Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sân khấu: Tìm sức bật hội nhập

Minh Quân - Cao Ngọc 16/04/2021 08:30

Việc có thêm những nguồn thông tin cập nhật về sân khấu thế giới, và ngược lại đưa sân khấu Việt giới thiệu với bạn bè quốc tế đến nay vẫn là vấn đề nan giải. Bởi phần lớn những vận động trong lĩnh vực hợp tác quốc tế ở chúng ta còn manh mún, còn dựa nhiều vào những mối quan hệ cá nhân của các lãnh đạo đơn vị hay các nghệ sĩ.

Một cảnh trong vở Cây tre thần.

Mòn mỏi tìm cơ hội

Đã qua mốc 30 năm từ khi đất nước bước vào thời kỳ “mở cửa” nhưng có thực tế đáng buồn là việc học hỏi, tiếp nhận những tác phẩm sân khấu thế giới cũng như “xuất cảnh” tác phẩm sân khấu Việt Nam vẫn chưa thực sự có nhiều đột phá. Có lẽ dấu ấn lớn nhất là những liên hoan Quốc tế sân khấu Thử nghiệm được tổ chức 4 lần tại Hà Nội.

Tuy nhiên, tại các Liên hoan này số lượng tác phẩm quốc tế đến với công chúng và người làm nghề theo cách này chưa nhiều. Không những vậy những rào cản về ngôn ngữ cũng tạo nên những hạn chế trong việc cảm thụ nghệ thuật.

Ở đó, nguyên nhân chính là do những hạn chế về kinh phí, nên việc tổ chức cho các hoạt động này thường phụ thuộc rất nhiều vào đối tác nước ngoài và cũng vì lý do này nên các đơn vị quốc tế tới Việt Nam cũng ít có các đoàn lớn, những đơn vị có tầm vóc quốc gia với những tác phẩm hoành tráng… Phần nhiều là những nhóm sân khấu nhỏ, tác phẩm nhỏ gọn.

Theo NSƯT Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi trẻ) chia sẻ, sân khấu thế giới hiện đại đã có rất nhiều bước tiến lớn giúp cho bộ mặt của nghệ thuật sân khấu thật sự đa dạng về phong cách và hình thức thể hiện. Đội ngũ đạo diễn quốc tế là sự pha trộn của nhiều nền văn hóa, nhiều phong cách để diễn tả trên sân khấu. Họ luôn có xu hướng kết hợp giữa nghệ thuật tả thực và nghệ thuật ước lệ. Có thể thấy, mong muốn lớn nhất của họ là hướng đến một tác phẩm có nhiều tính sáng tạo và nhìn chung, họ không bị trói buộc, không bị quá lệ thuộc vào một hình thức sân khấu cụ thể nào.

Tuy nhiên, không nhiều nghệ sĩ có cơ hội như NSƯT Như Lai được giao lưu, tiếp xúc trực tiếp với sân khấu các nước khác. Số ít trong đội ngũ nghệ sĩ đáp ứng được đòi hỏi về sự năng động, có được kinh phí để tiếp cận sân khấu thế giới. Đại đa số đều trông chờ vào việc được cử đi, được mời…

NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ bày tỏ, do hạn chế về ngoại ngữ, lại không có mối quan hệ nên chỉ khi các cá nhân khác không còn muốn đi nữa thì những nghệ sĩ như anh mới có cơ hội. Và trong những khuôn khổ giao lưu đó, thì việc tiếp nhận đối với những nghệ sĩ thực sự chưa nhiều, thành tựu, bài học được thu nhận chưa cao.

Chưa có chiến lược chung

Có thể thấy, việc đem sân khấu Việt hội nhập với bạn bè quốc tế vẫn luôn gặp khó khăn chung là vấn đề kinh phí. Bên cạnh đó, rào cản ngôn ngữ cũng là điểm yếu lớn của nghệ sĩ Việt Nam khi đến với bạn bè quốc tế…

Đáng buồn hơn là có một số lượng lớn các nghệ sĩ Việt còn quá mải miết với việc chạy show kiếm tiền mà bỏ quên nhu cầu học hỏi, nâng cao kiến thức nghề cũng như kiến thức xã hội nói chung. Từng đi ra nước ngoài công tác cùng các nghệ sĩ nhiều đợt, nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, ông Nguyễn Thế Vinh có phần ngao ngán khi nhận ra, có những nghệ sĩ lớn của Việt Nam không hề tận dụng cơ hội may mắn ra nước ngoài để xem bạn đồng nghiệp trên thế giới đang diễn gì, có gì mới mẻ đang diễn ra trên sân khấu các nước. Họ chỉ chăm chú với việc đi chơi, đi mua sắm… lại càng khó nếu phải bỏ tiền mua vé vào xem các vở diễn ở các nước.

Còn với đa phần các nghệ sĩ khác không có điều kiện ra nước ngoài thì việc bỏ thời gian “làm ngoài” để tăng thêm thu nhập luôn là ưu tiên hàng đầu chứ không phải là cơ hội học hỏi từ các đêm diễn của đơn vị bạn. Lại càng khó khăn hơn nếu như các đơn vị nghệ thuật nước ngoài tới, phải bỏ tiền mua vé không hề rẻ chút nào trong mặt bằng hiện nay để thưởng thức các tác phẩm sân khấu. Ngay như trong dịp Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm được tổ chức tại Việt Nam, dù việc vào cửa miễn phí nhưng với nhiều lý do “tế nhị” mà các diễn viên đến để học hỏi chưa đông. Trong khi đó số kinh phí bỏ ra không nhỏ, nhưng những bài học thu lượm được của các nghệ sĩ chưa nhiều, quả là sự lãng phí lớn.

Thực tế cho thấy, ý thức học hỏi chưa cao, sự bằng lòng với cách diễn mang tính “cảm quan”, dựa vào “năng khiếu” là chính… vẫn là những lý do khiến cho các nghệ sĩ của chúng ta ít động lực học tập. Các nghệ sĩ lão thành mỗi khi mạn đàm về vấn đề này đều rất lo lắng khi các nghệ sĩ Việt Nam thiếu thốn nhiều thông tin về tình hình sân khấu bên ngoài, chỉ quẩn quanh với những mảng miếng của các thế hệ đi trước từng tiếp thu từ sân khấu nước ngoài về…

Còn việc giới thiệu sân khấu Việt Nam với thế giới vẫn dựa nhiều vào các đợt tổ chức ngày văn hóa Việt Nam tại các nước, nên mang nhiều màu sắc “ngoại giao” là chính. Và chủ yếu các thể loại sân khấu được đưa đi giới thiệu vẫn khai thác vốn cổ cha ông để lại như Rối nước, Tuồng, Chèo… ít có được những kịch chủng dễ hiểu, dễ hòa nhập hơn với các nước như Kịch nói.

Bên cạnh những lý do đó, còn có sự chưa thuận trong quy hoạch, trong chiến lược phát triển của sân khấu Việt Nam. Như đánh giá chung của lãnh đạo các đơn vị, hầu như những hoạt động giao lưu, hợp tác với sân khấu thế giới của chúng ta đều do sự năng động của các cá nhân, các đơn vị nghệ thuật với các mối quan hệ mang tính cá nhân, cá thể chứ không nằm trong quy hoạch chung của Bộ VHTTDL cũng như của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Vì vậy, sự manh mún, thiếu quyết sách hợp lý trong hoạt động này là điều dễ hiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sân khấu: Tìm sức bật hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO