Hướng mở cho nông sản xuất khẩu

N.Quang 15/08/2016 07:20

Vào thời điểm năm 2010, quy mô gạo Việt Nam xuất khẩu gấp 7,1 lần rau quả. Những tưởng, với thế mạnh xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, rau quả xuất khẩu chỉ là thứ yếu. Nhưng, cho đến hết 2015, gạo chỉ xuất khẩu gấp 1,5 lần rau quả. Và, 7 tháng đầu năm 2016 thì quy mô xuất khẩu của gạo đã thấp hơn. Sự “đổi ngôi” của nông sản xuất khẩu hé mở một hướng đi mới.

Hướng mở cho nông sản xuất khẩu

Thanh long được thị trường nhiều nước tiếp nhận.

1. Thống kê của cơ quan chức năng, quy mô gạo xuất khẩu của Việt Nam đã xuất hiện xu hướng giảm dần. Giai đoạn 2010 đến 2015, trung bình giảm 2,9%/năm. Trong khi đó, quy mô xuất khẩu rau quả lại tăng mạnh: trung bình 31,9%/năm.

Từ những con số cụ thể của giai đoạn 2010-2015, giới chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo năm 2016 có thể đạt 2,72 tỷ USD, còn của rau quả là trên 2,4 tỷ USD- gần ngang bằng. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào số liệu của riêng 7 tháng đầu năm 2016 thì kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 2,32 tỷ USD, cao hơn so với kim ngạch xuất khẩu gạo.

Về nguyên nhân xuất khẩu gạo sụt giảm, giới chuyên gia cho rằng trước hết đó là do ảnh hưởng xấu từ việc Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn, xâm nhập mặn, dẫn tới việc giảm sút sản lượng.

Trong khi đây là khu vực sản xuất, xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam. Cũng từ hạn hán, xâm nhập mặn, nông dân ĐBSCL đã chủ động giảm diện tích trồng lúa nước, chuyển sang các cây trồng khác, kể cả tăng vụ trồng rau quả. Cạnh đó, xuất khẩu gạo sụt giảm còn do một số nước trước đây nhập khẩu lớn lương thực của Việt Nam nay đã tăng sản xuất ở trong nước hoặc nhập khẩu gạo ở các nước khác. Việc Thái Lan giải tỏa lượng gạo tồn kho lớn cũng làm cho giá gạo xuất khẩu giảm.

Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp cho rằng đã đến lúc cần đẩy mạnh việc cơ cấu sản phẩm nông sản. Thay vì chỉ tập trung mở rộng diện tích trồng lúa thì phải kiên trì theo hướng tăng cường chất lượng để thu được lợi nhuận cao; đồng thời mở rộng diện tích trồng rau quả. “Đó là hướng mở cho sản phẩm nông nghiệp. Vừa đa dạng hóa sản phẩm, lại gia tăng tính cạnh tranh, đem lại nhiều nguồn thu hơn”- TS. Nguyễn Tiến Thỏa nhìn nhận.

2. Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, đến nay, rau quả Việt Nam đã có mặt ở 40 thị trường trên thế giới, trong đó 10 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.

Đây được coi là những mặt hàng nhập khẩu truyền thống sản phẩm nông sản của Việt Nam. Đáng chú ý, phía đối tác thương mại đã chủ động đến tận “hiện trường”, thống nhất cách sản xuất, mẫu mã hàng hóa nên sản phẩm tiêu thụ tốt. Trong số các thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch.

Thanh long của Việt Nam là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất:chiếm tới 58,8% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này.

Trong số các thị trường nhập khẩu nông sản thì Nhật Bản được đánh giá là khó tính bậc nhất. Rau quả vào được Nhật Bản phải qua nhiều khâu. Theo giới xuất khẩu nông sản thì nếu vào được thị trường Nhật Bản thì coi như cánh cửa các thị trường khác đã “mở toang”.

Thật đáng mừng là cho tới hiện tại, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ hai, sau Trung Quốc, với thị phần chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Không chỉ rau tươi, vải, ngô ngọt, ớt, hoa tươi, Nhật Bản còn rất chuộng một số sản phẩm nông sản của Việt Nam đã chế biến, như cà tím chiên, đậu bắp luộc... Gần đây, thị trường Nhật Bản lại rộng cửa hơn đối với thanh long, xoài đến từ Việt Nam.

Thị trường Mỹ cũng được xem là giàu tiềm năng cho nông sản Việt Nam. Không tính đến các mặt hàng thủy sản, cà phê, điều... thì các sản phẩm rau tươi đang được chú ý. Việt Nam đã đệ trình danh sách 11 loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam lên Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS). Đến nay, thanh long (ruột đỏ và trắng), vải và nhãn của Việt Nam đã được cấp phép nhập khẩu vào Mỹ. Tương tự, Australia, New Zealand cũng đã nhập vải, nhãn, xoài và thanh long của Việt Nam. Riêng trái chôm chôm đang làm thủ tục cấp phép.

Theo ông Lê Quốc Doanh- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thời gian qua ngành rau quả nhận được rất ít sự quan tâm đầu tư, nhưng kết quả xuất khẩu lại hết sức ấn tượng và liên tục tăng trưởng. Nếu như năm 2013, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 900 triệu USD, thì một năm sau đó, tức vào năm 2014 đã đạt 1,47 tỉ USD và trong năm 2015 đã đạt 1,85 tỉ USD. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2016, trị giá xuất khẩu rau quả đã đạt 1,37 tỉ USD và khả năng xuất khẩu trong cả năm 2016 sẽ đạt đến 2,5 tỉ USD, tăng khoảng 650 triệu USD so với năm 2015.

Căn cứ vào thành quả đó, ông Doanh cho rằng nhiều khả năng xuất khẩu rau quả trong năm 2016 sẽ lần đầu tiên vượt qua lĩnh vực lúa gạo về giá trị, đồng thời lưu ý rằng, trong mấy chục năm qua, chúng ta quan tâm rất nhiều đến lúa gạo, còn cây ăn quả thì chưa chú trọng. Cho nên cần tập trung nhiều hơn vào đối tượng này vì “dư địa để phát triển vẫn còn lớn”.

Trong khi sản xuất và xuất khẩu gạo gặp khó khăn, sức ép cạnh tranh lớn thì việc mở hướng phát triển trồng rau, củ, quả là rất cần thiết. Hy vọng, với những gì đã đạt được và nhìn vào triển vọng xa hơn, những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sẽ được chú trọng ngay trên “sân nhà”, để có sức bật xa tới nhiều thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng mở cho nông sản xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO