Kết nối nông sản sạch

Minh Phương 02/12/2016 08:37

Để tiêu thụ được sản phẩm, yếu tố quan trọng đầu tiên mà nhà sản xuất phải làm bằng được chính là sạch. Do đó, cần xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN cũng như nhà sản xuất trong việc liên kết giữa DN phân phối sản phẩm với các hộ nông dân, đảm bảo một chuỗi liên kết khép kín để khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo sạch. Đó là ý kiến của các Doanh nghiệp, nhà quản lý tại Hội nghị Giao thương kết nối cung cầu hàng hoá giữa TP Hà Nội và các địa phương 2016 do UBND TP Hà Nội phối hợ

Ảnh minh họa.

Cơ hội tiêu thụ sản phẩm địa phương

Báo cáo tại Hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, năm 2016, TP Hà Nội đã tổ chức cho gần 400 lượt DN Hà Nội tham gia các hội nghị liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm của các DN, các cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành.

Các DN TP Hà Nội đã ký kết 350 biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế về khai thác đa dạng sản phẩm nông sản thực phẩm, thuỷ hải sản và các sản phẩm lợi thế từ DN các tỉnh, thành phố đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và đảm bảo nguồn cung hàng hoá cho Hà Nội những mặt hàng mà thành phố chưa cung ứng đủ, góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Cụ thể, Hà Nội đã phối hợp với Bắc Giang xây dựng và tổ chức hội nghị hợp tác, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực giữa TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Giang.

Phối hợp với tỉnh Hà Giang tổ chức buổi xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang vào thị trường Hà Nội với sự tham gia của 6 hệ thống phân phối lớn của Hà Nội bao gồm BigC, Metro, Fivirmart, Intimex, Coop.Mart.

Nhờ đó các sản phẩm cam sành đã được tiêu thụ một khối lượng lớn. Hay phối hợp với tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng của địa phương này.

Bà Lan Cho biết, các chương trình liên kết vùng đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Hà Nội và các địa phương. Nhiều địa phương đã chủ động đề xuất các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm, giúp các DN chủ động được lượng hàng sản xuất và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm có tính thời vụ, cơ bản đã khắc phục được tình trạng “được mùa rớt giá, mất mùa giá tăng” kéo dài khiến đời sống nông dân lao đao.

Đặc biệt, theo bà Lan, Hà Nội là nơi tập trung nhiều trung tâm khoa học kỹ thuật, tập trung nguồn nhân lực mạnh nên từ các Hội nghị kết nối cung cầu kết nối đầu tư với các địa phương, đã góp phần chuyển giao kỹ thuật từ Hà Nội đến với các tỉnh thành phố như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình.

Hàng trăm giống bò chất lượng cao, hàng vạn hệ thống Bigoas Composite và hàng chục ngàn giống cây ăn quả như cam Canh, bưởi Diễn… cũng đã được chuyển đến các địa phương, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa tại các địa phương đó.

“Việc chuyển giao, kết nối này không những giúp các địa phương tiêu thụ tốt hàng hóa tại thị trường nội địa mà còn đẩy mạnh xuất khẩu, giúp các DN có thể vươn xa ra nhiều thị trường trên thế giới” – bà Lan nhận định.

Nhiều sản phẩm đặc sản của các địa phương
được đưa đến Hội nghị. (Ảnh: Nhật Minh).

Vẫn khó sản xuất sạch

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, hiện nay nguồn cung là không thiếu, chủ yếu là chất lượng sản phẩm có an toàn không. Chất lượng đảm bảo sẽ quyết định được khả năng tiêu thụ sản phẩm. “Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua luôn ở tình trạng báo động, bởi vậy, để tiêu thụ được hàng hóa, yếu tố quan trọng đầu tiên mà nhà sản xuất phải làm chính là “sạch”.

Nếu không sạch thì chắc chắn sẽ bị người tiêu dùng quay lưng” – ông Nam nhận định. Tuy nhiên, hiện nay cái khó của ngành nông nghiệp nằm ở chỗ sản xuất vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, theo ông Nam, các Hiệp hội, Liên minh hợp tác xã phải là mắt xích quan trọng để kết nối người nông dân với DN.

“Một hộ gia đình nếu chỉ có nửa ha đất thì không thể áp dụng được bất cứ một tiêu chuẩn “sạch” nào. Do đó, muốn sản xuất được sạch, các hộ nông dân phải có cơ hội được hợp tác, liên kết với nhau tạo thành những hộ sản xuất lớn có đủ diện tích đất đai, điều kiện mới làm được sạch. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng liên kết của Liên minh hợp tác xã, các tổ chức, hiệp hội ở các địa phương” – ông Nam nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với lãnh đạo TP Cần Thơ, đại diện UBND tỉnh Hải Dương cũng cho rằng, yếu tố giữ vai trò quyết định tiêu thụ được hàng hóa hiện nay là vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề này được bàn đi bàn lại nhiều năm nay, nhiều chính sách, chế tài được xây dựng lên để ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn, thế nhưng vấn nạn này vẫn đang từng ngày từng giờ đe dọa bữa ăn của mỗi gia đình người dân Việt Nam.

“Nếu chỉ có các bộ, nhà quản lý thì không thể giải quyết triệt để vấn đề mất an toàn thực phẩm. Cần phải huy động toàn hệ thống chính trị, từ ông trưởng thôn, bà trưởng hội phụ nữ trong việc vận động bà con sản xuất sạch, sản xuất không sử dụng hóa chất… Trước đây, cán bộ thôn xã đến từng nhà động viên các gia đình xây dựng gia đình văn hoá, vì cớ gì đối với vấn đề an toàn thực phẩm chúng ta không làm được như vậy?” – đại diện UBND tỉnh Hải Dương đặt câu hỏi.

Nhiều địa phương tham dự hội nghị cũng cho rằng, nhà quản lý cần xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN cũng như nhà sản xuất trong việc liên kết giữa DN phân phối sản phẩm với các hộ nông dân, đảm bảo một chuỗi liên kết khép kín để khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo sạch. Như vậy mới đảm bảo phát triển bền vững và có thể cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

“Năm 2016 đã có hàng trăm cuộc kết nối giữa các DN của Hà Nội với các địa phương trên cả nước. Tại hội nghị, hơn 300 DN có nhiều nguồn hàng hoá đến từ 50 tỉnh thành đã tham gia. Và đây chính là cầu nối để các DN trong nước có thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa cũng như tạo cơ hội để hàng Việt có thể xuất khẩu sang thị trường thế giới” – Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kết nối nông sản sạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO