Hướng nghiệp sớm để gỡ khó tuyển sinh

Vi Cầm 20/12/2022 06:40

Nhiều năm qua, một số ngành nghề như khoa học cơ bản, y tế công cộng, dịch vụ xã hội, khoa học tự nhiên, thủy sản hay môi trường… rất “khát” nhân lực nhưng lại vô cùng khó tuyển sinh.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Ngành tuyển sinh kém, thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm

Cuối tháng 9/2022, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng hệ thống xác nhận nhập học, nhiều ngành học chỉ tuyển được vài sinh viên. Đơn cử như Trường ĐH Mỏ - Địa chất tuyển 3.080 chỉ tiêu cho 42 ngành. Riêng ngành Kỹ thuật địa vật lý (điểm chuẩn 18) có 20 chỉ tiêu. Nhưng khi kết thúc thời gian xác nhận nhập học đợt 1, chỉ có 1 thí sinh xác nhận trong số 5 sinh viên trúng tuyển.

PGS.TS Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mỏ - Địa chất cho biết, số thí sinh đăng ký ngành này 2 năm trở lại đây đều chỉ khoảng 5 thí sinh trở xuống. Tương tự, đại diện Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên Trường ĐH Hùng Vương (TPHCM) cho hay, chỉ có 9 thí sinh xác nhận nhập học trên 13 thí sinh trúng tuyển ngành Quản lý bệnh viện. Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ngành này là 122. Còn với Trường ĐH Tây Nguyên mùa tuyển sinh 2022, nhiều ngành cũng chỉ có 3 đến 6 thí sinh xác nhận nhập học, như ngành Lâm Sinh (3), Chăn nuôi (6), Công nghệ sinh học (5), trong khi chỉ tiêu tuyển sinh từ 40 đến 60. Đây cũng là những ngành học có điểm chuẩn thấp nhất trong mùa tuyển sinh ĐH năm nay, từ 15 - 16 điểm (tính cả điểm ưu tiên).

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022 có 45/420 ngành đào tạo ĐH tuyển sinh kém. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, phần lớn cơ sở đào tạo tuyển sinh kém trong đợt 1 năm 2022 này cũng tuyển sinh kém trong 2 năm gần đây. Thống kê cũng cho thấy, trong 3 năm liền, 4 lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định, trừ một số trường hợp ngoại lệ, phần lớn cơ sở đào tạo tuyển sinh kém trong đợt 1 năm 2022 này cũng tuyển sinh kém trong 2 năm gần đây. Phần lớn cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu là trường tư thục, chưa khẳng định được uy tín, thương hiệu. Bên cạnh đó một số trường công lập, phân hiệu không có lợi thế về địa điểm và lĩnh vực đặc thù. Hầu hết ngành tuyển sinh kém là những ngành hẹp, ngành mới đào tạo thí điểm hoặc một số ngành truyền thống nhưng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Lưu tâm việc hướng nghiệp và mở ngành mới

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, kết quả tuyển sinh của các cơ sở đào tạo phụ thuộc vào sự lựa chọn trường, chọn ngành của thí sinh và chiến lược tuyển sinh của mỗi trường. Do bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, nhất là của thị trường lao động, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành của thí sinh có dịch chuyển mạnh trong những năm gần đây. Nhiều trường nếu không nhận biết kịp xu hướng này và có điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành và chương trình, phương pháp đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh... sẽ không thu hút được thí sinh vào trường.

Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh các ngành mới. Nhiều ngành đào tạo truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp của Nhà nước để thu hút người học.

Trước mỗi mùa tuyển sinh ĐH, cao đẳng, với học sinh THPT câu hỏi chọn nghề gì luôn là vấn đề trăn trở. Đây là thời điểm các em đứng trước nhiều lựa chọn và dù chọn con đường nào thì cũng tác động rất lớn đến phát triển bản thân sau này. Vì vậy, tư vấn hướng nghiệp có vai trò quan trọng giúp cho học sinh nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, chọn được nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội.

Khi định hướng nghề nghiệp, học sinh sẽ cần xác định được một số yếu tố quan trọng đó là sở thích, đam mê, tính cách, năng lực, nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít học sinh đến khi sắp tốt nghiệp phổ thông rồi vẫn không biết mình thích nghề nào? Không hiểu mình hợp với ngành nào? Không hiểu phải học gì để làm một nghề nào đó. Vì vậy, các hoạt động hướng nghiệp và trải nghiệm nghề nghiệp từ sớm sẽ giúp ích cho các em rất nhiều.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới bắt đầu triển khai ở lớp 10 năm nay. Một trong những mục tiêu là đào tạo theo định hướng nghề nghiệp. Nếu làm tốt hướng nghiệp ngay từ trong trường phổ thông sẽ góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, làm trái ngành trái nghề của sinh viên ra trường.

An Giang: Hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật

Trẻ em khuyết tật là đối tượng cần nhận được sự quan tâm, chia sẻ nhiều nhất của xã hội. Công tác hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian qua luôn được thực hiện, giúp các em hòa nhập cộng đồng, tự chủ hơn trong cuộc sống, tự nuôi sống được bản thân, trở thành người có ích cho xã hội sau này. Để công tác này thực sự hiệu quả, Trường Cao đẳng Nghề An Giang phối hợp Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Ngày hội hướng nghiệp hòa nhập, với sự tham gia của học sinh khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Tại ngày hội, các em tham gia trải nghiệm chế tạo robot đi bộ, tổ chức cuộc đua kỳ thú… Đồng thời tham quan, tìm hiểu môi trường học tập, nghiên cứu ngành nghề mà Trường đang đào tạo, học bổng và cơ hội việc làm… Đặc biệt, các em rất thích thú khi được tham quan xưởng thực hành nghề, để hiểu rõ hơn về ngành nghề mình mong muốn theo học.

M.K

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng nghiệp sớm để gỡ khó tuyển sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO