Kẻ tấn công khủng bố ở Anh không hành động một mình?

25/05/2017 09:00

Kẻ đánh bom tự sát giết hại 22 người trong đó có cả trẻ em ở nhà thi đấu thành phố Manchester (Anh), có khả năng không hành động một mình, Bộ Nội vụ Anh hôm 24/5 cho hay, trong lúc lực lượng binh sỹ của họ đã được triển khai tới các địa điểm quan trọng để ngăn các vụ tấn công tương tự xảy ra.

Tổ chức phiến quân IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Manchester xảy ra hôm đầu tuần. (Nguồn: Metro).

Trong cùng ngày, mức độ đe dọa ở nước Anh chính thức được nâng lên mức cao nhất, có nghĩa rằng khả năng xảy ra thêm một vụ tấn công là rất cao. Cùng lúc, cảnh sát Anh cho hay, một công dân Anh tên Salman Abedi, 22 tuổi, là thủ phạm chính đã gây ra vụ đánh bom tự sát tại nhà thi đấu Manchester vào cuối buổi biểu diễn của ca sỹ Mỹ Ariana Grande hôm đầu tuần, trong đó có hàng nghìn thanh thiếu niên và trẻ em tham dự.

“Rất có khả năng rằng kẻ này đã không hành động một mình” - Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd nói với đài BBC.

Ông Rudd cũng nói rằng nghi phạm Abedi từng được các cơ quan an ninh của họ chú ý tới từ trước khi vụ đánh bom xảy ra. Bà cho hay có tới 3.800 binh sỹ được triển khai trên các tuyến đường phố khắp nước Anh để lực lượng cảnh sát có thêm nguồn lực để làm nhiệm vụ tuần tra và điều tra vụ tấn công.

Trong khi đó, danh tính của các nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc đẫm máu đã dần được công bố. Trong số này có 1 bé gái 8 tuổi, 2 cô gái ở độ tuổi thiếu niên và một người đàn ông 28 tuổi. Một cặp vợ chồng người Ba Lan, những người tới đón các con gái mình sau buổi diễn, cũng thiệt mạng, theo Bộ Ngoại giao Ba Lan.

Vụ đánh bom cũng khiến hơn 60 người khác bị thương, một số đang trong tình trạng nguy kịch.

“Chúng tôi hiện đang chữa trị cho 64 người… trong số này có khoảng 20 người được chăm sóc đặc biệt do tình trạng nguy kịch” - Jon Rouse, chánh văn phòng cơ quan y tế khu vực Manchester, nói với hãng Sky News - “Những nạn nhân thường chịu tổn thương nội tạng, các vết thương lớn trên tay chân, một số cần được điều trị lâu dài”.

Vụ đánh bom tự sát ở Manchester được coi là vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ sau vụ việc xảy ra hồi tháng 7/2015, khi 4 kẻ đánh bom tự sát là công dân Anh gốc Hồi giáo đã giết hại 52 người trong vụ tấn công liên hoàn nhằm vào mạng lưới giao thông thủ đô London.

Một số nguồn tin an ninh Mỹ, dẫn giới chức tình báo Anh, cho hay nghi phạm Abedi sinh năm 1994 tại Manchester và có cha mẹ là người gốc Libya. Bà Rudd cho hay bà tin rằng Abedi mới trở về từ Libya, trong khi Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb cho hay giới điều tra Anh đã nói với chính quyền Pháp rằng Abedi có thể cũng đã từng di chuyển tới Syria.

Mức cảnh báo cao nhất

Trong lúc mà ông Collomb đang phát biểu tại Pháp, bà Rudd đã phải trả lời phỏng vấn về thực tế rằng phần lớn thông tin về nghi phạm Abedi, bao gồm cả tên, đến từ phía Mỹ và liệu điều này có khiến bà phải xem xét lại việc chia sẻ thông tin với các nước khác hay không.

“Cảnh sát Anh đã nói rất rõ ràng họ muốn kiểm soát luồng thông tin nhằm bảo vệ sự thống nhất của chiến dịch, yếu tố bất ngờ, bởi vậy thật là bực mình khi thông tin lại bị công bố từ các nguồn khác, và tôi đã nói rõ ràng với những người bạn của chúng ta rằng điều này không nên lặp lại” - bà Rudd nói.

Liên quan tới rủi ro thông tin rò rỉ mà Mỹ thu được sẽ làm ảnh hưởng tới cuộc điều tra vụ tấn công, bà Rudd nói: “Tôi có thể nói rằng họ đã hoàn toàn hiểu rõ về tình hình hiện nay và rằng điều đó không nên xảy ra một lần nữa”.

Thủ tướng Anh Theresa May trong hôm 23/5 đã nói rằng, có khả năng một tổ chức lớn hơn đã đứng đằng sau vụ tấn công mới đây, từ đó đã ra chỉ thị triển khai binh sỹ trong bối cảnh chỉ hơn 2 tuần nữa là tới kỳ bầu cử 8/6. Một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm nâng mức đe dọa an ninh cho hay mức độ cao nhất đã được áp dụng lần đầu tiên kể từ tháng 6/2007.

“Điều này đồng nghĩa với việc không chỉ có khả năng xảy ra thêm một vụ tấn công khác, mà các vụ tấn công trong khoảng thời gian sau đó cũng có thể xảy ra” - Thủ tướng May nói trong một phát biểu được truyền hình trực tiếp.

Hàng loạt các vụ tấn công nhằm vào các thành phố gồm Paris, Nice, Brussels, St Petersburg, Berlin và London đã gây sốc cho người dân châu Âu vốn đã hết sức quan ngại về các thách thức an ninh từ làn sóng khủng hoảng di cư và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo trong nước.

Phiến quân IS, hiện đang bị các lực lượng vũ trang thân phương Tây quét sạch khỏi các vùng lãnh thổ từng chiếm được, đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công ở London mới đây nhưng điều này vẫn chưa được xác nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kẻ tấn công khủng bố ở Anh không hành động một mình?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO