Hợp tác xã không hình thức

Quang Ngọc 22/11/2019 06:00

Ngày 20/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành cho ý kiến xây dựng Đề án tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong đó, hợp tác xã (HTX) là vấn đề then chốt.

Kinh tế tập thể, kinh tế HTX là vấn đề nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ suốt thời gian qua. Còn nhớ, đầu năm, ngày 16/1, cũng chính Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo tổng kết hoạt động năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Thông tin tại đây cho biết, tính tới hết năm 2018, cả nước có 21.787 HTX (tăng 1.711 HTX, tương đương 5,9% so với năm 2017), 72 liên hiệp HTX (tăng 16,1%) và hơn 106.000 tổ hợp tác với tổng số là gần 1,5 triệu thành viên (tăng 2,4%). Đáng chú ý, lãi bình quân của một HTX là 277 triệu đồng/năm, tăng 11,7%. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX là 40 triệu đồng/năm, tăng 9,5%.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, hộ gia đình là thành viên HTX giảm chi phí sản xuất khoảng 25%, giá bán sản phẩm cao hơn 10% nên thu nhập cao hơn 30% so với hộ gia đình không phải là thành viên HTX, trong khi năng suất lao động như nhau. Trong số gần 22.000 HTX của cả nước (tính tới hết năm 2018) có hơn một nửa số HTX hoạt động hiệu quả.
Tại cuộc họp lần này (ngày 20/11), nhiều vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn để HTX phát triển tiếp tục được nêu ra. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, có tỉnh có đến 300-400 HTX nhưng trong quan hệ tín dụng chỉ có 5 HTX vay ngân hàng chưa được 8 tỷ đồng, đây là con số quá nhỏ. Ông Tú cũng cho biết, ngân hàng không thể cho những HTX “chỉ có tên, còn hoạt động rất èo uột” vay vốn được. Phía ngân hàng rất muốn cho vay nhưng HTX không có tài sản thế chấp và không có phương án tài chính rõ ràng, không minh bạch, nên ngân hàng không thể cho vay một cách tùy tiện.

Như vậy, điều đầu tiên và rất cơ bản là HTX “có tên” nhưng phải hoạt động thực sự thì mới nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, chứ không phải là HTX “danh nghĩa”, lập ra cho có. Sau một thời gian dài khó khăn, số HTX tan vỡ rất nhiều. Rồi đến lúc thực tế cuộc sống buộc ngành nông nghiệp, nông dân phải tập hợp để có sức mạnh thì HTX, tổ hợp tác được coi là mô hình hợp lý. Từ đó, các HTX kiểu mới xuất hiện, được cổ vũ. Việc khôi phục, lập HTX như một phong trào. Trong đó, có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, nhưng cũng không ít HTX chưa tìm được đường đi đúng đắn trong nền kinh tế mở, trong sự khắt khe hơn của thị trường. Những HTX kiểu này cho rằng họ khó hoạt động do thiếu vốn. Nhưng nói như Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi nêu quan điểm về mục tiêu phát triển 15.000 HTX kiểu mới đối với quỹ tín dụng: “Chúng tôi không những không phát triển thêm mà thậm chí còn muốn co hẹp số lượng lại, vì sự đổ vỡ của nó dẫn đến hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế”.

Điều này cũng liên quan tới nhận xét của ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khi cho rằng có quá nhiều HTX siêu nhỏ.

Như vậy, thành lập HTX là để tạo ra sức mạnh mà quy mô quá nhỏ thì sẽ không đạt được mục đích đặt ra.

Không thể phủ nhận thời gian qua các HTX kiểu mới đã đem lại hình ảnh khá lạc quan về loại hình kinh tế tập thể này, nhưng quả là chặng đường phía trước vẫn còn dài. HTX kiểu mới không thể chỉ là “cái vỏ hình thức” mà phải là nơi tổ chức làm ăn theo cách mới cho người nông dân trong mối liên kết “4 nhà”, cũng như vị trí trong chuỗi giá trị. Chỉ có như vậy HTX mới có sức sống, “tam nông” mới thay đổi về chất, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nói điều đó để thấy cần thực sự, tận tâm xây dựng, phát triển HTX, không chạy theo phong trào mà phải sống chết vì nó. Phải xác định rõ ràng rằng trong xu hướng hội nhập, cạnh tranh, nếu làm nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sẽ thất bại. Vì thế phải lập HTX, mà phải là HTX phù hợp với giai đoạn phát triển mới chứ không phải là dạng HTX “đánh kẻng đi làm, chấm công chia thóc”, không động viên và cũng không khơi gợi được nhiệt tình của mỗi người nông dân.

Nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thì bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng hoạt động của HTX còn nhiều tồn tại, trong đó có nguyên nhân do sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với kinh tế tập thể không đồng đều, chưa quan tâm phát triển. Nhiều địa phương chỉ phát triển chỉ tiêu số lượng HTX số lượng thành viên nhưng mấu chốt quan trọng là chất lượng và hiệu quả lại không quan tâm.

Chúng ta đã từng bị tổn hại do “bệnh hình thức” ở nhiều lĩnh vực cuộc sống. Với nông nghiệp, không thể để căn bệnh đó hoành hành. Vì rằng người nông dân rất thực tế, họ chỉ tin những gì đem lại lợi ích rõ ràng. HTX cũng vậy, nếu không “làm thực” thì sẽ khó có cơ hội thành công như thực tế thời bao cấp đã cho thấy.

Điều này cần phải được xem là một cảnh báo cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hợp tác xã không hình thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO