Bí ẩn Amazon

Thế Tuấn (Nguồn tham khảo: National Geographic Daily mail) 19/08/2018 10:30

Mới đây, thông tin về một nhóm người du lịch mạo hiểm bị mất tích trong rừng rậm Amazon lại một lần nữa khiến người ta lo sợ. Chritophe Matinda - một chuyên gia về khu rừng mưa này nói trên National Geographic rằng, rất có thể họ đã bị “luộc chín” tại một đoạn sông nóng khủng khiếp.

Bí ẩn Amazon

Một bức ảnh hiếm hoi được cho là đã ghi lại được cuộc sống bí ẩn của một tộc người trong rừng mưa Amazon.

Khúc sông tử thần

Rừng và sông Amazon là những địa danh khét tiếng, ẩn chứa những bí ẩn chưa được con người khai phá và có lẽ không bao giờ có thể hiểu hết.

Giữa năm 2016, một nhóm các nhà khoa học Peru đã công bố một “khúc sông tử thần” ở ngay giữa rừng rậm Amazon. Nước đoạn sông này luôn sôi sục với nhiệt độ cao khủng khiếp, đủ sức luộc chín mọi sinh vật xấu số lọt xuống.

Ngay sau đó, Andrés Ruzo - nhà địa chất tại Đại học Southern Methodist (Mỹ) cho biết, chính ông cũng luôn ám ảnh bởi huyền thoại “sông nước sôi” nghe được từ người bản địa. Năm 2011, ông tới khu vực Mayantuyacu thuộc Peru và đã được nghe kể về nó. Trong tiếng địa phương nó được gọi là “con sông được nấu sôi nhờ ánh Mặt trời”. Trong dòng nước, không hề có bất cứ một sinh vật nào.

“Một tách cafe siêu nóng chúng ta vẫn uống chỉ ở khoảng 55 độ C mà thôi. Nhưng nước ở đoạn sông này còn nóng hơn rất nhiều- Andrés mô tả- “Thực sự khó để ước lượng sức nóng ấy. Nếu nhúng tay xuống nước, bạn có thể bị bỏng cấp độ 2 hoặc 3 chỉ sau vài giây”.

Khúc sông này dài khoảng 6km, sâu 6m, rộng khoảng 25m, được coi là thuộc quyền sở hữu của người Asháninka- một trong những tộc người bản địa của rừng mưa Amazon. “Đáng ngại rằng tới nay người ta vẫn không thể biết được vì sao nó nóng đến độ như vậy, vì xung quanh nó không hề có bất kỳ ngọn núi lửa nào.

Bí ẩn Amazon - 1

Anaconda, loài trăn lớn nhất Trái đất trong rừng mưa Amazon.

Điều gì khiến Amazon trở nên đáng sợ?

Hệ động thực vật trong rừng mưa Amazon phong phú, đa dạng và phức tạp hơn bất cứ nơi nào trên trái đất. Trong đó, hệ động vật với nhiều loài được coi là vô cùng đáng sợ.

Trước hết, đó chính là loài muỗi Anopheles. Chúng được coi là những sát thủ nhỏ bé gây ra bệnh sốt rét. Cho tới nay, với rất nhiều nỗ lực nhưng loài người vẫn không thể khống chế được mối nguy hại đến từ chúng. Người ta nói rằng, không ai có thể thoát khỏi căn bệnh sốt rét khi ở trong rừng mưa Amazon khoảng 3 ngày.

Trong những con sông ngang dọc của Amazon, có rất nhiều loài thủy quái. Rắn san hô sở hữu nọc độc gây tê liệt cơ bắp và hệ thần kinh. Cá sấu Caiman dài đến 6,1 mét nặng 300 kg khi tưởng thành. Đây là loài giỏi rình rập và ngụy trang, mang cái chết đến bất cứ lúc nào.

Loài rắn Fer de Lance có màu da nâu vừa bơi rất giỏi lại vừa có thể treo mình trên cây như một cành cây khô. Khi bị loài rắn này tấn công, con mồi lập tức mất trí nhớ.Loài “kiến đạn” lớn nhất thế giới cũng sống ở rừng mưa Amazon. Khi trưởng thành, chúng có thể dài tới 2,5 cm. Sự hiếu chiến của chúng thì miễn bàn. Vết thương do chúng gây ra như vết “đạn bắn”.

Loài nhện có tên “nhện Brazil” ở đây cũng thuộc loại to nhất và độc nhất thế giới. Khi cắn, chúng khiến nạn nhân tê liệt hệ hô hấp và chết do ngạt thở chỉ trong vài phút.

Cuối cùng, không thể không nói đến loài trăn khổng lồ Nam Mỹ, còn biết đến với tên gọi trăn Anaconda. Chúng có thể dài tới 9 mét, nặng 260 kg. Sức mạnh tiềm tàng của nó khiến bất cứ loài vật nào khi bị chúng cuốn cũng đều không thể sống sót.

Bí ẩn Amazon - 2

Chiến lợi phẩm là những con cá rồng cực lớn.

Một nền văn minh tách biệt

Tới nay, người ta vẫn không thể biết chính xác trong rừng mưa Amazon có bao nhiêu bộ tộc. Tuy nhiên, giới nghiên cứu thống nhất cho rằng tại đây có thể hình thành khái niệm “văn minh bộ tộc Amazon”. Và nền văn minh đó tách biệt với những gì chúng ta vẫn biết.

Bộ tộc được phát hiện gần đây nhất sống tại Thung lũng Javari gần biên giới với Peru. Họ có thể thuộc cộng đồng ngôn ngữ Pano. Khi phát hiện, người ta cho rằng họ có khoảng 2.000 người. Nhưng dựa vào cung cách sinh hoạt thì họ không phải là một cộng đồng thống nhất mà có thể tới 14 bộ lạc khác nhau.

Trong rừng mưa Amazon, tới nay người ta xác định rằng bộ lạc Yanomami với khoảng 20.000 thành viên đang sống tại 200-250 ngôi làng ở vùng biên giới Venezuela-Brazil là nhóm bộ lạc lớn nhất. Họ sống trong các túp lều lợp lá, được dựng theo hình vòng tròn. Các nhà thám hiểm phát hiện ra họ vào năm 1985. Ông Amorim - một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, bộ lạc này tổ chức cuộc sống như những bộ lạc thời nguyên thủy, vẫn sống nhờ vào săn bắt, hái lượm. Họ là 1 trong khoảng 77 bộ lạc da đỏ sống biệt lập trong khu rừng rộng lớn này.

Tuy nhiên, đến năm 2011, Cơ quan bảo vệ người da đỏ Brazil cho hay, bộ tộc này đã mất tích một cách bí ẩn. Người ta cho rằng để tránh bị tàn sát bởi những kẻ buôn lậu ma túy và săn bắn động vật hoang dã, họ đã chia nhỏ và rút vào rừng sâu. “Nếu không làm gì được để giúp đỡ họ thì chính họ sẽ là những người tiêu diệt chúng ta khi chúng ta vào Amazon”- Amorim nói.

Bình luận về vụ mất tích bí ẩn của nhóm khách du lịch mới đây, Amorim bóng gió nói rằng, biết đâu họ không bị “dòng sông nước sôi” giết chết mà chết do chính những thổ dân bị loài người văn minh bắt đi.

Lưu vực Amazon rộng khoảng 7 triệu km2, trong đó diện tích rừng mưa rộng 5.500.000 km2; thuộc về 9 quốc gia: Brazil (với 60% rừng mưa), Peru (13%), và phần còn lại thuộc Colombia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam cùng Guyana thuộc Pháp. Rừng mưa Amazon chiếm hơn 50% rừng mưa còn lại của Trái đất. Rừng mưa Amazon hết sức đa dạng về sinh học, với khoảng 10% số lượng loài đã biết trên thế giới sống tại đây. Đây là quê hương của khoảng 2,5 triệu loài côn trùng, hàng chục nghìn loài thực vật, và khoảng 2.000 loài chim, thú; 75.000 kiểu cây gỗ và 150.000 loài thực vật bậc cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bí ẩn Amazon

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO