Hướng đi mới ở Đăk Hà

Quang Thái 05/08/2018 08:00

Huyện Đăk Hà được biết đến như là một “thủ phủ cà phê” của Kon Tum, trở thành cây kinh tế chủ lực của huyện. Nhưng trong những năm gần đây, ngành thủy sản tại đây đã được chú trọng đầu tư phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Hướng đi mới ở Đăk Hà

Nuôi cá lồng bè mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con.

Bên cạnh cây cà phê, ngành thủy sản tại huyện Đăk Hà cũng đang dần chiếm vị thế quan trọng trong nền kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nhiều người dân.

Mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống ao nuôi cá quy mô và bài bản, trong nhiều năm qua, ông Hoàng Danh Chuyền, tổ dân phố 5, thị trấn Đăk Hà đã và đang “ăn nên làm ra” với mô hình phát triển thủy sản của mình. Đến nay, trên diện tích hơn 2 ha, gia đình ông đã đầu tư xây dựng kiên cố 8 hồ nuôi bài bản.

Theo ông Hoàng Danh Chuyền, việc đầu tư vào thủy sản có nhiều mặt lợi ích, bên cạnh chủ động nguồn nước tưới tiêu cho diện tích cà phê của gia đình, nguồn lợi kinh tế từ chăn nuôi cá cũng rất tốt. Đặc biệt, tận dụng được diện tích mặt nước, nguồn nước dồi dào hiện có tại địa bàn huyện Đăk Hà.

“Trước đây, gia đình đầu tư thủy sản ít, nhưng càng ngày càng mở rộng ra. Thứ nhất để lấy nước tưới cho cây cà phê, cây công nghiệp. Thứ hai là kết hợp nuôi thủy sản để tăng thu nhập cho gia đình. Những năm gần đây gia đình nuôi một năm trừ chi phí đi cũng thu về khoảng 300- 400 triệu đồng tùy theo từng năm và từng vụ. Phát triển thủy sản có hai cái lợi thế, thứ nhất là có nguồn nước tưới cà phê ổn định. Thứ hai là tăng thu nhập cho gia đình.”, ông Chuyền cho biết.

Cũng thực hiện đầu tư vào chăn nuôi thủy sản nhưng không có diện tích đất để cải tạo thành ao hồ nuôi, gia đình anh Phạm Văn Thiện ở xã Đăk Ngọc phát triển thủy sản bằng cách đấu thầu diện tích mặt nước tại đập nước của Công ty cà phê trên địa bàn huyện. Sau gần 3 năm, dù chưa có mức thu nhập chính xác nhưng cũng cho thấy sự ưu việt của thủy sản so với chăn nuôi gia súc, gia cầm khác.

Theo anh Thiện, thuận lợi của ngành thủy sản ở đây là luôn có nguồn nước ra, nước vào liên tục. Nguồn lợi mà con cá mang lại là khá tốt so với những con chăn nuôi trên bờ như: heo, trâu bò thì nó khá hơn. Bên cạnh đó, việc nuôi trồng thủy sản ở đây thuận lợi nữa là có các đại lý giống, thức ăn và thu mua tại chỗ nên mình rất yên tâm.

Có thể nói, ngành thủy sản trên địa bàn huyện Đăk Hà đang cho thấy hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều xã trở thành xã điểm về thủy sản như xã Đăk Ngọk đã có 120 hộ nuôi cá với diện tích 21 ha ao, hồ.

Nhờ có thế mạnh về nguồn nước, phong trào nuôi cá nước ngọt ở địa bàn các xã phát triển rất mạnh mẽ. Nhiều xã đã thành lập được các tổ hợp tác chuyên nuôi trồng thủy sản và được bà con tích cực tham gia. Bên cạnh đó, tổ hợp tác đã được các doanh nghiệp đứng ra hỗ trợ con giống cũng như thức ăn để thu hút hộ nghèo tham gia. Qua đánh giá, những hộ tham gia nuôi trồng thủy sản của tổ hợp tác có thu nhập bình quân từ 4 – 4,5 triệu đồng một tháng.

Ông Lê Thế Cương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho hay, huyện sẽ tiếp tục phát huy những lợi thế về mặt nước tận dụng tối đa các mặt nước hiện có ở các lòng hồ và các hồ chứa, các ao hồ nhỏ trong hộ gia đình. Đồng thời, phát huy các kinh nghiệm của bà con nhân dân trong phát triển thủy sản để tiếp tục đưa sản lượng thủy sản của huyện Đăk Hà phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng đi mới ở Đăk Hà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO