Vương quốc băng giá của hành tinh

Duy Long 08/11/2018 09:00

Châu Nam Cực là lục địa lớn thứ 5 về diện tích sau châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ cùng Nam Mỹ. Với tổng diện tích 14.000.000 km2, châu Nam Cực được coi là hoang mạc lớn nhất thế giới, hai vị trí tiếp theo là Sahara (rộng 9.400.000 km2) và sa mạc Arab (rộng 2.330.000 km2).

Vương quốc băng giá của hành tinh

Nam Cực là vùng hoang mạc lớn nhất thế giới, vượt qua sa mạc Sahara và sa mạc Arab. Nguồn: Getty.

Châu Nam Cực là lục địa nằm xa nhất về phía Nam của Trái Đất, chứa cực Nam địa lý và nằm trong vùng Nam Cực của Nam bán cầu, gần như hoàn toàn ở trong vòng Nam Cực và được bao quanh bởi Nam Băng Dương. Với diện tích 14 triệu km vuông (5,4 triệu dặm vuông), châu Nam Cực là lục địa lớn thứ 5 về diện tích sau châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ, và Nam Mỹ. Khoảng 98% châu Nam Cực bị bao phủ bởi một lớp băng có bề dày trung bình 1,9 km (1,2 dặm). Băng trải rộng ra khắp mọi phía, xa nhất lên phía Bắc tới điểm cực Bắc của bán đảo Nam Cực.

Châu Nam Cực, xét trung bình, là lục địa lạnh nhất, khô nhất, nhiều gió nhất, và cao nhất trong tất cả các lục địa. Nơi đây từng ghi nhận mức nhiệt độ -89 °C, dù vậy nhiệt độ trung bình quý III (giai đoạn lạnh nhất trong năm) là -63 °C. Tuy không có cư dân sinh sống thường xuyên, nhưng vẫn có từ 1.000 đến 5.000 người sinh sống mỗi năm tại các trạm nghiên cứu phân bố rải rác khắp lục địa. Chỉ có các vi sinh vật ưa lạnh có thể sống sót ở châu Nam Cực như các loại tảo, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, và một số loài động vật nhất định như mạt, giun tròn, chim cánh cụt, hải cẩu và gấu nước. Thảm thực vật xuất hiện là đài nguyên.

Mặc dù những huyền thoại và suy đoán về Terra Australis (Vùng đất phía Nam) đã có từ lâu, châu Nam Cực chỉ được phát hiện lần đầu vào năm 1820 bởi hai nhà thám hiểm người Nga Fabian Gottlieb von Bellingshausen và Mikhail Lazarev trên hai con tàu Vostok và Mirny. Tuy vậy, do môi trường khắc nghiệt, thiếu nguồn tài nguyên dễ tiếp cận, và tính biệt lập, châu Nam Cực vẫn bị bỏ mặc trong phần còn lại của thế kỷ 19. Cuộc đổ bộ được xác nhận đầu tiên do một nhóm người Na Uy thực hiện vào năm 1895.

Vương quốc băng giá của hành tinh - 1

Một trạm nghiên cứu khoa học ở Nam Cực. Nguồn: Getty.

Hiệp ước Nam Cực được ký năm 1959 với sự tham gia của 12 quốc gia; cho đến nay đã có 49 quốc gia ký kết. Hiệp ước nghiêm cấm các hoạt động quân sự và khai thác khoáng sản, thử hạt nhân và thải bỏ chất thải hạt nhân; ủng hộ nghiên cứu khoa học và bảo vệ khu sinh thái của lục địa. Các thí nghiệm hiện vẫn đang được tiến hành với sự tham gia của hơn 4.000 nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia.

Châu Nam Cực có độ cao trung bình lớn nhất và độ ẩm thấp nhất trong số các lục địa trên Trái Đất. Đỉnh Vinson cao nhất dãy núi Ellsworth với độ cao đo được bằng GPS là 4892.17m nằm cách điểm cực nam 1200 km.

Về cơ bản, châu Nam Cực được chia làm hai bởi dải núi chạy giữa biển Ross và biển Weddell, tạo thành miền Đông Nam Cực và Tây Nam Cực. Châu Nam Cực nằm chủ yếu trong vòng cực Nam. Phần vươn lên phía bắc nhiều nhất là một số đảo và bán đảo Graham, tới vĩ tuyến 63° Nam. Trung tâm của lục địa, điểm cách xa bờ biển nhất-khoảng 1.700 km. Lớp băng phủ dày trung bình 1.720 m, có tổng thể tích khoảng 24 triệu km khối, chiếm hơn 90% lượng băng trên mặt Trái Đất. Khoảng 1% mặt lục địa không có băng phủ, hình thành những ốc đảo. Châu Nam Cực có khá nhiều ốc đảo, rộng từ vài km vuông tới vài trăm km vuông (ốc đảo Banghera rộng 952 km vuông).

Nhiệt độ trên bình nguyên Nam cực khoảng -60 °C trong suốt nửa năm liền. Đó là mùa đông địa cực. Sau đó, chuyển sang mùa hè (khoảng từ giữa tháng 12 năm này tới giữa tháng 1 năm sau) với nhiệt độ có thể lên tới âm 30°C. Lượng tuyết rơi hàng năm tại điểm Cực Nam chưa tới 2,5 cm (quy ra mực nước). Còn ở Bán đảo Nam cực, lượng này là 90 cm.

Nhiệt độ trung bình thấp của không khí đã ngưng tụ hơi nước, đóng băng tạo nên độ ẩm rất thấp, làm cho da tay và da mặt dễ bị nứt nẻ khi làm việc tại Nam Cực.

Vương quốc băng giá của hành tinh - 2

Bên dưới lớp băng dày của Nam Cực là một hệ sinh thái cực kỳ đặc biệt.

Trái ngược với một Nam Cực vắng lặng và hoang vu, thế giới dưới lớp băng tại đó sôi động và đa dạng không kém bất cứ vùng biển nhiệt đới nào. Dưới độ sâu 9-15m, tảo bẹ trông như một “khu vườn rậm rạp”, lá dài tận 3m buông lả lướt. Sao biển khổng lồ bò chậm chạp, mỗi con có kích thước tới 40cm. Ngoài ra là những con nhện biển có sải chân tới 10 cm.

Dưới độ sâu 50 m, đáy biển Nam Cực được phủ kín bởi thảm thủy tức và sò. Sò Nam Cực cũng cực lớn, kích thước trung bình 10cm, con “trẻ” nhất cũng phải cỡ 40 năm tuổi. Huệ biển phát triển mạnh mẽ. Bọ nước khổng lồ lổm ngổm bò, kiếm ăn xung quanh. Dưới độ sâu 70m, san hô, bọt biển nhiều màu nở rộ, tươi tốt không kém bất cứ vùng biển nhiệt đới nào. Cá nấp trong cụm san hô, động vật có vỏ khoe lớp áo giáp cồng kềnh, ngay cả lớp động vật không xương sống cũng cực kỳ to lớn.

Nhiều quốc gia đã gửi những nhà nghiên cứu đến cư trú thường xuyên trong các trạm nghiên cứu rải rác trên toàn châu lục. Số lượng những người làm công tác nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu ở đây dao động từ 1.000 người vào mùa đông và 5.000 người vào mùa hè.

Trạm cư trú đầu tiên được thiết lập tại Nam Cực vào năm 1786 bởi các ngư dân săn hải cẩu Anh, Mỹ. Họ đã lập những trạm cư trú tạm thời trên đảo Georgia để sống qua mùa đông Nam Cực trong thời gian một năm hay nhiều hơn. Trong suốt thời kỳ săn cá voi (kết thúc vào năm 1966), số dân trên toàn châu lục là khoảng 1.000 người (có những năm vượt 2.000 người) vào mùa hè và 200 người vào mùa đông. Phần lớn những thợ săn cá voi là người Na Uy và những năm tiếp theo người ta ghi nhận thấy sự gia tăng của những người có quốc tịch Anh.

Những người quản lý công việc săn bắt cá voi thường sống ở đây với gia đình họ. Một trong số đó là Đại tá Carl Anton Larsen, người thành lập nên Grytviken, là một nhà thám hiểm và săn bắn cá voi người Na Uy, sau đó nhập quốc tịch Anh vào năm 1910.

Đứa trẻ đầu tiên sinh ra ở vùng cực nam Trái Đất này là một bé gái người Na Uy có tên Solveig Gunbjörg Jacobsen. Jacobsen sinh ngày 8/11/1913 và là con gái của Fridthjof Jacobsen, trợ lý của một trạm đánh bắt cá voi và vợ Klara Olette Jacobsen. Jacobsen đến đảo vào năm 1904 và trở thành quản lý của Grytviken từ 1914 đến 1921; hai đứa trẻ của ông được sinh ra ở Nam Cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vương quốc băng giá của hành tinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO