Kém ngoại ngữ - dễ thất nghiệp

Nhi Hương 22/08/2017 08:30

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), so với các quốc gia ASEAN, trình độ tiếng Anh của Việt Nam hiện đứng sau Singapore, Malaysia, Philippine và Brunei. Đội ngũ nhân sự đến từ các quốc gia trên sẽ chiếm ưu thế nhờ khả năng tiếng Anh tốt và phong cách làm việc quốc tế. Thậm chí ngay tại thị trường Việt Nam, nếu không trang bị cho mình vốn tiếng Anh tốt, nhiều bạn trẻ có khả năng thua trên “sân nhà”.


Thua kém ngoại ngữ khiến lao động Việt Nam ít có cơ hội việc làm hơn khi hội nhập.

Quan trọng nhưng lại thiếu nhất

Báo cáo về thị trường lao động gần đây nhất Bộ LĐTB&XH cho biết, số người thất nghiệp có trình độ ĐH trở lên là 138.800 người, giảm 80.000 người (tương đương 36,6%) so với quý 4 năm ngoái. Nhóm trình độ CĐ cũng giảm 20.600 người, còn 104.200 người thất nghiệp. Nhóm trình độ TC có 83.200 người thất nghiệp, tăng 13.000 người. Mặc dù đánh giá tình trạng thất nghiệp của cử nhân đã có dấu hiệu khởi sắc hơn song đại diện Bộ LĐTB&XH cũng thừa nhận việc giải quyết việc làm cho cử nhân vẫn là bài toán nan giải. Nguyên nhân không phải do cầu vượt quá cung mà do chất lượng đào tạo cũng như khả năng ngoại ngữ kém khiến không ít cử nhân học xong thất nghiệp trong khi đó các doanh nghiệp thì chạy đôn chạy đáo vì thiếu nhân lực.

Đánh giá về bức tranh thị trường nguồn nhân lực Việt Nam tại Hội thảo “Tương lai việc làm và tác động đối với thị trường lao động” trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Đối thoại Chính sách cao cấp APEC 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số mới đây, bà Nguyễn Phương Mai- Giám đốc điều hành của Navigos Search cho biết: Thị trường vừa thiếu lao động, lại vừa thiếu cả những lao động giỏi về chuyên môn và giỏi ngoại ngữ. Cụ thể do quá cần kỹ sư IT giỏi ngoại ngữ mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải thay đổi cả quy trình tuyển dụng, khi ưu tiên tuyển kỹ sư giỏi tiếng Anh trước rồi mới đến tuyển về chuyên môn.

“Có những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng điện thoại di động trong việc cung cấp dịch vụ, khi đặt Trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, họ đem công nghệ sang Việt Nam để tìm những kỹ sư tiềm năng để đào tạo, do vậy, điều kiện tiên quyết là đội ngũ nhân sự đó phải giỏi tiếng Anh. Tuy nhiên, việc tìm kiếm kỹ sư công nghệ thông tin người Việt giỏi ngoại ngữ thực sự đang là vấn đề rất nan giải đối với các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam hoạt động”- bà Mai nói.

Trên thực tế, nhiều trường đại học tại Việt Nam đều đã đưa ngành CNTT vào chương trình đào tạo, tuy nhiên số sinh viên tốt nghiệp có chất lượng đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng lại chưa cao. Theo một chuyên gia trong ngành, bên cạnh năng lực chuyên môn, kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ yếu kém của các cử nhân CNTT cũng là rào cản lớn dẫn đến tình trạng “cử nhân thì thừa, nhân lực công ty thì thiếu”.

Đỏ mắt tìm ứng viên giỏi ngoại ngữ

Từ ngày 15-6, Thông tư số 12/2017/TT-BLĐTBXH quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng nêu rõ: Ở trình độ trung cấp, sau khi tốt nghiệp, người học phải có năng lực thực hiện được một số công việc có tính phức tạp của ngành hoặc nghề; có khả năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc, có khả năng làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm, có năng lực ngoại ngữ bậc 1/6 khung năng lực ngoại ngữ của VN. Đối với trình độ cao đẳng, yêu cầu người học có năng lực thực hiện được công việc của trình độ trung cấp và giải quyết được các công việc có tính phức tạp của ngành, nghề đào tạo; hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc, có năng lực ngoại ngữ bậc 2/6 khung năng lực ngoại ngữ của VN...

Quy định trên được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực trình độ ngoại ngữ cho lao động học nghề tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia quy định trên khó thành hiện thực bởi lâu nay phần lớn các trường vẫn chưa coi trọng việc dạy ngoại ngữ cho sinh viên học nghề. Thực tế từ năm 2016 Bộ LĐTB&XH có quyết định phê duyệt Kế hoạch và Quy định tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. Theo đó, có 888 sinh viên, tổ chức thành 41 lớp tại 25 trường cho 12 nghề tham gia đào tạo thí điểm. Thời gian đào tạo từ năm học 2015 - 2016, kết thúc vào năm 2018.

Về ngôn ngũ giảng dạy, học tập, 6 môn học chung theo quy định của Việt Nam bằng tiếng Việt; Giảng dạy, học tập các tiêu chuẩn năng lực trong nội dung chuyên môn và kiểm tra đánh giá năng lực bằng tiếng Anh. Nếu sau 6 tháng học tiếng Anh, những sinh viên chưa đạt yêu cầu về trình độ tiếng Anh vẫn được học các nội dung chuyên môn, nhưng phải học thêm 6 tháng tiếng Anh tiếp theo để đảm bảo năng lực tiếng Anh theo yêu cầu của Úc. Sau 12 tháng những sinh viên nào không đạt yêu cầu về trình độ tiếng Anh thì sẽ không được học tiếp chương trình chuyến giao. Sau gần 1 năm triển khai phản ánh từ nhiều trường cho thấy, khó khăn lớn nhất cũng là tuyển sinh đầu vào đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ. Trong khi các trường ĐH còn khó tuyển sinh viên có năng lực ngoại ngữ đủ chuẩn để đào tạo các chương trình chất lượng cao liên kết quốc tế thì các trường nghề càng “đỏ mắt” tìm ứng viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kém ngoại ngữ - dễ thất nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO