Kết hợp hài hòa chính sách kinh tế, tài khóa, tiền tệ

H.Vũ 08/05/2020 08:00

Để phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số thông tin về đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam. Qua đó khuyến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.

Kết hợp hài hòa chính sách kinh tế, tài khóa, tiền tệ

Kết hợp hài hòa chính sách “kinh tế-tài khóa- tiền tệ”

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: Nhìn chung, Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và là thành công lớn được thế giới ghi nhận và đánh giá cao trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đối với kinh tế Việt Nam, tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, tuy là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nhưng vẫn được đánh giá là cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh và nhiều nước tăng trưởng âm.

Cùng với những biện pháp khẩn cấp về y tế để ứng phó và kiểm soát dịch bệnh, theo Ủy ban Kinh tế, các chính sách về kinh tế là vô cùng quan trọng để giúp cho đất nước vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất một cách nhanh chóng. Đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp và khó lường trên thế giới. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay vẫn là kiểm soát được dịch bệnh. Cùng với đó, cần phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế, kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, giữa ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc; vừa phòng chống dịch hiệu quả và vừa bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội.

Không điều chỉnh tăng giá

Đi đôi với sự quyết liệt chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch ở bên trong, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát và lộ trình phù hợp, cần tập trung nỗ lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội để duy trì khả năng chống chịu của nền kinh tế và xã hội trong chống dịch. Đối với các địa phương không có người nhiễm Covid-19 và tình hình dịch trong tầm kiểm soát thì có thể xem xét dỡ bỏ các biện pháp hạn chế và từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt bình thường của người dân.

Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, cần kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát, ổn định tài chính, tiền tệ và hệ thống ngân hàng. Không điều chỉnh tăng giá và thực hiện giảm giá trong năm 2020 khi có điều kiện đối với giá các mặt hàng thiết yếu và chịu sự quản lý của Nhà nước. Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. “Cần đánh giá làm rõ những nguyên nhân (ngoài nguyên nhân dịch Covid 19) làm ách tắc hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc để thấy rõ những thách thức nhưng lại mở ra cơ hội để cơ cấu lại thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh để khai thác thị trường trong nước trước áp lực cạnh tranh hàng hóa từ các nước ASEAN và mở rộng thị trường sang EU sau khi Quốc hội thông qua EVFTA đề chủ động trong tiêu thụ nông sản. Hình thành sớm chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản và phát triển công nghiệp chế biến nông sản nội địa để giúp cho nông dân không phải lo chờ giải cứu. Phát triển các kênh thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến để duy trì, phát triển sức tiêu dùng nội địa”-Ủy ban Kinh tế nêu rõ.

Đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế

Theo Ủy ban Kinh tế, cần đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng ít phụ thuộc hơn (đặc biệt đối với công nghiệp hỗ trợ và vật liệu cơ bản), tăng khả năng chống chọi và thích ứng với các biến động tốt hơn; khơi dậy nội lực trong nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với tác động bên ngoài.Đa dạng hóa thị trường (cả thương mại và đầu tư); chú trọng phát triển các sản phẩm xuất khẩu mới, các mặt hàng xuất khẩu thân thiện với môi trường; tăng yêu cầu, quy định về an toàn thực phẩm, quy định xuất xứ đối với hàng hóa (đặc biệt là hàng tiêu dùng, nông thủy sản) nhập khẩu vào Việt Nam. Tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là EVFTA và CPTPP.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kết hợp hài hòa chính sách kinh tế, tài khóa, tiền tệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO