Huy động nội lực để giảm nghèo bền vững - Bài 2: Kỳ vọng giảm nghèo bền vững

Minh Quang 23/07/2019 15:40

Theo ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH), nói về những kết quả giảm nghèo đã đạt được trong thời gian qua, một dấu ấn đáng ghi nhận là chúng ta bắt đầu chuyển cách thức hỗ trợ người nghèo. Từ cách thức hỗ trợ theo hình thức áp đặt từ trên xuống, đã dần chuyển hướng sang tạo hành lang pháp lý, tạo cơ chế hướng dẫn thực hiện và giao phân cấp mạnh cho địa phương, cộng đồng tổ chức thực hiện.

Có thể thấy, từ sự đổi thay này đã xuất hiện những địa phương, khu vực có cách làm hay. Những mô hình giảm nghèo hiệu quả đang nhen nhóm kỳ vọng về việc giữ vững thành quả giảm nghèo trong cộng đồng.

[Bài 1: Lấy cộng đồng làm định hướng]

Huy động nội lực để giảm nghèo bền vững - Bài 2: Kỳ vọng giảm nghèo bền vững

Mô hình trồng rau sạch giảm nghèo của người dân ở Đồng Nai.

Khi cộng đồng cùng chung tay

Đơn cử như tại Hội nghị Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ - tổng kết thực hiện giao ước thi đua năm 2018 và ký kết giao ước thi đua năm 2019, theo đánh giá có 7 tỉnh trong Cụm đóng góp 15% vào thu ngân sách của cả nước; 60% số xã trong Cụm đạt chuẩn nông thôn mới (trung bình cả nước là 43%). Tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương trong Cụm thi đua thấp nhất cả nước, riêng tỉnh Bình Dương không còn hộ nghèo, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu số hộ nghèo chỉ chiếm 1%.

Theo báo cáo của Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ, năm 2018, các tỉnh trong Cụm thi đua đã thực hiện tốt các phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo”. Trong đó tỉnh Bình Phước hỗ trợ kinh phí mua và cấp hơn 52.000 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; tỉnh Đồng Nai xây dựng và bàn giao gần 240 nhà tình thương cho hộ nghèo; tỉnh Tây Ninh triển khai nhiều chương trình như: Hỗ trợ tín dụng ưu đãi, nhà ở, tiền điện cho hộ nghèo, cận nghèo…

Đáng chú ý hơn cả là tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong 5 năm qua, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng ở hầu hết các lĩnh vực. Ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho hay, Bình Dương hiện là địa phương duy nhất của cả nước được công nhận không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia. Đến cuối năm 2018, theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều của tỉnh, toàn tỉnh có 4.707 hộ nghèo (tỷ lệ 1,62%), trong đó hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh là 2.819 hộ (0,97%), hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 1.888 hộ (0,65%), hộ cận nghèo là 2.883 hộ (0,99%).

Bên cạnh việc thường xuyên thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động từ thiện, nhân đạo và công tác cứu trợ cũng được MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên thực hiện kịp thời, hiệu quả. Với phương châm “lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân”, Ban vận động “Ngày vì người nghèo” các cấp đã tuyên truyền, vận động, kêu gọi các tổ chức và nhân dân đóng góp nguồn lực chăm lo cho người nghèo, hộ nghèo. Kết quả, từ năm 2014 đến nay, đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân ủng hộ Quỹ Vì người nghèo các cấp được gần 38,6 tỷ đồng.

Từ nguồn tiền ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Ủy ban MTTQ các cấp đã tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo theo đúng nội dung, đối tượng được quy định. Trong 5 năm qua, MTTQ các cấp cũng đã tiếp nhận được gần 40,6 tỷ đồng; tổ chức nhiều đoàn đi cứu trợ và chuyển tiền hỗ trợ đến các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gần 26,8 tỷ đồng…

Được biết, ngoài các chính sách theo quy định của Trung ương, tỉnh Bình Dương đã xây dựng chuẩn nghèo và một số chính sách riêng phù hợp với điều kiện, đặc thù của tỉnh. Cụ thể như cho vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ về BHYT, miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác, dạy nghề, giải quyết việc làm, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây dựng, tặng nhà đại đoàn kết, tặng quà, khám, chữa bệnh miễn phí, nhân rộng mô hình sinh kế cho hộ nghèo... Việc thực hiện các chính sách về giảm nghèo không chỉ được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện mà còn nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và phối hợp triển khai hiệu quả của các tổ chức Hội, đoàn thể, sự đồng hành của các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.

Đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương cho hay, trong giai đoạn 2019 - 2020, ngoài việc tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ hiện hành, Bình Dương sẽ mở rộng việc thực hiện các chính sách gắn với giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo; đổi mới nhận thức, cách làm, vận dụng linh hoạt các chính sách trong công tác giảm nghèo; gắn công tác giảm nghèo với thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; tập trung vào các giải pháp phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo. Đồng thời phải làm chuyển biến nhận thức của các hộ nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ vào các chính sách xã hội, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, khơi gợi ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo.

Huy động nội lực để giảm nghèo bền vững - Bài 2: Kỳ vọng giảm nghèo bền vững - 1

Trồng cây ăn quả thoát nghèo ở khu vực Đông Nam Bộ.

Phấn đấu đến năm 2020 có 50% số huyện nghèo ra khỏi diện 30a

Trong cuộc giao lưu trực tuyến gần đây với chủ đề “Để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống”, ông Ngô Trường Thi chia sẻ: Dù công cuộc giảm nghèo đang phải đương đầu với nhiều thách thức, nhưng năm 2018 cũng như 3 năm trở lại đây, kết quả giảm nghèo của chúng ta tiếp tục giữ vững. Trong hai năm 2016, 2017, tỷ lệ nghèo bình quân của cả nước đã giảm 1,8% cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra từ 1-1,5%. Hiện nguồn lực cho chương trình MTQG giảm nghèo đang thực hiện theo Luật Đầu tư công, đã được Quốc hội giao trung hạn để các địa phương chủ động trong vấn đề sắp xếp, bố trí phù hợp nhu cầu. Trong các năm 2016, 2017, 2018, tổng nguồn lực bố trí cho giảm nghèo đạt được gần 52% so với kế hoạch năm năm (2016- 2020)

Theo ông Ngô Trường Thi có thể chúng ta vẫn chưa hài lòng về việc thiết kế chính sách, nhưng vì chính sách phải lâu dài, không thể thay đổi trong một vài ngày. Quốc hội và Chính phủ đã có chỉ đạo phải hạn chế, chấm dứt những chính sách hỗ trợ cho không, tạo sự ỷ lại, trừ các chính sách trợ cấp đột xuất, hỗ trợ thiên tai, lũ lụt, bảo đảm an sinh xã hội... Còn lại các chính sách giảm nghèo phải theo hướng chuyển sang hỗ trợ có thời gian, điều kiện, hoàn trả, để phát huy tính chủ động vươn lên của người nghèo.

Ông Thi cũng khẳng định bên cạnh những kết quả đạt được, ở một số địa phương đã và đang xuất hiện mô hình hỗ trợ cộng đồng. Chúng ta không hỗ trợ trực tiếp từng đối tượng nữa mà hỗ trợ cộng đồng. Mô hình này tạo sinh kế, từng bước gắn với khởi nghiệp, thị trường, tham gia chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm, chống thực phẩm giả... đặc biệt là phát huy nội lực của chính người dân. Và phù hợp bản sắc văn hóa của từng nhóm dân tộc. Nếu chúng ta làm từ trên xuống, mỗi cộng đồng có một đặc điểm, bản sắc văn hóa khác nhau. Nhưng chỉ cần tạo cơ chế và giao cho cộng đồng, cộng đồng sẽ biết làm như thế nào hiệu quả nhất. Cộng đồng sẽ giám sát thực hiện chính sách và họ sẽ làm rất tốt.

Giải đáp những băn khoăn về việc thời gian qua, có tình trạng hộ nghèo tăng trở lại và tình trạng tái nghèo nhanh xuất hiện ở nhiều địa phương, ông Ngô Trường Thi cho rằng: Cần nhìn nhận một cách khách quan, tái nghèo và phát sinh nghèo mới luôn là một khía cạnh trong lĩnh vực giảm nghèo…Đó là câu chuyện rất bình thường, không nên nghĩ theo một hướng cực đoan chỉ có thoát nghèo chứ không có hộ nghèo và không có tái sinh nghèo. Tuy nhiên, tái nghèo, phát sinh nghèo ở mức độ như thế nào là phù hợp. Nếu như giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo của chúng ta bình quân một năm khoảng 12% trên tổng số hộ thoát nghèo thì giai đoạn này chúng ta chỉ còn có hơn 5%, mặc dù thiên tai xảy ra rất nhiều.

Dù tái nghèo, phát sinh nghèo ở một số địa phương miền núi phía Bắc thời gian qua cũng có nguyên nhân khách quan, song theo ông Ngô Trường Thi, cần thẳng thắn nhìn nhận còn một nguyên nhân nữa, đó là do chủ quan trong công tác quản lý hộ nghèo của địa phương. Hiện nay chúng ta mới có 8 huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, và 14 huyện không còn được hưởng cơ chế của Nghị quyết 30a nữa.

Bộ LĐTB&XH đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí xác định các hộ nghèo một cách công khai, gồm 5 tiêu chí. Hằng năm Bộ đều rà soát vào báo cáo Chính phủ. Sau 12 năm thực hiện và căn cứ tình hình thực tế tại nhiều huyện, ông Thi cho rằng, mục tiêu đến năm 2020 có 50% số huyện nghèo ra khỏi diện 30a là có thể đạt được. Tuy nhiên, tại các huyện đặc biệt khó khăn, vẫn phải tiếp tục đầu tư, thí dụ như huyện Mường Lát (Thanh Hóa), huyện Bác Ái (Ninh Thuận)…Tương tự đối với các xã, mục tiêu 30% số xã khó khăn ra khỏi tình trạng khó khăn, hi vọng kết quả sẽ đạt được cao hơn. Thậm chí, với khoảng 500 xã thuộc diện 135 (Chương trình MTQG giảm nghèo), mục tiêu đến năm 2020 từ 20% đến 30% ra khỏi tình trạng khó khăn là hoàn toàn có thể đạt được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huy động nội lực để giảm nghèo bền vững - Bài 2: Kỳ vọng giảm nghèo bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO