Khẩn cấp cứu lúa

Hải Nhi 23/07/2020 08:18

Bắc Trung bộ có  325.000 ha lúa mùa, hè thu, thời điểm này đã có 26.000 ha bị hạn, thiếu nước, một nửa trong số đó có nguy cơ mất trắng nếu tiếp tục không có mưa. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo các địa phương thuộc khu vực này phải có ngay các giải pháp khẩn cấp, vừa có tính bền vững để ứng phó thiên tai.

Nắng nóng kéo dài, đồng khô, lúa chết.

Ngày 22/7, Hội nghị “Tăng cường công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng chống thiên tai khu vực Bắc Trung Bộ” do Bộ NNPTNT tổ chức diễn ra ngay tại “chảo lửa” Nghệ An - nơi nắng nóng đỉnh điểm kéo dài hơn 2 tháng qua.

Cũng tại đây, dự báo về tình hình thời tiết sắp tới, ông Vũ Đức Long- Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vẫn đưa ra những thông tin không mấy khả quan khi nắng nóng vẫn sẽ tiếp diễn trong một tuần tới. Kế đó, mùa bão lũ sẽ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung bộ.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho biết, dự báo mùa khô ở khu vực Bắc Trung Bộ vẫn còn kéo dài đến hết tháng 7, 8/2020. Nguồn nước trữ tại các hồ chứa hiện vẫn đang ở mức thấp. Đặc biệt, diện tích cây trồng bị hạn hán, thiếu nước sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Đáng chú ý, vụ lúa hè - thu năm 2020 hiện đã gieo cấy được thấp nhất trên 90% kế hoạch (Thanh Hóa đạt 97%, Nghệ An 92%, các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đạt 100%). Do nguồn nước không đảm bảo, toàn vùng hiện có khoảng 8.200 ha đang phải điều chỉnh giãn, dừng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng (Thanh Hóa 3.200 ha, Nghệ An 5.000 ha).

Ngoài ra, diện tích đang bị hạn hán, thiếu nước trong khu vực là 25.970 ha, tập trung chủ yếu ở các các tỉnh: Thanh Hóa 9.000 ha, Nghệ An 11.000 ha, Hà Tĩnh 990 ha, Quảng Bình 840 ha, Quảng Trị 4.140 ha.

Riêng tỉnh Nghệ An, từ đầu tháng 6 đến nay nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm hơn 2.000ha lúa đã chết cháy, tập trung chủ yếu ở Nghi Lộc và Hưng Nguyên.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý chia sẻ, Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh có dân đông, diện tích lớn, hệ thống sông ngòi dày đặc, lượng hồ đập lớn nhất cả nước, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai như hạn hán, nắng nóng, lũ lụt.

Dù 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá, đạt 4,98%. Nhưng nếu không mưa trong 1 tuần nữa, khả năng hạn hán trên diện rộng sẽ xảy ra. Sản xuất nông nghiệp sẽ gặp khó khăn rất lớn, và tính mạng, của cải của người dân sẽ bị đe dọa.

Về giải pháp ứng phó của tỉnh Nghệ An, để đối phó có hiệu quả với sự biến động của thời tiết, chủ động phòng, chống thiên tai, ngay từ đầu năm, Nghệ An đặc biệt quan tâm, thực hiện nghiêm túc theo phương châm: Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính.

Nhấn mạnh việc các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đang chịu hậu quả nặng nề từ nắng nóng, hạn hán; nhưng đây cũng là khu vực đặc biệt, vừa chống hạn hán, xâm nhập mặn, tới đây phải đối mặt với lũ lụt, ngập nước- Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo: Các địa phương phải có ngay các giải pháp khẩn cấp, vừa có tính bền vững để ứng phó thiên tai.

Cụ thể với công tác phòng chống hạn “cứu” lúa, Bộ trưởng nhận định: Nguyên nhân hạn hán là do không có mưa trong thời gian dài, dòng chảy bị suy kiệt từ 20 -30%, nắng nóng, các hồ rất khó khăn về nước.

“Toàn vùng Bắc Trung Bộ cần nghiên cứu kỹ để điều tiết hiệu quả dung tích nước đang còn trong các hồ chứa. Đồng thời tập trung bơm cưỡng bức với tất cả các loại công suất để hỗ trợ cho được 26.000 ha lúa bị hạn, bên cạnh đó áp dụng quy trình tưới luân phiên” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.

Với vụ hè - thu, Bộ trưởng đề nghị quán triệt phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Bên cạnh đó, toàn vùng còn 46.600 hộ thiếu nước nên cần thực hiện các giải pháp cung cấp nước để không hộ nào thiếu nước sinh hoạt.

Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý các tỉnh trong khu vực cần rà soát tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng, không để nguy cơ rủi ro. Các địa phương phải rất chú ý đến vùng sinh thủy rừng vì đây là vùng sinh nước, ngậm nước, giữ nước.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương rà soát lại toàn bộ các thiết chế hạ tầng lớn, nhất là các hồ chứa nước. Đánh giá, tính toán lại phương án trị thủy các dòng sông một cách hiệu quả hơn…

Bộ trưởng yêu cầu sau Hội nghị, 6 tỉnh tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả, “biến nguy thành cơ”, hạn chế thấp nhất các thiệt hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẩn cấp cứu lúa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO