Khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất

V.N. 30/07/2018 21:24

Ngày 30/7, theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tổng hợp từ các địa phương, tính đến 19h ngày 29/7, hệ thống đê điều các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã xảy ra 100 sự cố, tăng 2 sự cố so với báo cáo ngày 29/7.

Khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất

Khắc phục hậu quả mưa lũ tại Đô Lương, Nghệ An.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, hiện nước đang rút dần, tính đến ngày 29-7, diện tích lúa Hè Thu, Mùa 2018 bị ảnh hưởng do mưa, lũ khoảng 89.915 ha, trong đó diện tích có khả năng khôi phục và gieo cấy lại khoảng 52.365 ha, diện tích ngập mất trắng khoảng 19.409 ha, diện tích bị ngập úng, các địa phương đang tiếp tục phân tách diện tích mất trắng và diện tích có khả năng khôi phục.

Diện tích rau màu bị ảnh hưởng khoảng 18.547,5 ha. Tại tỉnh An Giang do ảnh hưởng của triều cường, mưa lớn hiện trên địa bàn tỉnh còn 200 ha lúa ngoài đê bao bị ngập (trong đó 140 ha đã thu hoạch, 50 ha chưa thu hoạch).

Ông Vũ Xuân Thành- Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NNPTNT, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết: Tại tỉnh Hòa Bình, do mưa lớn diện rộng xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 27 đến 29-7 đã gây thiệt hại, làm sập 95 nhà ở do sạt lở đất đá (Đà Bắc: 93 nhà, Tân Lạc: 2 nhà), 76,6 ha lúa, hoa màu bị ngập úng.

Mưa lớn cũng ảnh hưởng đến giao thông, tính đến 15h ngày 29/7, còn 4 tuyến đường tỉnh, đường quốc lộ vẫn tắc chủ yếu do sạt lở taluy dương và ngập sâu trong nước. Ngay sau khi sạt lở, mưa lũ xảy ra, địa phương đã chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở, khu vực ngầm bị ngập nước, cấm phương tiện giao thông và người qua lại; thường xuyên cử người xuống xã để hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, sơ tán và di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở.

Theo đó, tỉnh đã sơ tán khẩn cấp 16 hộ dân tại xã Mường Chiềng, Giáp Đắt, để đảm bảo an toàn cho người dân.

Trước diễn biến của mưa, lũ tiếp tục ảnh hưởng đến các địa phương, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn diện rộng và các thời tiết nguy hiểm trên các bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để chủ động các biện pháp phòng tránh; đồng thời tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, đảm bảo không để người dân bị đói, rét; xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; đảm bảo thông tuyến giao thông; tập trung khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống người dân.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, tình hình các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Bộ có 13/286 hồ chứa lớn đầy nước, trong đó: Sơn La 2, Phú Thọ 1, Bắc Giang 3, Quảng Ninh 1, Thái Nguyên 1, Lạng Sơn 1, Ninh Bình 1, Hòa Bình 3, các hồ còn lại đạt 45-75% dung tích thiết kế. Mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2-4 m. Đối với các hồ chứa nhỏ, có 782/2.699 hồ tích đầy nước, số hồ còn lại đạt 60-85% dung tích thiết kế; mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1-3m. Đáng chú ý, 138 hồ chứa xung yếu tiếp tục theo dõi, chủ động phương án đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, trước diễn biến dự báo có mưa lớn trên diện rộng, cảnh báo lũ trên các sông ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, từ 9h ngày 30/7, hồ thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An)- hồ thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ bắt đầu xả lũ với lưu lượng xả từ 340-1.000 m3/s nhằm cắt lũ cho hạ du, đồng thời đảm bảo an toàn về người và tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO