Khắc phục dân chủ cơ sở hình thức

Kiên Long 21/07/2016 00:21

Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng công tác dân chủ ở cơ sở. Thực tế cho thấy ở đâu thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, ở đó thu được nhiều kết quả tốt, kinh tế phát triển. Ở đâu vi phạm Quy chế, nhiều tiêu cực phát sinh.

Cần khắc phục tính hình thức trong quá trình thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở- yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tại Hội nghị sơ kết của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở vừa qua, đang đặt ra cho mọi cấp, ngành, đơn vị cần xem xét, thực hiện nghiêm vấn đề này.

Ngay từ năm 1998, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 30-CT/TƯ ngày 18/2/1998, về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ thị của Đảng khi ấy đã chỉ rõ: “Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách đổi mới về kinh tế, chính trị, xã hội, phát huy một bước quyền làm chủ của nhân dân, nhờ đó đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên nhìn chung, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực; tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân vẫn đang phổ biến và nghiêm trọng mà chúng ta chưa đẩy lùi, ngăn chặn được. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa được cụ thể hóa thành luật pháp, chậm đi vào cuộc sống”. Và rồi, ngày 11/5/1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định 29/1998/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn...

Gần 20 năm trôi qua, cùng với việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, nhiều văn bản quy định pháp luật khác đã ra đời, bổ sung. Ngày 8/9/1998, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 71/1998/NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan.

Ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Ngày 4/2/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Kết luận 65-KL/TƯ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30-CT/TƯ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Những quy định về dân chủ ở cơ sở cũng được thể hiện ở nhiều các đạo luật khác như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân... cùng nhiều nghị định, thông tư khác. Vấn đề dân chủ ở cơ sở đã có cả một Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo thực hiện.

Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương, đơn vị đã tỏ ra tích cực thực hiện, nhưng những gì như đánh giá của Đảng từ gần 20 năm trước ở một số nơi, đơn vị, vẫn còn nguyên tính thời sự.

Đó đây, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm; tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà còn không ít ở quan chức, nhất là cán bộ địa phương. Ban Chỉ đạo cũng đã nêu ra những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở khi vẫn còn có tới 46,07% DN ngoài nhà nước và 66,44% DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa tổ chức hội nghị người lao động; chậm sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế DN, hay việc tổ chức hội nghị người lao động còn hình thức. Một số cơ quan địa phương, cơ quan chưa thực hiện đúng chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, nội dung sơ sài...

Từ việc không thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, hay thực hiện mang tính hình thức đã gây ra những hệ lụy, hậu quả không tốt. Ngay một địa phương, nơi được coi là “thành phố đáng sống” như Đà Nẵng, tại Hội nghị sơ kết mới đây, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố đã chỉ rõ, còn những đơn vị làm chưa tốt, lơi lỏng quản lý, một số cán bộ, viên chức chưa thực hiện tốt chức trách của mình dẫn đến sai phạm như vụ phá rừng Cà Nhông, phá rừng Sơn Trà, vụ chìm tàu trên sông Hàn...

Còn như ở nhiều vùng nông thôn, phổ biến như huyện Chư Jút, tỉnh Đắc Nông, tình trạng thực hiện còn thiếu đồng bộ, lúng túng, dẫn đến kết quả không rõ nét. Trong quá trình thực hiện dự án theo chương trình, mục tiêu chưa được công khai, minh bạch để dân biết, kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều hạng mục đầu tư chất lượng kém, không đảm bảo, khi đưa vào sử dụng thì xuống cấp... Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận: “Nơi nào minh bạch thì nơi đó có dân chủ, nơi nào chỉ minh bạch hình thức thì nơi đó có vấn đề”.

Vấn đề, như Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Trương Thị Mai đã chỉ rõ: Phải đi vào làm thực chất, tránh hình thức.

Những chỉ đạo, quy định của Đảng, Nhà nước đã rất rõ, cụ thể, ngay từ gần 20 năm trước. Chỉ với quy định ở xã, phường cũng đã nêu rất rõ từng việc: Từ “Những việc cần thông báo để dân biết”, “Những việc nhân dân bàn và quyết định trực tiếp”, “Những việc nhân dân bàn, tham gia ý kiến, HĐND, UBND xã quyết định”, đến việc “Xây dựng cộng đồng dân cư, thôn , làng, ấp, bản”...

Nếu như những quy định như trên, phương châm, quan điểm chỉ đạo của Đảng được các cấp, cán bộ có trách nhiệm thực hiện nghiêm, không hình thức thì bao năm qua đã không có những điểm nóng, không nhiều việc khiếu nại tố cáo, kinh tế thêm phát triển ổn định, xã hội đã thêm nhiều tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khắc phục dân chủ cơ sở hình thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO