Ì ạch các dự án hạ tầng cấp bách

Đoàn Xá 14/09/2019 08:00

Các dự án hạ tầng cấp bách ở TP Hồ Chí Minh mang theo nhiều kỳ vọng của người dân để giải quyết ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo mỹ quan đô thị, nhưng việc triển khai thực hiện lại ì ạch, chậm tiến độ và liên tục trễ hẹn. Hậu quả là vấn nạn kẹt xe nhiều khu vực gia tăng phức tạp. Bên cạnh đó, gần như toàn bộ các dự án chậm tiến độ đều bị đội vốn, tăng chi phí hoàn thành so với phê duyệt ban đầu.

Ì ạch các dự án hạ tầng cấp bách

Dự án nút giao An Sương ngưng thi công nửa năm nay.

Đầu voi đuôi chuột

Là nút giao thông 3 tầng quy mô hiện đại đầu tiên ở TP HCM, nút giao thông An Sương (huyện Hóc Môn) là nơi Quốc lộ 22 giao cắt Quốc lộ 1A. Ngoài đường hiện hữu, nơi đây đã có sẵn cầu vượt An Sương nhưng do quá đông phương tiện, tình trạng ùn tắc kẹt xe vẫn liên tục diễn ra. Để giải quyết tình trạng này, thành phố quyết định đầu tư hơn 500 tỷ đồng để làm dự án hầm chui, nằm dưới mặt đường hiện hữu. Dự án được khởi công tháng 1/2017, dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng đến nay vẫn còn dang dở. Thậm chí, sau khi hoàn thành 1 nhánh hầm hướng từ trung tâm thành phố ra ngoại ô, dự án đã bị ngưng thi công khoảng nửa năm nay vì vướng mặt bằng.

Hiện vẫn còn nhiều hộ dân ở khu vực xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) chưa bàn giao mặt bằng nên không ai dám chắc dự án này bao giờ mới thi công trở lại và hoàn thành. Thay vì tạo môi trường giao thông thuận lợi, những lô cốt công trình của dự án này đã khiến việc lưu thông của người dân càng thêm vất vả, khó khăn.

Cũng là giải pháp cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông, dự án sửa chữa cầu Kênh Tẻ (quận 7) và cầu chữ Y (quận 8) đều được triển khai giữa năm 2018, dự kiến hoàn thành giữa năm 2019. Tuy nhiên, cả 2 dự án sửa chữa này chắc chắn đã chậm tiến độ. Dự án sửa cầu chữ Y nhằm mở rộng mặt cầu với nguồn vốn gần 200 tỷ đồng dự kiến tới đầu năm 2020 mới có thể hoàn thành. Trong khi đó, dự án sửa cầu Kênh Tẻ dù đã hết thời gian dự kiến hoàn thành theo kế hoạch nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc. Cũng như dự án nút giao thông An Sương, 2 cây cầu này đang là điểm nóng ùn tắc, kẹt xe ở khu vực phía Nam thành phố.

Tương tự, những dự án cấp bách để tạo một tuyến đường liên kết toàn bộ địa bàn TP HCM, đường Vành đai 2 dù đã lên kế hoạch triển khai hàng chục năm qua nhưng vẫn chưa hoàn thành. Được biết, đường Vành đai 2 dài 64km, được thiết kế rộng trung bình 35 mét với 4-6 làn xe hỗn hợp. Đường bao quanh địa bàn TP HCM, giúp cho các phương tiện, đặc biệt là ô-tô, xe tải, container có thể đi qua nhiều quận huyện mà không phải đi vào trung tâm thành phố. Mặc dù có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhưng đến nay, đường Vành đai 2 mới chỉ hoàn thành 54km. Khoảng 10km, nằm rải rác ở 3 đoạn chưa hoàn thành khiến tuyến vành đai không được khép kín. Các phương tiện luôn phải di chuyển lòng vòng, đi qua vùng lõi trung tâm nếu muốn di chuyển từ phía Đông sang Tây, hay Nam qua Bắc…

Được coi là một siêu dự án, tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên dài gần 20km ban đầu dự kiến hoàn thành năm 2018, sau lùi thời gian đến năm 2020. Hiện nay, dự án này tiếp tục phải lùi thời gian hoàn thành. Đây là một dự án rất quan trọng, cấp bách và ảnh hưởng nhiều đến bộ mặt giao thông ở TP HCM nhưng đã bị chậm trễ. Theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM, sớm nhất năm 2021, dự án này mới có thể hoàn thành.

Dai dẳng kéo dài

Theo nhiều chuyên gia về hạ tầng giao thông đô thị, việc quy hoạch và triển khai các dự án hạ tầng giao thông ở TP HCM đang gặp nhiều vấn đề. Kể từ khi quy hoạch tới khi thực hiện và hoàn thành luôn luôn có sai lệch rất lớn. Tất nhiên, nhiều hệ luỵ bị kéo theo. Ngoài việc ảnh hưởng đến đời sống, giao thông đi lại của người dân thì việc các dự án, nhất là dự án lớn có số vốn hàng ngàn tỷ đồng sẽ ảnh hưởng đến các dự án tiếp theo. Như dự án tuyến metro số 1 bị trễ tiến độ hoàn thành khiến cho việc xây dựng, hoạt động bến xe miền Đông mới (quận 9) gặp nhiều vấn đề. Bởi bến xe mới chỉ hoạt động hiệu quả khi người dân có một phương tiện thuận lợi (theo kế hoạch là metro số 1) để di chuyển từ trung tâm tới (khoảng 20 km). Vì vậy, khi tuyến metro chưa hoạt động, nhiều dự án hạ tầng khác sẽ gặp khó khăn khi triển khai, khai thác.

Ngoài ra, vấn đề lớn nhất của các dự án chậm tiến độ chính là đội vốn. Nếu những dự án có số vốn vài trăm tỷ đồng, bị chậm khoảng một năm thì số vốn tăng lên sẽ không nhiều. Tuy nhiên, như dự án metro số 1 với thời gian thực hiện gần 10 năm, nguồn vốn hàng chục ngàn tỷ đồng, việc đội vốn thậm chí còn kéo theo cả những thay đổi về quy định của pháp luật, cùng nhiều thủ tục khác chứ không chỉ đơn giản là thêm vốn.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, hạ tầng giao thông ở TP HCM đang có dấu hiệu bị tụt hậu so với một vài địa phương lân cận, đặc biệt là các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu. Mặc dù TP HCM đã đầu tư nhiều dự án, với số tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng các dự án hoàn thiện, phát huy tác dụng chưa nhiều, chưa đáp ứng đúng kỳ vọng.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết tình trạng trên, TP HCM cần có cơ chế đặc thù dành cho các dự án hạ tầng cấp bách. Ngoài ưu tiên nguồn vốn, việc buộc các hộ dân di dời để phục vụ dự án công cộng là điều cần thiết, tránh các dự án bị vướng chỉ vì một vài hộ dân không đồng tình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ì ạch các dự án hạ tầng cấp bách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO