Hy vọng mới cho người mắc 'căn bệnh thế kỷ'

Đức Trân 17/03/2019 08:00

Tuần qua, cả thế giới phấn khích trước thông tin một người đàn ông sống tại London (Anh) được chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh HIV/AIDS. Đồng thời, một trường hợp tương tự tại Đức cũng được các nhà nghiên cứu thông báo đã chữa khỏi. Những trường hợp trên đã mở ra hy vọng hoàn toàn mới cho hàng chục triệu người mắc “căn bệnh thế kỷ” trên toàn cầu.

Chữa khỏi bằng phương pháp ghép tế bào gốc

Lần đầu tiên căn bệnh HIV/AIDS được tuyên bố chữa khỏi trên người đàn ông sống tại Berlin (Đức). Ông bị mắc bệnh bạch cầu và nhiễm HIV, được chữa khỏi vào năm 2007. Để làm được điều này, các bác sĩ đã loại bỏ tất cả các tế bào miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân bằng phương pháp xạ trị, sau đó thay thế chúng bằng các tế bào mới được hiến tặng từ một người có khả năng kháng nhiễm HIV tự nhiên. Trong gen của người hiến tặng có một đột biến hiếm gặp, được gọi là CCR5.

Mới đây, ca bệnh nhân thứ 2 là một người Anh cũng vừa được công bố chữa khỏi căn bệnh HIV/AIDS, bằng phương pháp ghép tế bào gốc. Đồng thời, một trường hợp tương tự cũng được báo cáo bởi các nhà nghiên cứu đang điều trị cho một bệnh nhân nhiễm HIV tại Đức. Phương pháp điều trị vẫn là ghép tế bào gốc, thông qua việc ghép tủy xương. Đây là bệnh nhân thứ ba trên toàn thế giới được “chữa khỏi” căn bệnh thế kỷ này.

Các chuyên gia y tế lý giải, đối với các trường hợp nhiễm HIV, bản chất là virus HIV tấn công các tế bào miễn dịch, gây suy giảm hệ miễn dịch. Vì thế bệnh nhân nhiễm HIV thường không bị tử vong vì virus HIV đó, mà thường tử vong do các bệnh nhiễm trùng cơ hội khi bị suy giảm miễn dịch gây nên như lao phổi, tiêu chảy, nhiễm khuẩn ngoài da…

Bản thân tế bào miễn dịch được sản xuất bởi cơ quan tạo máu và với nguyên lý ghép tế bào gốc thì người ta hoàn toàn có khả năng thay thế các tế bào của cơ quan tạo máu để tạo ra các tế bào miễn dịch mới hoàn toàn, khôi phục thể trạng cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu virus HIV vẫn còn trong cơ thể, thì dù thay tế bào mới vào nó sẽ lại tiếp tục tấn công. Vậy không đảm bảo yêu cầu chữa khỏi. Nghiên cứu trên thế giới tìm ra một số cơ chế và một số loại đột biến miễn nhiễm với virus HIV, ví như đột biến gen CCR5 có khả năng kháng lại virus HIV. Như vậy, ghép tế bào gốc có mang gen đột biến CCR5, sẽ có cơ hội chữa khỏi bệnh HIV.

Đa số chuyên gia cho rằng phương pháp điều trị này có thể áp dụng cho tất cả bệnh nhân, tuy nhiên tốn kém, phức tạp và rủi ro. Để thực hiện với các bệnh nhân khác, việc khó nhất là tìm được người hiến tạng phù hợp, chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số những người hiến tạng, hầu hết là người gốc Bắc Âu - mang gen đột biến CCR5 có khả năng kháng virus. Các nhà khoa học cũng cho biết hiện chưa rõ liệu gen đột biến CCR5 có phải là chìa khóa duy nhất, - hay quá trình thích ứng của mảnh ghép với với bệnh nhân cũng quan trọng không kém, vì cả bệnh nhân Berlin và London đều bị tình trạng này, - có thể nó có vai trò làm mất các tế bào nhiễm HIV.

Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) Michel Sidibé cho biết: Cơ quan này phấn khích trước thông tin một bệnh nhân nhiễm HIV đã được điều trị thành công, “bước đột phá này tuy phức tạp và còn nhiều việc phải làm, nhưng nó tạo cho chúng ta hy vọng về một tương lai có thể chấm dứt đại dịch AIDS bằng khoa học, thông qua vaccine hay điều trị”.

UNAIDS cũng nhìn nhận, việc điều trị bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc là rất phức tạp, dày công và tốn kém, đi cùng đó là những tác dụng phụ khác. Đây chưa phải là cách thức hiện hữu để chữa trị cho một số lượng lớn bệnh nhân nhiễm HIV. Tuy nhiên, kết quả tích cực trên đã tiếp tục thắp lên hy vọng sẽ tìm ra được biện pháp đặc trị cho “căn bệnh thế kỷ” vốn được xem là vô phương cứu chữa này.

Điều trị HIV tại Việt Nam - còn nhiều việc phải làm

Đại dịch HIV/AIDS sau khi bùng phát trong thập niên 80 của thế kỷ trước đã cướp đi sinh mạng của 35 triệu người trên toàn thế giới. Hiện có khoảng 37 triệu người nhiễm HIV/AIDS trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong. Mỗi năm, nước ta có hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện và 3.000-4.000 người tử vong vì HIV.

Theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV còn sống nhưng chỉ có khoảng 200.000 người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình. Như vậy, vẫn còn hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết mình nhiễm HIV. Điều này có thể vô tình là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng, do không được tư vấn và tiếp cận với các dịch vụ dự phòng.

Cùng với đó, họ cũng không được tiếp cận các dịch vụ điều trị ARV sớm để bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân và làm giảm lây truyền HIV ra cộng đồng. Hiện, Việt Nam mới chỉ có gần 80% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, trong khi đó chỉ còn 2 năm nữa để đạt được tới mục tiêu thứ nhất trong ba mục tiêu 90 - 90 - 90 của Liên hợp huốc (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (ARV) và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khoẻ mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác). Đó là một khoảng cách lớn và cần sự nỗ lực của cả cộng đồng để thực hiện.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phòng, chống HIV/AIDS. 10 năm liền dịch HIV được kiểm soát ở cả 3 tiêu chí gồm: giảm số người nhiễm HIV mới hằng năm; giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam cũng đã tiếp tục kiểm soát được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng chỉ ở mức dưới 0,3%.

Theo TS Hoàng Đình Cảnh -Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), bên cạnh rất nhiều kết quả đạt được đáng khích lệ hiện nay thì chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc phòng, chống HIV/AIDS. Thực tế cho thấy, các chỉ tiêu hiện tại của nước ta vẫn còn khá xa so với ba mục tiêu mà Liên hợp quốc đã đặt ra.

Trong đó, phải kể đến dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát vì vẫn còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện, đặc biệt ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích có xu hướng gia tăng trong những năm trở lại đây; lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới cũng có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong nhóm người trẻ tuổi và sự gia tăng số người sử dụng ma tuý tổng hợp. Ngoài ra, sự thay đổi về tổ chức và cắt giảm nguồn lực viện trợ quốc tế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Đáng chú ý: sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS cũng là một rào cản khiến những người có HIV lẩn tránh, ngại tiếp xúc, không tiếp cận với điều trị theo đúng phác đồ, khiến dịch HIV tiềm ẩn trong cộng đồng và khó có thể kiểm soát.

Để hỗ trợ điều trị hiệu quả cho người nhiễm HIV, PrEP cùng ARV sẽ là hai loại thuốc chủ lực. TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, cùng với chương trình điều trị ARV đối với người nhiễm HIV và chương trình điều trị cho người phơi nhiễm đang được triển khai, dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm này kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thanh toán đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hy vọng mới cho người mắc 'căn bệnh thế kỷ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO