Khẩn trương tuyển đủ giáo viên cho năm học mới

Dung Hòa 03/08/2022 07:52

Ngày 2/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chính thức có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai tuyển dụng 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022-2023.

Bảo đảm tuyển đủ giáo viên cho năm học mới. Ảnh: Quang Vinh.

Trước đó, vào ngày 18/7, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định về việc giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Bớt nỗi lo thiếu giáo viên

Tình trạng thiếu giáo viên các cấp học phổ thông là trăn trở lâu nay của ngành giáo dục. Nhất là trong tình hình hiện nay, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình cuốn chiếu. Quyết định tuyển bổ sung gần 66.000 giáo viên của Bộ Chính trị đã nhận được sự hưởng ứng của nhà trường và dư luận, nhằm giúp giải quyết triệt để tình trạng có học sinh nhưng không có giáo viên đứng lớp.

Phản ánh từ cơ sở cho thấy, đến thời điểm này, Thanh Hóa là địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước. Ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa thông tin: Toàn tỉnh thiếu khoảng 9.000 giáo viên từ mầm non đến THPT. Trong đó, thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non và tiểu học. Sở GDĐT Thanh Hóa đã đề xuất bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng như mong muốn.

Tương tự, ngành giáo dục Quảng Ngãi cũng thiếu khoảng hơn 1.000 giáo viên từ mầm non cho đến THPT. Cụ thể, bậc mầm non thiếu 213 chỉ tiêu; tiểu học 471 chỉ tiêu; THCS: 205 chỉ tiêu; THPT: 164 chỉ tiêu. Ông Nguyễn Ngọc Thái - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sở đã đề nghị UBND tỉnh cho phép tuyển dụng số giáo viên còn thiếu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của năm học 2022-2023. Theo đó, đề xuất của Sở đã được chấp thuận, dự kiến tháng 11 tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục.

Ghi nhận tại Nghệ An, toàn tỉnh có hơn 870.000 học sinh các cấp với trên 1.500 cơ sở giáo dục. Theo dự báo, năm học 2025-2026, toàn tỉnh có hơn 924.000 học sinh (tăng khoảng 106.000 học sinh so với năm học 2021-2022); năm 2030 sẽ tăng hơn 120.000 học sinh. Với số lượng học sinh này, Nghệ An sẽ thiếu trên 7.000 giáo viên để đảm bảo dạy học theo chương trình mới.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông ngành GDĐT tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, tỉnh cũng đề nghị Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét đảm bảo biên chế để thực hiện dạy học.

Ưu tiên tuyển giáo viên cho các môn học mới

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, hiện các địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất là Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Thái Nguyên, TP HCM, Vĩnh Phúc… Nhằm đảm bảo đủ giáo viên cho năm học mới, Bộ GDĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành triển khai, bổ sung số lượng biên chế giáo viên theo từng cấp học.

Trong đó, ưu tiên tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới để thực hiện Chương trình GDPT 2018 và ưu tiên tuyển giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Bộ GDĐT đề nghị các địa phương có giải pháp để đảm bảo nguồn tuyển dụng, có sự trao đổi, phối hợp giữa các địa phương để tuyển dụng đủ giáo viên đáp ứng yêu cầu môn học khác nhau. Về lâu dài, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương có lộ trình đào tạo nhân lực phục vụ ngành giáo dục để có thể đảm bảo nguồn tuyển biên chế đến năm 2026.

Theo số liệu của Bộ GDĐT vào năm học trước, cả nước còn thiếu trên 94.000 giáo viên các cấp, trong đó riêng bậc mầm non thiếu trên 48.700 giáo viên, tiểu học thiếu trên 20.000 giáo viên… Trong khi đó, số giáo viên thừa ở các cấp, thừa cục bộ ở một số địa phương là 10.178 người.

Liên quan đến băn khoăn thiếu giáo viên dạy chương trình GDPT mới các môn nghệ thuật, GS. TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, các môn như Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh các trường sư phạm xưa nay vẫn đào tạo nên không thiếu nhân lực. Nhưng tuyển sinh của những ngành Âm nhạc, Mỹ thuật không dễ vì với chương trình 2006, chỉ tiêu biên chế ít, nên thí sinh lựa chọn không nhiều. Nhưng Tin học và tiếng Anh thì ngược lại.

Ông Minh nêu thực tế, hai năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ngành Sư phạm Âm nhạc và Mỹ thuật đã tăng lên; các địa phương đã đặt hàng các trường sư phạm đào tạo số lượng cụ thể từng môn nhưng vẫn còn rất dè dặt.

Vì chính sách này mới lại liên quan đến kinh phí của địa phương. Khi đặt hàng, UBND các tỉnh dựa trên cơ sở đề xuất của Sở GDĐT, nhưng khi tuyển dụng lại liên quan đến Sở Nội vụ.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) lưu ý, trường hợp các trường vào năm học mới nhưng chưa tuyển dụng đủ số lượng giáo viên được giao hoặc chưa hoàn thành công tác tuyển dụng, địa phương phải có các giải pháp tạm thời để bảo đảm có đủ số lượng giáo viên đứng lớp như ký hợp đồng giáo viên, thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với địa phương lân cận nhằm phối hợp tuyển dụng đội ngũ còn thiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẩn trương tuyển đủ giáo viên cho năm học mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO