Huế xuân trên sắc giấy

Nguyệt Phạm 28/01/2017 14:45

Huế - cố đô thâm trầm và bình lặng có một không khí đón xuân không kém phần rộn ràng nhưng cái rộn ràng đó lẩn vào bên trong, chảy ngầm trong không khí se lạnh và trầm mặc của kinh đô xưa.

Sen tím Huế.

Nhiều lần ghé qua vội vã, Huế đọng lại trong tôi một ấn tượng xứ này như một dòng sông trôi chậm rãi đến bực bội đối với một du khách năng động và vui vẻ. Một lần tôi kiên nhẫn hòa nhập với Huế, ở Huế dài ngày hơn và quên cảm giác cũ và làm quen lại với một người quen cũ. Và tôi đã không phí công, chân dung mới thú vị và cởi mở xiết bao.

Tôi đến Huế vào những ngày giáp Tết, gặp ngay một trận áp thấp nhiệt đới. Trời lạnh và mưa nhẹ, cái u âm khiến Huế đã chầm càng chậm.

Buổi sáng, ngồi bên gánh cơm hến của một mệ già ở ven đường bên cạnh Trường Quốc Học. Hơi bốc nghi ngút từ nồi nước hến cùng với hơi ấm của than và câu chuyện phiếm của các cô các mệ, âm thanh lanh canh làm buổi sáng rộn ràng và vui hơn.

Cô nhà văn xứ Huế đi cùng tôi bảo rằng ở đây người ta thấy Tết rõ nhất bắt đầu từ bàn thờ. Bởi Tết đến người Huế quan trọng việc thờ cúng tổ tiên, Tết đến là dịp để người ta nhớ về tổ tiên và tỏ tấm lòng hiếu thảo với ông bà đi trước, chính vì vậy mà họ chăm sóc bàn thờ rất chu đáo. Đàn ông thì lo quét dọn sửa sang bàn thờ, trang thờ, đánh bóng lư đồng...

Phụ nữ trong gia đình lo đặt hoa giấy, hàng mã, áo mũ giày ở khắp các ban thờ trong nhà. Cũng chính vì lẽ đó mà ở Huế làng làm hoa giấy và các gia đình làm hàng mã truyền thống vào những ngày giáp Tết khá rộn ràng.

Theo sự hướng dẫn của cô nhà văn, tôi tìm đến làng làm hoa giấy lâu đời ở Huế - làng Thanh Tiên. Làng ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, để đến làng phải đi qua một cánh đồng vắng thanh bình.

Làng nhỏ, trước mỗi nhà đều có trồng cây cắt tỉa gọn gàng tạo thành hàng rào trông rất khéo. Trong nhà họ để từng chùm hoa giấy đã làm, bên cửa sổ các bà các cô đang khéo léo quấn từng cánh hoa rời tạo thành những bông hoa duyên dáng. Đám trẻ con trong nhà cũng lăng xăng theo người lớn dù chúng chỉ vui chơi và chọc phá lẫn nhau là chính.

Làng Thanh Tiên có truyền thống làm hoa giấy lâu đời cũng bởi xuất phát từ tập tục thờ cúng dân gian để cầu lành tránh dữ. Nhu cầu hoa cúng rất nhiều mà thời tiết ở đất này khắc nghiệt, không có hoa nở quanh năm nên người làng Thanh Tiên làm hoa giấy xem thử một giải pháp. Hoa giấy có thể làm bất cứ lúc nào và hoa giấy có thể nở quanh năm trên các trang thờ của mọi nhà vừa đẹp vừa kinh tế.

Làng chỉ làm hoa tập trung vào tháng Chạp, lúc nông nhàn. Tuy nhiên các công đoạn chuẩn bị được làm từ cuối Thu. Các thợ thủ công phải vót tre làm cành hoa, cắt cánh hoa, uốn từng cánh hoa, đến tháng Chạp họ bắt đầu khuấy hồ kết cánh thành các loại hoa gần gũi, những đóa đồng tiền, thược dược, lan, huệ, dã quỳ… bắt đầu khoe sắc xung quanh người thợ kết hoa bên cửa sổ.

Một nghệ nhân trong làng vừa thoăn thoắt làm hoa vừa cho hay, ngày trước làm hoa giấy cực hơn vì chiết màu từ cây cỏ, nguyên liệu thiên nhiên, rồi sau đó phải nhuộm màu lên giấy trắng để có màu của mỗi loại hoa. Ngày nay, người ta dùng giấy màu sẵn có nên làm hoa giấy cũng đơn giản hơn.

Cô bạn xứ Huế của tôi giải thích thêm, những loại hoa này chỉ cúng trên trang và dưới bếp. Trang gồm trang ông và trang bà, đây là nơi thờ thần độ mạng của gia chủ.

Trang ông thờ Quan Công, trang bà thường thờ là Quán Thế Âm hoặc Mẫu. Còn ở bàn thờ tổ tiên người ta cúng hoa sen giấy. Làng Thanh Tiên nổi tiếng với sản phẩm hoa sen giấy làm rất kỳ công và được khắp nơi yêu thích.

Bắt đầu từ 20 tháng Chạp, các bà các cô chở từng cây hoa to qua bến đò Bao Vinh vào phố bán. Và từ đó, muôn cánh hoa rong ruổi khắp các nẻo đường rồi theo chân bà nội trợ vào mỗi góc nhà góp sắc xuân thêm nồng.

Buổi sáng, trong màn sương bao phủ khắp nẻo đường, những cây hoa nhiều màu sắc rực rỡ di động trong sương lạnh như một nét nhạc vui bỗng vút lên trong bản nhạc trầm buồn.

Riêng về đồ mã để cúng ông bà, tổ tiên cũng vô cùng phong phú và thú vị. Hàng mã không có làng nghề như hoa giấy. Những nghệ nhân làm áo mũ, giày và đồ dùng cho người đã khuất thường mang tính chất cha truyền con nối từ đời này sang đời khác.

Tôi gặp Hữu Tấn, chàng trai trẻ đã tốt nghiệp đại học nhưng cuối cùng anh bạn trẻ không đi theo ngành học mà về nối nghiệp gia đình làm bạn với giấy màu và hồ dán để tạo nên những chiếc mũ cánh chuồn, giày và quần áo. Anh bạn trẻ nói theo nghề vì gia đình làm nghề truyền thống, mẹ già yếu không thể làm được nhưng khách quen trong vùng vẫn đến đặt đồ cúng, mình không làm thì ai làm. Vả lại, cậu cũng không nỡ nhìn nghề truyền thống gia đình bị mai một.

Trò chuyện với chàng trai trẻ tôi mới biết thì ra các hoa văn trên áo mũ đều mô phỏng theo các hoa văn trên áo mão các quan thời xưa. Và một điều đặc biệt, cho dù các sản phẩm đồ mã ở các nơi khác đã thay đổi, cập nhật với xu hướng hiện đại với nhà lầu, xe hơi, điện thoại, quần áo thì âu phục nhưng ở Huế người ta vẫn làm áo mũ với ngựa kiểu truyền thống.

Có lẽ người ta sẽ cho rằng Huế không thức thời, không hòa nhập với xu hướng thời đại. Nhưng theo tôi, người Huế có chút cực đoan nhưng Huế chính là muốn giữ hồn cốt dân tộc mình vì tương lai. Bởi dù có hiện đại đến đâu, một dân tộc biết giữ hình ảnh truyền thống, biết giữ cái hồn riêng của mình mới là một dân tộc vững vàng và không lẫn vào dân tộc nào trên đường phát triển.

Ba mươi Tết nhà cửa tươm tất, sân vườn gọn gàng sạch sẽ, cửa nhà được khoác màu sơn mới, cây cối hàng rào cắt tỉa tươm tất.

Việc chợ búa thì đơn giản vì ngày nay mồng Hai người ta đã nhóm chợ bán đồ tươi nên chỉ cần chuẩn bị vài món ngâm chua ngọt như dưa món, thịt heo ngâm nước mắm, cá ngừ ngâm nước mắn, bánh tét và chuối hột ngâm rượu để có uống vài ly rượu mừng xuân với nhau cho nồng ấm.

Trên bàn thờ người Huế có hoa, trái cây các loại, đặc biệt không thể thiếu chuối, vì vậy mà chuối vào dịp Tết ở Huế rất đắt, ngược lại hoàn toàn với quan niệm của người Nam, người miền Nam kỵ cúng chuối ngày đầu năm.

Ngoài ra họ còn chưng bánh in đậu xanh bọc trong giấy kiếng màu. Bánh được xếp thành hình tháp và bọc lại thật đẹp. Vậy là mọi thứ đã sẵn sàng đón năm mới, sáng hôm sau ngủ dậy khoác áo mới và xuất hành ra đường với tâm thế thật nhẹ nhõm.

Huế ngày đầu năm nơi đông và vui nhất chính là nghĩa trang. Điều này cũng dễ hiểu bởi người Huế xem trọng tổ tiên ông bà, Tết họ ăn mặc đẹp cùng gia đình đi viếng mộ, để người đã khuất biết rằng con cháu mình hạnh phúc và những bậc ông bà cũng mãn nguyện, ấm lòng.

Dù là Xuân nhưng Huế vẫn bình lặng, thậm chí ngoài phố có phần vắng vẻ hơn những ngày thường bởi các sinh viên đã về quê. Nhưng sự vắng vẻ đó trả lại cho nơi đây vẻ đẹp tinh khiết.

Buổi sớm, ngoài phố ai nấy rộn ràng áo mới viếng chùa. Huế có khá nhiều chùa nhưng người ta vẫn muốn thắp một nén hương ở chùa Thiên Mụ, nghe tiếng chuông chùa ngân vang trong khí trời se lạnh trong lành bởi sự linh thiêng và lâu đời của nó. Còn một lý do nữa là ở đây phong cảnh hữu tình, chùa tọa lạc ở vị trí khá cao và dòng Hương Giang ngay trước cổng chùa.

Khuôn viên chùa rất rộng, người bạn trẻ thì ăn mặc thật lịch sự, đẹp đẽ và trẻ trung, những phụ nữ lớn tuổi nền nã trong tà áo dài truyền thống bạn sẽ thấy một Huế vừa năng động vừa đằm thắm trong nắng xuân.

Thắp một nén hương cùng lòng thành kính bay lên giữa đất thiêng thấy lòng nhẹ nhõm. Đứng từ trên cao cánh hữu của chùa Thiên Mụ, phóng tầm nhìn xuyên qua những nhánh cây, ngắm dòng Hương Giang uốn lượn êm đềm trôi trước mắt. Trạng thái tĩnh tại đó cho ta thật nhiều năng lượng tốt để khởi đầu một năm mới thuận lợi và hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huế xuân trên sắc giấy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO