Hướng ra biển

Lục Bình 17/04/2017 09:15

Cuối năm 2016 Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Mỗi đặc khu kinh tế này sẽ lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, tạo động lực phát triển mới, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước. Nhưng không phải địa phương nào cũng được như kỳ vọng.

Những khu nghỉ dưỡng cao cấp đã xuất hiện tại Phú Quốc.

Tuy nhiên, với việc mới đây Chính phủ quyết định đầu tư mạnh để Phú Quốc trở thành một đặc khu kinh tế đã cho thấy một chiến lược kinh tế biển của đất nước là rât rõ ràng.

Với một đất nước có bờ biển dài hơn 3.200km, phát triển kinh tế biển là điều kiện tiên quyết. Muốn phát triển kinh tế biển phải tạo ra những vùng trọng điểm, tạo động lực phát triển, lan tỏa cho cả vùng.

Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là những địa điểm thích hợp để áp dụng những chính sách đặc thù tạo cú hích để phát triển kinh tế địa phương, của cả vùng cũng như kinh tế-xã hội của đất nước trong tương lai. Rất nhiều cơ chế mở để những vùng đất này phát huy thế mạnh, thực hiện sứ mệnh tạo động lực, tạo sức lan tỏa cho cả 3 vùng kinh tế Bắc-Trung-Nam.

Ý thức được trách nhiệm lớn lao của mình, Phú Quốc từ một “viên ngọc thô”, với hàng loạt dự án được đầu tư trong vòng mười năm nay, đảo Phú Quốc dần trở thành một viên ngọc lấp lánh, thu hút các nhà đầu tư lớn.

Còn nhớ, vài năm trước, để kiếm được chỗ tổ chức một hội nghị quy mô vừa ở Phú Quốc là rất khó, do không đủ phòng khách sạn, không có trung tâm hội nghị đủ lớn và thiếu chuyến bay.

Nhưng giờ thì mọi thứ đã thay đổi, Phú Quốc đã trỗi dậy, trước hết là với đất nước và kỳ vọng sau này là điểm đến của cả Đông Nam Á. Quá nhiều nhà đầu tư có máu mặt ở Việt Nam, trên thế giới ồ ạt đổ về Phú Quốc, biến hòn đảo này thành khu kinh tế năng động chưa từng có.

Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “so với cả nước và với Kiên Giang, Phú Quốc đi trước một bước về phát triển, là ngọn cờ đi đầu trong phát triển về mô hình mới ở Việt Nam, là mô hình đi trước của 3 khu hành chính - kinh tế đặc biệt”. Thủ tướng cho rằng, những gì mà Kiên Giang và các nhà đầu tư lớn làm được ở Phú Quốc vừa qua đã tạo nên nền móng cho sự phát triển.

Để trở thành thỏi nam châm hút các nhà đầu tư hẳn Phú Quốc có cách làm đặc biệt. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết: Kiên Giang xác định sẽ xây dựng Đề án về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc theo mô hình phát triển kinh tế hướng ngoại, độ mở cao.

Theo đó, Nhà nước ít can thiệp vào thị trường, vận hành theo nguyên tắc thị trường là chính, có cơ chế, chính sách đột phá về kinh tế. Phát triển Phú Quốc với trụ cột chính là công nghiệp giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính-ngân hàng và kinh tế biển.

“Mục tiêu là bằng các chính sách ưu đãi đặc biệt, vượt trội, đủ sức cạnh tranh quốc tế để xây dựng và phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á theo mô hình kinh tế mở, hướng ngoại trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Trong khi Phú Quốc đã “cướp cờ” chạy nước rút trên đường đua trở thành đặc khu thì 2 khu kinh tế biển còn lại đã được xác định là Vân Đồn và Vân Phong phát triển chậm hơn nhiều.

Với Vân Đồn, những năm gần đây để chuẩn bị hướng đến là một đặc khu kinh tế, Vân Đồn cũng đã khởi động một số dự án để thực hiện nhiệm vụ trở thành khu kinh tế năng động của vùng Đông Bắc. Tuy nhiên, với khu kinh tế Vân Phong hoạt động đầu tư có vẻ im ắng hơn.

Để thực hiện sứ mệnh của đặc khu kinh tế, còn rất nhiều việc phải làm, Nhà nước, Chính phủ cần những chính sách đặc thù và dành ưu tiên nguồn lực cho các đặc khu kinh tế.

TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần phải hiểu đặc khu kinh tế là một khu vực kinh tế nằm trong một nền kinh tế của quốc gia.

Đặc khu này sẽ phát triển dựa trên cơ chế, thể chế đặc biệt để có thể tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư.

Trong bối cảnh hội nhập hoàn toàn, độ mở của nền kinh tế không còn quá quan trọng và có giá trị thu hút nguồn lực đầu tư, việc xây dựng những đặc khu kinh tế với những cơ chế, thể chế đặc biệt, chắc chắn sẽ tạo ra cú hích để thu hút nguồn lực thay vì chạy đua ưu đãi tràn lan, kém hiệu quả như trước.

Như vậy, sau Phú Quốc, các vùng hy vọng biển đảo của đất nước sẽ được đầu tư mạnh mẽ hơn, trong chiến lược kinh tế hướng biển. Bài học thành công của Phú Quốc sẽ rất bổ ích khi chúng ta phát triển nhiều hơn những cụm đảo, huyện đảo trong một tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng ra biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO