh Lưỡng Hà, gây ra những tổn thất không thể đảo ngược”.

Nước láng giềng của Iraq, Syria, cũng là quốc gia sở hữu nhiều địa điểm khảo cổ quý giá của nhân loại, và rất nhiều trong số này đã bị biến thành đống đổ nát vì cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 5 năm qua.

Bên cạnh đó, IS không phải là tổ chức phiến quân duy nhất hủy hoại những biểu tượng của cuộc sống thời cổ đại. Năm 2001, phiến quân Taliban cũng từng cho nổ tung các bức tượng lớn ở Afghasnitan bất chấp lời kêu gọi chúng buông tha cho các di tích thời cổ đại từ chính quyền nước này.

Sự hủy diệt các di sản văn hóa cổ đại đã khiến rất nhiều học giả và nhà sử học trên thế giới bất bình.

“Tất cả các vụ tấn công nhằm vào các địa điểm khảo cổ và cổ vật đều là hành động dã man đối với ký ức của nhân loại” - Nhà khảo cổ Sturt W. Manning thuộc ĐH Cornell (Mỹ), nhận định - “Bởi các địa điểm và cổ vật này là bằng chứng cho những thành tựu mà loài người đạt được”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Hòn ngọc sa mạc' của Iraq được giải phóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO