Họp phụ huynh

Vi Cầm 08/01/2020 08:00

Cuối tuần vừa rồi, tại Hà Nội có nhiều trường phổ thông tổ chức họp phụ huynh để nhà trường thông báo kết quả học tập của các cháu. Do biết trước lịch họp nên nhiều học sinh rất lo lắng. Vô tình nghe được câu chuyện của những đứa trẻ đang học THPT cùng với con, mới thấy chúng áp lực trước cuộc họp ấy đến thế nào.

Một đứa già dặn nhất trong đám lên tiếng: Sau cuộc họp bố tớ sẽ làm ầm lên cho mà xem vì điểm Toán của tớ năm nay hơi thấp. Một đứa khác nói: Tớ mới lo này, hôm trước có bày tỏ quan điểm trước lớp với cô dạy Văn là không đồng ý làm bài theo mẫu, bị cô ghi vào sổ đầu bài và đề nghị cô chủ nhiệm trao đổi lại với phụ huynh… Đến lượt con nhà tôi lo lắng: Điểm môn Quốc phòng của tớ thấp quá, tớ cũng trót cãi thày là không phải ai cũng giỏi tháo lắp súng, thày có thể không bắt các học sinh phải đạt đến một chuẩn giống nhau được không…?

Thực ra chuyện chưa hài lòng với kết quả học tập của con, âu cũng là tâm lý chung của nhiều bậc cha mẹ. Nhưng rõ ràng, nếu sự kỳ vọng càng lớn, trong khi con không chạm tới ngưỡng như mong đợi, sẽ dẫn đến những phản ứng tiêu cực.

Nhiều thày cô giáo chia sẻ, do xu hướng xét tuyển ĐH bằng học bạ ngày càng phổ biến, giờ đây nhiều trường THPT cũng đã siết chặt hơn kết quả thực học của học sinh. Dẫu thế “bệnh thành tích” trong học đường và ngoài xã hội không giảm, có nguyên nhân từ chính nhiều phụ huynh, bởi họ luôn đòi hỏi kết quả, thứ hạng học tập của con. Không phải ai cũng đạt đến độ dũng cảm đề nghị với giáo viên chủ nhiệm rằng không cho con đạt học sinh giỏi nếu điểm môn này, môn kia còn chưa đủ. Ngược lại, đa phần đều muốn các thày cô vớt vát, nương tay trong chấm điểm với con mình.

Sự ám ảnh về điểm số khiến nhiều phụ huynh không có nhu cầu nghe con em của họ giãi bày, rằng vì sao chúng chỉ đạt được kết quả như thế. Đôi khi kết quả học tập của học sinh sa sút đến từ những lý do khách quan, nghe có vẻ không liên quan, nhưng lại rất có lý. Đơn cử như việc giữa học kỳ I nhà trường thay cô giáo dạy Toán, cô rất khó tính, cách dạy của cô không dễ hiểu như thày giáo cũ. Hoặc do giáo viên chủ nhiệm sắp xếp lại chỗ ngồi, học sinh phải ngồi cạnh một bạn học không thiện chí, rất khó tập trung trong việc tiếp thu bài…
Những ngày qua, mạng xã hội cũng đang lan truyền những đoạn tin nhắn giữa giáo viên chủ nhiệm ở một trường THPT tại Hà Nội tới các giáo viên. Cuộc nói chuyện xảy ra sau khi buổi họp phụ huynh kết thúc. Vì không hài lòng với kết quả học tập của con em mình mà nhiều phụ huynh về nhà đã quát mắng, chì chiết con. Nhiều em vì không chịu được đã nhắn tin tâm sự với cô giáo. Sau khi biết được tình trạng của học trò, cô giáo chủ nhiệm đã quyết định gửi “tâm thư” của mình đến các bậc phụ huynh và đề nghị các ông bố bà mẹ không nên chì chiết, gây áp lực lên con em mình.

Những phản ứng thái quá từ phụ huynh có thể làm hỏng tinh thần của một cuộc họp phụ huynh. Giờ đây mô hình học sinh được làm chủ trong các cuộc họp phụ huynh đã được nhiều trường tư thục tại Hà Nội áp dụng. Các em tự mình tổ chức, báo cáo kết quả học tập và nói lên suy nghĩ của mình với bố mẹ, thày cô.

Có lẽ đây cũng nên là xu hướng cần được áp dụng, nhân rộng ở cả các trường công lập. Họp phụ huynh nên là một buổi đối thoại, trong đó lấy học sinh làm trung tâm, các em ở đó để được tự tin, tự khẳng định mình khi dám nói lên suy nghĩ, mong muốn của mình trước đám đông; làm chủ bản thân khi biết mình cần gì, muốn gì thông qua hệ thống các kỹ năng, giá trị đã được học; kế hoạch cụ thể do chính mình đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họp phụ huynh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO