Hy vọng từ cây sâm

Thanh Hoàng 02/04/2019 08:00

Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) được coi là “thủ phủ” của dược liệu, trong đó có sâm dây, sâm Ngọc Linh… Từ lợi thế này, những năm qua bà con nơi đây đã cùng nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Hy vọng từ cây sâm

Sâm Ngọc Linh.

Tu Mơ Rông là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, là “quê hương” của sâm Ngọc Linh - một loại dược liệu “Quốc bảo” vô cùng quý hiếm và giá trị.

Tuy nhiên, chỉ chừng trước đây khoảng 10 năm, người dân Tu Mơ Rông chưa hiểu giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh, nên nó chưa phải là cây giúp bà con làm giàu. Lúc bấy giờ, bà con trong vùng chỉ sử dụng sâm Ngọc Linh tìm được trong rừng như một loại thuốc chữa bệnh thông thường mà thôi.

Kể từ khi giá trị dược liệu cũng như giá trị thương phẩm của sâm Ngọc Linh được khẳng định, chính quyền huyện Tu Mơ Rông cũng như tỉnh Kon Tum đã xác định đây là “lời giải bài toán” giúp người dân địa phương có thể làm giàu ngay trên mảnh đất của mình. Được sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của các cấp chính quyền, nhận thức của người dân thay đổi. Từ đó, không ít hộ dân bán trâu, bò, vay vốn để mua giống hoặc mua hạt tự ươm…

Được biết, huyện Tu Mơ Rông có 6 xã có thể trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Hiện nay, có 3 xã mà người dân đang trồng nhiều sâm Ngọc Linh là Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây. Hiện tại có khoảng hơn 500 hộ dân trồng sâm Ngọc Linh. Đó là con số rất đáng phấn khởi. Nhiều nhất là ở xã Ngọc Lây: 10 thôn thì 5 thôn có người dân tự trồng sâm Ngọc Linh. Và tiên phong trong việc trồng sâm ở Ngọc Lây là người làng Lộc Bông với gần 100% số hộ đã tự trồng sâm Ngọc Linh.

Theo người trồng sâm Ngọc Linh ở xã Măng Ri thì khoảng 6 năm là có thể thu hoạch. Giá mỗi ký tính rẻ nhất cũng 100 triệu đồng. Đó là chưa kể khi trồng vài năm, những cây sâm cho hạt và gia đình lấy ươm rồi tiếp tục trồng thì lúc ấy nguồn sâm sẽ nhiều lên, thu nhập sẽ tăng, người dân đổi đời... Nhìn chung, với giá sâm dây và sâm Ngọc Linh như hiện nay thì trong vài năm tới, đồng bào Xơ Đăng nơi đây sẽ không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu từ sâm.

Trong tự nhiên, sâm Ngọc Linh mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô và huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum, huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam. Trên độ cao 1.200 đến 2.100m so với mực nước biển, sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn.

Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin.

Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sâm Ngọc Linh có tác dụng chống trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Người dùng sâm Ngọc Linh sẽ ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp. Ngoài ra sâm Ngọc Linh còn hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hy vọng từ cây sâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO