Hút kiều hối bằng chính sách thông thoáng

Việt Thắng 16/10/2016 09:15

9 tháng đầu năm 2016, lượng kiều hối chuyển về TP HCM (nơi thu hút lượng kiều hối nhiều nhất cả nước) qua các kênh chính thức đã đạt khoảng 3,25 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2015. Nhưng làm sao để thu hút được nguồn lực đầu tư về nước nhiều hơn thì rất cần những chính sách thông thoáng, cởi mở.

Bà con Việt kiều về thăm quê hương ngày một nhiều.

Từ năm 2013 cho đến nay, tổng lượng kiều hối chuyển về nước chiếm từ 6%-7% GDP, gần bằng mức thực hiện của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và cao gấp hơn 2 lần so với mức giải ngân vốn phát triển không hoàn lại (ODA). Đặc biệt, kiều hối năm 2015 tăng mạnh cũng đã được các chuyên gia cũng như cơ quan quản lý dự báo khi các kênh đầu tư trong nước hồi phục, nhất là kênh đầu tư bất động sản với tác động tích cực từ chính sách cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam kể từ ngày 1/7/2015 theo Luật Nhà ở. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, Việt Nam cần có chính sách toàn diện hơn để hướng dòng kiều hối trên 12 tỷ USD/năm chảy vào sản xuất kinh doanh bởi đây là nguồn lực quan trọng cho đất nước.

Kiều hối đóng vai trò lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi các nguồn tiền từ vốn vay ODA không phải cho không, biếu không mà là cho vay dài hạn, còn vốn FDI là đầu tư nhằm mục đích kinh doanh kiếm lời và cuối cùng sẽ chuyển trả về nước ngoài. Để thu hút được nguồn vốn FDI, Việt Nam phải trả bằng quá nhiều ưu đãi thì kiều hối là nguồn tiền không phải hoàn lại. Do đó, nếu hướng được kiều hối vào sản xuất sẽ là nguồn lực rất lớn thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Để thu hút lượng kiều hối về nước giải pháp quan trọng theo các chuyên gia kinh tế trước hết cần phải ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách chính sách, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, tức là tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, giảm chi phí giao dịch doanh nghiệp. Đặc biệt, phải coi kiều hối là nguồn tài chính hùng hậu có thể giúp nền kinh tế phát triển thông qua kênh kinh tế dân doanh của mỗi hộ gia đình. Nên có chính sách đặc biệt thu hút và vận dụng kiều hối vào phát triển kinh tế, tức phải có chính sách ưu đãi đối với kiều hối không kém hơn đối với FDI, đồng thời phải có chính sách ứng xử với Việt kiều như thế nào cho phù hợp, tạo được lòng tin.

Đại sứ Phạm Quang Vinh (Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ- nước có lượng kiều hối gửi về Việt Nam nhiều nhất) nhìn nhận, chúng ta đang khai thác thị trường Hoa Kỳ một cách có lợi nhất cho Việt Nam. Xuất khẩu lượng hàng nếu tính về giá trị tuyệt đối có lẽ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện tại. Do đó, phải tiếp tục kết hợp thúc đẩy quan hệ chung về song phương lẫn tạo ra những sự mở rộng và thông thoáng đối với các hàng hóa xuất khẩu vào Việt Nam.

Theo ông Vinh, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo chủ trương của Đảng, trước đây là Nghị quyết 36 sau là Nghị quyết 45, coi kiều bào là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Nhưng điểm quan trọng là sự đổi mới phát triển của đất nước đã tạo ra những cơ hội mới. Sự đổi mới của Việt Nam, chủ trương chính sách coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam cho nên cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ.

“Tôi cho rằng những bà con về thăm thân, làm ăn, học tập, đóng góp cho Việt Nam, kể cả những người không có điều kiện về Việt Nam thì cũng có những đóng góp về cho quê hương đất nước, đóng góp về mặt chính sách, tài chính, nghiên cứu. Điều này chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hơn”-ông Vinh cho hay.

Còn theo Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn (Đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Nga), năm 2015 tổng giá trị kiều hối đưa về Việt Nam là 12,5 tỷ USD. Hiện nay chúng ta đang cần vốn, công nghệ mới. Chính sách thu hút đầu tư cũng là một chính sách cạnh tranh rất lớn giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực. Do đó phải có chính sách thu hút vốn và công nghệ mới. Cộng đồng người Việt ở trên khắp thế giới, phải coi sức mạnh cộng đồng là nội lực vì vậy cũng phải có chính sách cởi mở. Nếu ở đâu đó còn cơ chế chính sách chưa thông thoáng, chưa thu hút được bà con ở nước ngoài thì đó cũng là một thiệt thòi cho đất nước.

“Kêu gọi đầu tư vào Việt Nam đang là một thuận lợi tuy nhiên vẫn còn một số rào cản về thủ tục hải quan cần tiếp tục cải thiện hơn nữa, chính sách thuế cần tiếp tục cởi mở hơn để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư”- ông Sơn cho hay.

GS.TSKH Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, Việt Nam cần có chính sách toàn diện hơn để hướng dòng kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh bởi đây là nguồn lực quan trọng cho đất nước trong bối cảnh vốn FDI bước vào thời kỳ ổn định và vốn ODA giảm dần ưu đãi nên Việt Nam buộc phải giảm vay để bảo đảm nợ công.

Cũng theo ông Mại, cần mở rộng kênh giao tiếp trong nước cho người dân ra nước ngoài thuận lợi làm việc, cư trú, cũng như thiết lập kênh thông tin cho Việt kiều về chính sách đầu tư, tỷ giá hối đoái mới để họ cập nhật thông tin, làm căn cứ quyết định sử dụng đồng tiền gửi về. Đặc biệt, cần xem xét nới quyền cho Việt kiều được mua bán nhà để phát triển thị trường địa ốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hút kiều hối bằng chính sách thông thoáng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO