Kabul thất thủ chóng vánh

Thế Tuấn 17/08/2021 07:22

Tình hình Afghanistan biến động từng giờ, thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Bởi đây là quốc gia có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng ở Trung Nam Á; là nơi 20 năm trước lực lượng Taliban bị đánh bật, để ra đời một chính quyền mới với sự trợ giúp của Hoa Kỳ và đồng minh.

Kênh truyền hình Al Arabiya cho biết, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã từ bỏ quyền lực và một chính phủ lâm thời do Taliban sẽ mau chóng được thành lập. Khi các tay súng Taliban áp sát Thủ đô Kabul từ nhiều hướng thì Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Abdul Sattar Mirzakwal thông báo “sẽ có một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình” sang một chính phủ chuyển tiếp tại quốc gia Trung Nam Á này.

Tuy nhiên, ngay lập tức đại diện Taliban cho biết sẽ không có bất cứ cuộc thương thảo nào. Mullah Abdul Ghani Baradar - thủ lĩnh hàng đầu của Taliban tuyên bố “đã đến lúc phải có một chính quyền mới”.

Thắng lợi “bất ngờ”

Khi các tay súng Taliban khống chế các cửa ngõ ra vào Thủ đô Kabul, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã hối thúc lực lượng Chính phủ duy trì an ninh. “Đó là trách nhiệm của chúng tôi, và chúng tôi sẽ thực hiện trách nhiệm đó theo cách thức tốt nhất có thể. Tất cả các hành vi gây rối, đập phá, cướp bóc sẽ bị trấn áp”. Tuy nhiên, khi Taliban tiến vào thành phố Jalalabad mà không cần giao tranh đã đẩy Kabul thành đô thị lớn cuối cùng còn nằm trong sự kiểm soát của lực lượng Chính phủ.

Vào cuối ngày 15/8, ông Ghani đã công khai quyết định lý do rời đất nước. Trong một thông tin ngắn trên Facebook, ông Ghani cho biết nếu ông ở lại Afghanistan “sẽ có nhiều thương vong và thủ đô Kabul sẽ bị phá hủy”. Ông Ghani thừa nhận: “Taliban đã giành chiến thắng và giờ lực lượng này có trách nhiệm bảo vệ tài sản và người dân Afghanistan”.

Thông báo của ông Ghani không nói rõ địa điểm tới sau khi rời đất nước. Tuy nhiên, truyền thông Afghanistan cho biết, ông Ghani có thể tới Tajikistan hoặc Uzbekistan

Trong khi đó, thông báo trên Twitter - Zabihullah Mujahid - người phát ngôn của Taliban cho biết: “Các đơn vị quân đội của chúng tôi đã tiến vào thủ đô Kabul để bảo đảm an ninh. Hoạt động này vẫn đang diễn ra bình thường. Sẽ không có chính phủ chuyển tiếp ở Afghanistan mà là một cuộc chuyển giao quyền lực hoàn toàn”.

Thắng lợi của Taliban được cho là “bất ngờ”, khi tình báo Mỹ cho rằng lực lượng này phải cần từ 30 tới 90 ngày để vào được Kabul (tính từ ngày 12/8). Tuy nhiên, cũng không cần đến 30 ngày, mà chỉ 3 ngày sau họ đã vào được Dinh Tổng thống. Điều đó cho thấy quân Chính phủ của ông Ghani rất yếu kém, rệu rã tinh thần trước sức tấn công dữ dội của các tay súng Taliban. Lực lượng này đã quyết định mở các chiến dịch quân sự để khôi phục quyền lực bị lật đổ 20 năm trước, sau chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ vào năm 2001. Ngay từ tháng 5, sau khi Mỹ và các lực lượng nước ngoài bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan thì Taliban đã liên tục mở các cuộc tiến công trên nhiều khu vực. Trong vòng 2 tháng, họ đã kiểm soát hơn 65% lãnh thổ Afghanistan.

Thủ lĩnh Mullah Abdul Ghani Baradar của Taliban ngày 16/8 tuyên bố “thắng lợi chóng vánh của Taliban trước chính phủ Afghanistan là một kỳ tích” và những thử thách thực sự đối với năng lực quản trị đất nước một cách hiệu quả sẽ bắt đầu ngay từ khi Taliban giành được quyền lực.

Những gì đang chờ ở phía trước?

Cũng cần nhắc lại, trong bối cảnh làn sóng tấn công của Taliban lan tràn khắp lãnh thổ Afghanistan, ngày 12/8, Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani đã đưa ra đề xuất về một thỏa thuận “chia sẻ quyền lực” với lực lượng Taliban. Tuy nhiên, đề xuất ấy đã không được đáp ứng, bởi thực tế “đánh đâu thua đó’” của quân chính phủ. Trong khi Mỹ và NATO gấp rút đưa binh lính ra khỏi Afghanistan, nói như ông Joe Biden thì công việc của người Afghanistan phải do người Afghanistan tự lo liệu. 2 thập kỷ nhận viện trợ của Mỹ và phương Tây, được Mỹ bảo hộ về an ninh và huấn luyện nhưng chính quyền Kabul vẫn không thể tự đảm bảo an ninh cho mình. Kinh tế yếu ớt, chính trị, hành chính bị chia rẽ và lộn xộn. Vì thế, theo Reuters, một bi kịch với chính quyền Kabul gần như là tất yếu.

Với vị trí địa chiến lược nằm ở trung tâm châu Á, là cầu nối giữa Đông và Tây Á, giữa Nam và Trung Á, việc xáo trộn và bạo lực ở Afghanistan với sự quay lại nắm quyền của Taliban đã trở thành điểm nóng nhất trên bản đồ chính trị thế giới.

“Mọi thứ diễn ra quá nhanh, chỉ trong 1 tuần. Rất nhiều người, trong đó có tôi đang xem xét tình hình quân sự và cán cân lực lượng giữa Taliban và chính phủ Afghanistan” - Andrew Watkins, nhà phân tích về Afghanistan thuộc Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng nhận định với Newsweek.

Claude Rakisits - một chuyên gia về Afghanistan và là giáo sư về Nghiên cứu chiến lược tại Đại học Deakin cho biết, một điều rõ ràng là các lực lượng an ninh Afghanistan không muốn và cũng không có ý định hy sinh vì chính quyền của Tổng thống Ghani. Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan là tất yếu, không chỉ từ quyết định của Tổng thống Joe Biden, mà trước đó người tiền nhiệm là ông Donald Trump cũng đã đưa ra quyết định tương tự. “Chỉ có điều nó được ông Biden đẩy nhanh hơn mà thôi. Giờ, chúng ta chỉ còn đợi xem Taliban sẽ làm gì sau khi nắm được chính quyền” - chuyên gia Claude Rakisits nói.

Ngày 15/8, các tay súng Taliban tiến vào thủ đô Kabul. Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước. Chính những tay súng Taliban cũng bất ngờ với tốc độ giành chiến thắng của mình như những gì người đứng đầu Văn phòng Chính trị của Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar thừa nhận trong một tuyên bố trên video tối 15/8. Ngay trong tối 15/8, Taliban đã tiến vào Dinh Tổng thống, nơi đặt chiếc ghế quyền lực của Afghanistan và thay những lá cờ của chính quyền trước bằng lá cờ của mình. Như vậy, Taliban đã chiếm được thủ đô Kabul mà không cần giao chiến sau cuộc tấn công chớp nhoáng kéo dài 11 ngày vào các thành phố của Afghanistan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kabul thất thủ chóng vánh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO