Hương trà cao nguyên

Vương Tâm 12/08/2021 19:00

Thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) từ xưa được gắn với cái tên là “thủ đô trà” của phương Nam. Những cây chè đầu tiên đã được trồng tại đồn điền người Pháp từ năm 1930. Bảo Lộc ở giữa trục đường trên cao nguyên Di Linh. Từ huyện Đà Tẻ lên tới Đà Lạt điệp trùng núi non và rừng cây. Nổi bật là những đồi chè xanh mướt quanh co thơ mộng như tranh vẽ trong màn sương bồng bềnh trên cao.

1. Bảo Lộc một thời còn là thủ phủ của xứ Cao nguyên Trung phần. Đây là khu vực rộng lớn của bộ tộc người Mạ với nền văn hóa độc đáo. Bên cạnh nhạc cụ đàn đá, người Mạ còn có một bảo tàng thần thoại, dân ca và trường ca đặc sắc. Hơn thế nữa những di chỉ khảo cổ ở thánh địa Cát Tiên đã chứng minh một thời “Vương quốc Mạ” đã từng hùng cứ trên rẻo cao nguyên Di Linh rộng lớn.

Những người Mạ ở Bảo Lộc, Bảo Lâm và Di Linh chính là tộc người làm trà đầu tiên khi được người Pháp cho gieo trồng trên đất họ sinh sống. Người Mạ đã từng hát về những vườn chè: “Trong đồng nội, ngàn cỏ tranh thổi bụi/ Chốn rừng thưa, êm phủ thảm nhung/ Chốn R’ling cất cánh bay hương...”.

Đất đỏ bazan ở độ cao chừng hơn 800 mét của xứ B’Lao (Bảo Lộc) xưa rất thích hợp với cây chè và cà phê. So với đất đồi son đỏ ở vùng chè Thái Nguyên thì cây chè ở Bảo Lộc khỏe hơn và phát triển nhanh. Tuy không có cái nét tinh tế đặc sắc hương ngọt vị cốm của chè Thái nhưng Bảo Lộc lại có ưu việt riêng mà không nơi nào sánh được. Càng ngày cây chè ở Bảo Lộc càng phát triển mạnh nhất là vào giai đoạn đầu thập niên 50 khi người Bắc di cư vào nam và lên vùng đất Tây Nguyên khá đông. Họ khai phá rừng hoang tạo nên những đồi chè chạy dọc trục đường quốc lộ để thuận tiện giao thông đưa chè về Sài Gòn và Lục tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Sau này những đồi chè phát triển rộng lan đi mấy huyện và bám theo dòng sông Da R’Nga cùng những con suối lớn chảy quanh để lấy nước tưới tiêu. Những đồi chè tạo nên bông hoa khổng lồ xanh mướt mơ cánh rộng tới 20 cây số bao quanh thành phố Bảo Lộc. Nếu đi dọc trên trục đèo Bảo Lộc dài chừng mươi cây số ta cũng có thể ngắm nhìn những đồi chè điệp trùng trong sương bay. Khi nhập vào trục đường phố Trần Phú chạy dài tới ngã ba đi Đà Lạt thì ắt hẳn ai cũng ngạc nhiên khi thấy hàng trăm cửa hàng trà mọc lên ngan ngát hương thơm.

Đặc biệt tới vùng trà Đăm Bri cách thành phố Bảo Lộc chừng 18 cây số mới thấy nét thơ mộng và kỳ thú của những đồi chè bên dòng suối trong vắt. Vùng đất Đăm Bri có ngọn thác lớn nhất Lâm Đồng chính là tộc bản của người Mạ sinh sống hàng trăm năm ở đây. Họ chính là những người thưởng thức hương vị chè đầu tiên ở xứ này. Những người Mạ còn gắn câu chuyện tình bi thương khi sinh thành con thác với vị chát đắng của cây chè. Bởi đó chính là nước mắt của cô gái đã chết cho mối tình không thành của mình.

2. Cây chè ở Bảo Lộc cho hương vị ngọt hậu tự nhiên ngay từ những búp chè làm thô khi mới hái về. Sau này người ta còn xây cả xưởng chế biến chè tại chỗ. Họ đóng gói trà mộc rồi chở đi cho các nơi chế biến hay ướp hương thành phẩm.

Trước đây, những chủ hàng đầu tiên ở Bảo Lộc chỉ chế biến trà hương với những loài hoa quen thuộc như sói, ngâu, lài... Đó là những đặc sản trà hương mang thương hiệu B’Lao nổi tiếng. Họ là những nhà cung cấp với các hình ảnh mang thương hiệu như “Chim bồ câu trắng” (chủ Đỗ Hữu), hay “Con voi vàng” (chủ Quốc Thái), hoặc “Rồng vàng”, “Đầu trâu”... Một thời nhà nhà đua chen trồng chè và chế biến tạo nên những hương vị khá phong phú cho vùng chè Bảo Lộc. Trục đường quốc lộ 20 nườm nượp những đoàn xe đón những bao tải chè đưa về lục tỉnh. Một vương quốc chè B’Lao hình thành. Người ta còn ví trục đường Trần Phú kéo dài từ cuối đèo Bảo Lộc tới ngã ba đường Lê Hồng Phong là con đường thơm.

Một bài hát về thành phố Bảo Lộc luôn vang lên từ đây với biểu tượng chiếc bình trà ở đầu thành phố, rằng: “Mênh mông một màu xanh/ Bạt ngàn đồi nương, ngan ngát hương trà/ Trong sương sớm bồng bềnh/ Thơm mãi môi người vị chát đầy yêu thương”

Đặc biệt vào giữa thập niên 90, những ông chủ Đài Loan (Trung Quốc) đã đem công nghệ và giống chè Ô Long vào đất Bảo Lộc đã làm thay đổi hẳn những thói quen thưởng trà hương xưa. Sự biến động này đã đem lại lợi ích kinh tế không ngờ cho vùng chè Bảo Lộc mà ít vùng có thể may mắn như thế. Đầu tiên phải nói đến vùng đất đỏ bazan được hình thành từ những dung nham núi lửa rất phù hợp với giống chè Ô Long. Thị trường Đài Loan, Trung Quốc là xứ sở hùng cường với hàng chục giống chè. Đặc biệt là chè Ô Long với các sản phẩm độc đáo như Ô Long tứ quý; Ô Long Kim Tuyên hay Ô Long thuần chủng; hoặc Thiết Quan Âm, Đại Hồng Bào... Chúng được hội nhập nhanh chóng vào Bảo Lộc gây ảnh hưởng tốt cho nền văn hóa trà Việt chứ không chỉ riêng mảnh đất cao nguyên này.

Khác hẳn với hương vị trà hương ở Bảo Lộc và các loại chè xanh phía Bắc, chè Ô Long cho hương vị đa dạng gần với thiên nhiên. Không đậm chát mà dịu thơm do chế biến trà chỉ cho lên men một nửa. Vậy nên Trà Ô Long có mùi hương hoa tự nhiên và vị ngọt nhẹ tùy cách chế biến. Hiện nay trà Ô Long trở thành đặc sản của Bảo Lộc. Tuy hiện nay ở một số vùng trà bắc như Thái Nguyên, Mộc Châu, Hà Giang, Sa Pa cũng nhập công nghệ sản xuất trà Ô Long nhưng hương vị của Ô Long Bảo Lộc vẫn dị biệt khác hẳn. Có lẽ chính là thổ nhưỡng bazan đã tạo nên hương vị riêng.

Chất lượng trà Ô Long ở Bảo Lộc không kém gì trà Ô Long Cao Sơn nhập ngoại. Bởi lẽ theo quy trình trồng trọt để lấy được sản phẩm cây chè Ô Long sạch ở Bảo Lộc người nông dân phải chăm sóc giống chè này rất kỳ công với quy trình mỗi năm phải tưới cây chè bằng sữa bột, trứng gà; hoặc còn ủ phân bằng hạt đậu nành...

Bây giờ, xen kẽ những đồi chè búp thông thường là những đồi chè giống Ô Long tươi tốt xanh xanh vươn tới chân trời. Nhiều hãng chè lớn ở Bảo Lộc cũng cạnh tranh với các ông chủ Đài Loan để nâng cao chất lượng và thương hiệu Ô Long, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Nào hãng Quốc Thái, Trâm Anh, Vũ Phúc, hay Tâm Châu, Phú Toàn, hoặc Thiên Thanh, Ngọc Trang đều tập trung chế biến trà Ô Long với hương vị riêng của mình. Họ làm cho sản phẩm trà rất đa dạng và có sức cạnh tranh lành mạnh tiến tới chiếm lĩnh thị trường toàn quốc và xuất khẩu sang các nước.

3. Hơn 20 năm qua, thị trường trà nhắc đến Bảo Lộc là nói đến trà Ô Long như một đặc sản chứ không phải cà phê. Bảo Lộc không những được tôn vinh là “Vương quốc trà” mà còn được mệnh danh là thành phố tơ lụa. Vậy nên cứ hai năm một lần, bắt đầu từ năm 2005, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Festival trà và tơ lụa ở thành phố Bảo Lộc. Tuần Văn hóa trà và tơ lụa Lâm Đồng với những hoạt động tôn vinh những đặc sản của Bảo Lộc cũng như hoa ở Đà Lạt. Đây là một ngày hội của các cô gái nông trường chè. Họ thi tay nghề và ca hát bên những đồi chè thân quen. Bên bếp lửa hồng các nàng tiên phố núi luôn ửng hồng đôi má và bàn tay họ như múa trên các chảo gang sao chè. Hương dần bay lên với những cung đàn phố núi: “Xanh đã xanh nghiêng phương trời xa/ Vàng đã vàng thơm hương vị trà/ Vị cốm ai trao ngày tôi đến/ Búp tay người ríu rít lửa hoa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hương trà cao nguyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO