Hướng tới điện mặt trời

Bích Hạnh 04/07/2017 08:00

Với nhu cầu ngày càng tăng của năng lượng điện, ngành năng lượng điện mặt trời đang mở ra hy vọng là nguồn cung ứng chính của tương lai, bên cạnh điện gió, và thị trường cũ là thủy điện, điện than. Đây cũng là hiệu ứng tích cực trong bối cảnh mua điện từ bên ngoài và giá cho mỗi megawatt (MW) ngày một tăng.

Ảnh minh họa.

Một thực tế, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng. Nhu cầu tăng cao, đang gây áp lực rất lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng, tạo sức ép lớn cho nền kinh tế.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, nhu cầu về điện của Việt Nam đã tăng lên rất nhanh với mức trung bình là 13%/năm giai đoạn 2006 – 2010, 11% giai đoạn 2011- 2015. Hiện sản lượng điện cả nước đạt 160 tỷ kWh/năm, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 30 trên thế giới, nhưng tính bình quân đầu người ở mức thấp, chỉ đạt 1.750 kWh/người/năm, trong khi tại Thái Lan là 3.500 kWh/người/năm, tại Mỹ là 12.000 kWh/người/năm.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, sản lượng điện cả nước sẽ đạt 240 tỷ kWh và năm 2030 đạt 500 tỷ kWh... Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là các nguồn năng lượng sơ cấp đã cạn kiệt. Thủy điện sụt giảm khi khai thác gần hết. Khí dùng để phát điện sau năm 2020 sản lượng sẽ giảm và chắc chắn phải nhập khẩu với chi phí cao. Than cũng phải nhập khẩu nhiều để đáp ứng cho các nhà máy điện. Gần 60% điện hiện nay được mua từ Trung Quốc. Giá kWh phụ thuộc vào tình hình thị trường nhưng có xu hướng tăng từng năm…

“Việc cung cấp than cho điện sẽ rất căng thẳng. Nhiệt điện than chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện sản xuất. Theo tính toán, đến 2025 cần 95 triệu tấn than và năm 2030 cần 129 triệu tấn than để phát điện. Song sản lượng than sản xuất trong nước vào năm 2025 khả năng chỉ đạt khoảng 50 triệu tấn và năm 2030 đạt 57 triệu tấn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường điện. Đã đến lúc, Việt Nam phải tính toán đến nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, tương lai là điện hạt nhân” - ông Lê Tuấn Phong, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho biết.

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo điện mặt trời, có lẽ là giải pháp cấp bách hiện nay. Cụ thể, Việt Nam lên kế hoạch triển khai 20 dự án điện mặt trời tại Tây Ninh (324MW), Bình Thuận (300MW), Ninh Thuận (300MW), Huế 30 (MW), Gia Lai (49MW),… với suất đầu tư tối đa 20 tỷ đồng/MW, tỷ lệ hoàn vốn (IRR) đạt từ 15% trở lên, thời gian hoàn vốn dưới 12 năm. Các dự án này sẽ bắt đầu khởi công vào quý IV năm 2017.

“Đến năm 2020, các nhà máy xây mới sẽ dự tính có công suất khoảng 1.000 MW điện mặt trời, 40MW điện gió còn lại là 222MW thủy điện chiếm và nhiệt điện 150MW. Chỉ tính khi nhà máy điện Lai Châu đi vào hoạt động đã tiết kiệm 5.000 tỷ đồng. Điện mặt trời sẽ giảm nhiệt cho thị trường năng lượng hiện nay”- Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng

Trong năm 2016 và đầu năm 2017, các quốc gia trên thế giới đầu tư khoảng 200 tỷ USD vào năng lượng tái tạo. Tại Việt Nam, đây là thị trường mới, là cơ hội mở ra cho các nhà đầu tư, đặc biệt khi điện mặt trời được coi là năng lượng sạch, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, vấn đề các nhà đầu tư quan tâm, được đặt ra tại Hội nghị năng lượng tái tạo cách đây ít lâu, là cơ chế chính sách phải phù hợp với thực tiễn. Thời gian hoàn vốn được xem xét với từng dự án cụ thể. Đây cũng là bất cập khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về một câu chuyện đã từng xảy ra vào thời điểm 2009-2010 là “điện tạo sản xuất ra để cắm xuống nước”, “Hay 100 người bán, 1 người mua”. Nhu cầu điện tăng ngày một tăng, thị trường cần thay đổi về hành động và thực hiện.

Theo đề án quy hoặc năng lượng, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện của Việt Nam vào khoảng 129.500MW. Trong đó công suất các nguồn thủy điện khoảng 27.800 MW, năng lượng điện tái tạo khoảng 28.000 MW (bao gồm thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió, sinh khối và đồng phát), điện khí khoảng 19.000 MW và nhập khẩu khoảng 2.000 MW.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng tới điện mặt trời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO